Trước đòi hỏi, trông chờ thời sự, một năm ra đời Ban nội chính trung ương - cơ quan tham mưu chiến lược của đảng - đã được dư luận cử tri và nhân dân hoan nghênh

Trần Xuân Sơn 24/01/2014 08:33

Lược ghi ý kiến của TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG tại cuộc làm việc với Ban Nội chính Trung ương

Đảng ta là Đảng cầm quyền, phải lãnh đạo Nhà nước và xã hội một cách toàn diện, kể cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... trong đó có việc lãnh đạo hoạt động của bộ máy nhà nước. Và trong hoạt động của bộ máy nhà nước, có lĩnh vực nội chính, không thể không có sự lãnh đạo về công tác nội chính. Nội chính, tổ chức và hoạt động của các cơ quan nội chính như tòa án, kiểm sát, thanh tra, các cơ quan có chức năng tư pháp... là những lĩnh vực rất quan trọng, nhưng cũng rất khó khăn, phức tạp. Chúng ta mới có chính quyền nhân dân từ năm 1945 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chưa có nhiều kinh nghiệm cho nên càng khó khăn, phức tạp. Có những việc chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm, tổng kết và tiếp tục thực hiện, đặc biệt là công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta mới bắt đầu nói đến tham nhũng và chống tham nhũng. Đã gọi là Đảng lãnh đạo thì phải có cơ quan tham mưu, trong lĩnh vực nào cũng vậy, nhất là trong lĩnh vực to lớn, khó khăn, phức tạp, quan trọng như tham nhũng thì cũng cần phải có cơ quan tham mưu. Tại sao từ năm 1966, chúng ta đã có Ban Pháp chế. Cho nên không phải ngẫu nhiên, chúng ta phải thành lập một cơ quan như vậy. Đây là cơ quan tham mưu cho Đảng về công tác nội chính, về lĩnh vực tổ chức và hoạt động công tác nội chính, về công tác phòng, chống tham nhũng. Thế vì sao có những lúc lại giải thể Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương? Bởi lúc bấy giờ có một lý lẽ là: đã là Đảng cầm quyền, có bộ máy tổ chức của Nhà nước thì Đảng sử dụng các cơ quan tham mưu trong bộ máy Nhà nước để phục vụ cho công tác lãnh đạo của mình. Nhưng mới giải thể mấy năm nay thì bây giờ đã phải lập lại. Sử dụng các cơ quan tham mưu của bộ máy Nhà nước, nghe thì có vẻ là hợp lý, nhưng thực ra chưa phải, như vậy là hiểu chưa đúng chức năng lãnh đạo của Đảng. Tham mưu của Đảng khác với Nhà nước. Tham mưu của Đảng là đề xuất chủ trương, đường lối, quan điểm về lĩnh vực nội chính. Còn tham mưu của Nhà nước là để tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng. Ở Quốc hội có Ủy ban Tư pháp cũng có chức năng giám sát, nhưng là giám sát việc thực hiện Hiến pháp và pháp luật. Vậy ở bên Đảng, là chủ trương, đường lối, quan điểm từ đầu của Đảng về lĩnh vực nội chính thì ai lo? Sử dụng một bộ máy của cơ quan chỉ đạo công việc hàng ngày để làm nhiệm vụ tham mưu chiến lược thì có được không? Thông thường, một điều rất thực tế là ăn cây nào, rào cây nấy, dù là một cách rất khách quan. Cho nên, dễ sa vào những việc cụ thể mà không quan tâm thích đáng đến những vấn đề có tính chủ trương, đường lối, quan điểm. Ai là người tham mưu, đề xuất những chủ trương, quan điểm để xây dựng luật pháp trên lĩnh vực nội chính? Ai là người giám sát việc sửa đổi Hiến pháp có đúng Cương lĩnh của Đảng hay không? Phải là cơ quan của Đảng chứ. Cho nên, yêu cầu đặt ra là phải có một bộ máy riêng (đương nhiên không phải lập lại tất cả các ban của Đảng). Tính chất tham mưu của Đảng không hoàn toàn giống với tham mưu của các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ. Tham mưu của Đảng ở tầm bao quát hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn và nhất là tránh được tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. Cho nên, việc lập lại Ban Nội chính Trung ương cũng như Ban Kinh tế Trung ương là đúng yêu cầu khách quan, dư luận đồng tình và khẳng định đây là việc làm cần thiết, là chủ trương đúng đắn.

Về tình hình hoạt động của Ban Nội chính Trung ương trong năm 2013, Quyết định của Bộ Chính trị về thành lập và chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Ban Nội chính Trung ương ban hành ngày 28.12.2012, nhưng thực ra Ban bắt đầu hoạt động từ sau Tết năm 2013 và đến bây giờ mới được gần một năm. Trong điều kiện mới được thành lập, có nhiều việc cần giải quyết, vừa chạy vừa xếp hàng, thì Ban đã bước đầu thực hiện tốt công việc. Xin nêu 3 loại vấn đề.

Một là, Ban đã sắp xếp, kiện toàn bộ máy, bố trí cán bộ, chuẩn bị đội ngũ, chỗ làm việc. Sắp xếp lại thì nhiều bộ phận có cái thuận nhưng cũng có cái khó. Ai làm tiếp, ai không, có sàng lọc hay không - khó lắm chứ. Thế nên nói vừa chạy vừa xếp hàng là thế. Xây dựng quy chế công tác, xác định chức năng, nhiệm vụ, thiết lập các mối quan hệ với các cơ quan: Trung ương là thế nào, ở các địa phương là thế nào - đến nay đã cơ bản đi vào nền nếp. Về biên chế, Ban Nội chính Trung ương có hơn 100 cán bộ, công chức. Các đơn vị trực thuộc đã đi vào hoạt động và bước đầu có kết quả tích cực. Đồng thời theo chủ trương của Trung ương thì có các Ban Nội chính ở các tỉnh, thành phố. Như vậy, chúng ta lại có cả một hệ thống nội chính ở địa phương phải lo, phải hướng dẫn, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ…

Hai là, triển khai ngay một số công việc được giao, chịu sức ép rất lớn, dư luận đòi hỏi, trông chờ xem Ban Nội chính Trung ương ra đời như thế thì hoạt động thế nào, liệu có đáp ứng được mong mỏi không hay lại càng mất niềm tin? Có một tâm lý như thế khi Ban Nội chính Trung ương tái thành lập. Nhưng rõ ràng trong 1 năm qua, Ban Nội chính Trung ương đã cố gắng, nỗ lực rất lớn, đặc biệt trong vai trò là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Một kết quả rất rõ là Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu, đề xuất để Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 Đoàn kiểm tra liên ngành, có tác dụng rất tốt. Báo cáo của các Đoàn kiểm tra rất bài bản, không những có tác dụng thúc đẩy, nhắc nhở, đôn đốc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng tốt hơn mà còn phát hiện, kiến nghị thêm nhiều vấn đề phải xử lý tiếp, kể cả trên Trung ương và địa phương. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp – đây là thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Kế hoạch 08 của Bộ Chính trị - phối hợp rất nhịp nhàng. Điểm hay là ở chỗ này. Qua kiểm tra, giám sát, Ban đã đề xuất được nhiều vấn đề tốt. Vừa rồi họp, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đánh giá tốt, dư luận đánh giá tốt, tiếp xúc cử tri rất hoan nghênh. Đây là một trong những điểm nổi bật trong năm 2013 của Ban Nội chính Trung ương.

Ban Nội chính Trung ương cũng đã chủ động tham mưu, đề xuất để Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng lựa chọn 8 vụ án và 2 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Lúc đầu khi đưa các vụ án, vụ việc này ra Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thảo luận, cũng còn có ý kiến băn khoăn, không hiểu Ban Chỉ đạo làm thế có chồng chéo chức năng không, có làm thay các cơ quan Nhà nước không? Nhưng sau khi thống nhất thành lập các bộ phận chuẩn bị, giúp việc để triển khai thực hiện thì rõ ràng chỉ trong một thời gian ngắn, mới từ tháng 8.2013 đến nay, trong đó có những vụ án đã tồn đọng 5 - 6 năm nay, có những vụ án mới khởi tố tháng 5.2012… thì đã được đưa ra xét xử rất nghiêm minh, được dư luận đánh giá tốt. Bên cạnh đó, Ban Nội chính Trung ương còn hoàn thành tốt một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực của công tác nội chính như: sơ kết, tổng kết một số văn bản, chỉ thị, thông báo của Ban Bí thư; tham mưu, đề xuất một số chủ trương, biện pháp mới; thẩm định một số đề án quan trọng trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư; tham gia một số Đoàn kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; đôn đốc việc thành lập, tập huấn nhiệm vụ cho các Ban Nội chính ở cấp tỉnh, thành phố.

Ba là, về phương pháp công tác, lề lối làm việc - đây cũng là điểm sáng của Ban Nội chính Trung ương thời gian qua. Ban Nội chính Trung ương làm việc có kế hoạch, chương trình bài bản, nghiêm túc, có phân công và phối hợp tốt, khá nhịp nhàng, không chồng chéo, đúng chức năng, nhiệm vụ. Chính vì thế, hoạt động của Ban đạt hiệu quả. Cán bộ, công chức, viên chức của Ban chủ động, sáng tạo, lăn lộn với công việc. Lãnh đạo Ban rất sâu sát, cụ thể với tinh thần, trách nhiệm cao. Tại phiên họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng vừa qua đã rút ra một kinh nghiệm hay của năm 2013, đó là xác lập được một cơ chế phối hợp trong giải quyết các vụ án, vụ việc tham nhũng. Ở đây đòi hỏi sự phối hợp rất cao, rất nhịp nhàng và phải thống nhất ý kiến thì mới làm được, vì phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khó, phức tạp. Nó đụng chạm ngay đến lợi ích, đụng chạm ngay đến con người. Và lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, nó chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất nan giải, phức tạp, cho nên đòi hỏi một sự phối hợp rất cao. Tôi thấy các đồng chí tán thành cơ chế này, thực hiện đúng chức năng lãnh đạo về đường lối xử lý, phương pháp, chứ không can thiệp vào vụ án phải xử mấy năm, tội danh gì, không có án bỏ túi. Đây là mô hình rất hay và là một kinh nghiệm của năm 2013 cần tiếp tục phát huy. Ban Nội chính Trung ương có tác dụng lớn và vai trò lớn ở chỗ đó, đồng tâm nhất trí rất cao. Thật sự vừa rồi, tôi thấy rất mừng là các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an đã phối hợp tốt, chúng ta đã tìm ra khâu đột phá là vì sao điều tra thường là lâu, khâu giám định thường là vướng, vận dụng nhiều án treo với án tham nhũng. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tập trung đột phá ba điểm này. Qua thực tế triển khai cho thấy, đột phá ba điểm này là đúng, trong đó có công lớn của Ban Nội chính Trung ương. Tôi cho rằng, nhìn lại, chúng ta có thể tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc.

Như vậy, thực tế cho thấy, gần 1 năm hoạt động của Ban Nội chính Trung ương, rõ ràng khẳng định chủ trương việc lập lại Ban Nội chính Trung ương là đúng. Kể cả với Ban Kinh tế Trung ương cũng vậy, việc lập lại là đúng. Đề nghị Ban Nội chính Trung ương cần tiếp tục kiên trì để thực hiện tốt các nhiệm vụ. Đương nhiên, mới hoạt động được gần một năm thì còn nhiều việc cần phải làm. Sự nghiệp phòng, chống tham nhũng của chúng ta trước mắt còn gian nan, khó khăn, gian khổ, phức tạp vô cùng. Phấn khởi, tự hào và mừng là được dư luận đồng tình, đánh giá cao, nhưng chúng ta không được chủ quan.

Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2014 và các năm tiếp theo, tôi đồng tình như trong Báo cáo đã nêu. Xin nhấn mạnh thêm mấy việc. Thứ nhất, một lần nữa đề nghị cần nhận thức rất sâu sắc về vai trò, vị trí của Ban Nội chính Trung ương. Đây là cơ quan tham mưu của Đảng, hay cũng có thể nói là cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng về công tác nội chính của Đảng. Như trong Quyết định của Bộ Chính trị đã nêu là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương, chính sách lớn thuộc lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng. Có thể nói, Ban Nội chính Trung ương là tai mắt của Đảng, là bộ óc của Đảng về lĩnh vực này. Không phải chỉ có phòng, chống tham nhũng, đấy là một việc thôi, lĩnh vực nội chính rất rộng, liên quan đến cả an ninh, trật tự xã hội, quản lý nhà nước bằng pháp luật… Và như trên đã nói, chúng ta không ngại trùng lặp chức năng của các cơ quan khác. Phải nắm và nhận thức rất sâu sắc vai trò, vị trí quan trọng của Ban Nội chính Trung ương.

Thứ hai, phải nắm rất vững chức năng, nhiệm vụ của Ban Nội chính Trung ương. Trong Quyết định của Bộ Chính trị có nêu 6 nhiệm vụ, nhưng tôi nhấn mạnh 3 nhiệm vụ. Một là nghiên cứu, tham mưu, đề xuất. Đây là nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những quan điểm, định hướng lớn của Đảng về công tác xây dựng pháp luật, trọng tâm là những đề án liên quan đến lĩnh vực nội chính và phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu đề xuất một số chủ trương, chính sách về an ninh quốc gia và phòng, chống tham nhũng. Đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cho chủ trương, định hướng xử lý một số vụ án, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng. Tham mưu là thế, phải ở những lĩnh vực lớn. Muốn thế phải có nghiên cứu, đề xuất ngay từ khâu xây dựng pháp luật - chỗ này chúng ta đang còn khó, còn yếu, chưa rõ lắm. Tham mưu, đề xuất phải gắn với chủ trương, phù hợp với Cương lĩnh của Đảng, với quan điểm của Đảng. Hai là thẩm định, thẩm tra các báo cáo, đề án của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực nội chính mỗi khi trình Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Vừa qua khâu thẩm định này chưa thực hiện được nhiều. Ba là hướng dẫn, kiểm tra, giám sát. Kiểm tra, giám sát của Ban Nội chính Trung ương cũng khác với kiểm tra, giám sát của cơ quan khác. Nếu đúng ra là phải kiểm tra, giám sát cả việc thanh tra làm có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không; giám sát, kiểm tra việc ban hành văn bản pháp luật có đúng đường lối, quan điểm của Đảng không? Đấy mới gọi là tầm giám sát, kiểm tra của Ban Nội chính Trung ương với tư cách là một ban tham mưu của Đảng. Anh ban hành văn bản này có trái Nghị quyết của Trung ương hay không? Có đúng với tư tưởng cải cách tư pháp của Trung ương không, của Bộ Chính trị không? Ban Nội chính Trung ương sắp tới phải làm được như vậy. Như vậy có chồng lấn về chức năng với ai đâu? Còn QH thẩm định khác, xem có phù hợp với Hiến pháp hay không. Đương nhiên QH cũng có cả việc xem xét có phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng hay không, nhưng về mặt lập pháp, các Ủy ban của QH chủ yếu thẩm tra xem việc dự kiến ban hành văn bản đó có đúng Hiến pháp hay không, chủ yếu là về mặt Nhà nước. Và đương nhiên khi đã hiến định thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, thì không được phép làm trái Cương lĩnh của Đảng. Ban Nội chính Trung ương phải gác gôn cho Đảng trên lĩnh vực này: không cho phép ai làm trái Cương lĩnh của Đảng. Chỗ này rất biện chứng với nhau, chứ đừng có nhấn chỉ một phía. Ban Nội chính Trung ương phải thấm sâu sắc chỗ này. Một mảng nữa, tuy cụ thể nhưng rất quan trọng, Ban Nội chính Trung ương là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, thì vừa qua Ban đã tập trung làm tương đối rõ và tốt công tác này. Đây là khâu đột phá tốt. Sắp tới Ban phải làm nhiều hơn nữa, tham mưu, đề xuất, giám sát, kiểm tra, thẩm định các văn bản trên lĩnh vực phòng, chống tham nhũng.

Thứ ba, Ban Nội chính Trung ương cần tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, thiết lập các chế độ công tác, quan hệ công tác ngang - dọc với các cơ quan liên quan, kể cả Trung ương và địa phương. Hướng dẫn, đôn đốc Ban Nội chính các tỉnh, thành phố. Ban Nội chính Trung ương mạnh và Ban Nội chính các địa phương cũng phải mạnh, việc phòng, chống tham nhũng ở các cấp, xem xét, xử lý các vụ án có dấu hiệu tham nhũng cũng phải được tiến hành thực hiện quyết liệt theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2014 và những năm tiếp theo. Đặc biệt lưu ý, với tư cách Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thì Ban phải chú ý cả phòng chống. Tiếp tục xem xét, xử lý một số vụ án, vụ việc phức tạp, nghiêm trọng. Nghiên cứu đề xuất, phối hợp với các cơ quan để xây dựng pháp luật liên quan đến công tác nội chính và phòng, chống tham nhũng. Tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, giám sát, thúc đẩy công tác nội chính. Kiểm tra việc xây dựng luật, nhất là những luật có liên quan đến nội chính và công tác phòng, chống tham nhũng. Thẩm định các đề án, báo cáo một cách có chất lượng. Tích cực tham gia tổng kết 30 năm đổi mới, chuẩn bị Văn kiện Đại hội XII của Đảng về lĩnh vực nội chính, phòng chống tiêu cực, tham nhũng.

Về phương pháp, tiếp tục chú ý công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu của Đảng, cho nên không phải chỉ có tác chiến mà phải có nghiên cứu, tổng kết thực tiễn. Kết hợp nghiên cứu của Ban với việc thu hút, tổng hợp, chắt lọc nghiên cứu của các cơ quan liên quan. Tiếp tục thực hiện nhuần nhuyễn hơn công tác phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương. Chú trọng khâu giám sát, kiểm tra, thẩm định, kể cả việc xét xử ở các ngành, các địa phương.

Thứ năm, kế thừa kinh nghiệm của các Ban Nội chính các thời kỳ trước đây, Ban Nội chính Trung ương cần tổng kết, rút kinh nghiệm và phải thực hiện tốt hơn nữa công tác xây dựng nội bộ. Đây là vấn đề có tính chất quyết định. Về tổ chức, Ban Nội chính Trung ương phải là một cơ quan mẫu mực, vững vàng về tư tưởng, quan điểm chính trị, phải nắm rất chắc chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực nội chính. Tổ chức phải rất chặt chẽ, hoạt động có nền nếp, đoàn kết thống nhất cao, trên nguyên tắc tập trung dân chủ, kỷ luật, kỷ cương. Tổ chức Đảng phải thật sự trong sạch, vững mạnh. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu. Cán bộ nội chính phải hết sức tâm huyết, trách nhiệm, say mê, đặc biệt phải có bản lĩnh, dũng khí, biết bảo vệ cái đúng và phê phán bác bỏ cái sai, kiên quyết đấu tranh với cái sai, không khoan nhượng. Cán bộ nội chính phải giữ cho mình trong sạch, liêm chính, làm việc có nguyên tắc; đồng thời phải có trình độ, hiểu biết tương đối toàn diện, nhất là về luật pháp, cơ chế, chính sách.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trước đòi hỏi, trông chờ thời sự, một năm ra đời Ban nội chính trung ương - cơ quan tham mưu chiến lược của đảng - đã được dư luận cử tri và nhân dân hoan nghênh
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO