Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
Ngày 20/5, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013.
Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phan Như Nguyện chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Phan Như Nguyện khẳng định: Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trong việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc lấy ý kiến cán bộ, hội viên, nông dân không chỉ nhằm phát huy quyền làm chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng chính đáng của nhân dân mà còn là dịp để lắng nghe, tiếp thu những hiến kế thiết thực, tâm huyết nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi và đồng thuận xã hội cao của Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp.
“Việc sửa đổi Hiến pháp là công việc rất hệ trọng nên phải được tiến hành thận trọng, khách quan, dân chủ, khoa học, hiệu quả với sự tham gia tích cực, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức, chuyên gia, nhà khoa học” - Phó Chủ tịch Thường trực Phan Như Nguyện nhấn mạnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tích cực tham gia góp ý về các quy định của Hiến pháp liên quan đến vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam (cụ thể điều 9, điều 10, điều 84, …).
Các đại biểu cũng góp ý về quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; nêu quan điểm về việc chuyển đổi sang mô hình 2 cấp chính quyền (tỉnh và cơ sở); đề xuất các điều kiện cần thiết để đảm bảo hiệu quả thực thi khi áp dụng mô hình mới ở các địa phương có đặc thù như miền núi, nông thôn, vùng sâu, vùng xa – nơi có đông nông dân sinh sống; Góp ý về quy định chuyển tiếp, cơ chế vận hành không gián đoạn khi tổ chức lại chính quyền địa phương...
Theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh - Học viện Chính trị Quốc gia, Dự thảo sửa đổi bổ sung nhiều nội dung đáng chú ý, trong đó có việc khẳng định MTTQ Việt Nam là “bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”.
Ngoài ra, dự thảo nhấn mạnh vai trò của Mặt trận trong việc “thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước”. Qua đó so với quy định hiện hành, dự thảo thể hiện sự mở rộng chức năng dân chủ đại diện của MTTQ Việt Nam từ phản biện, giám sát, đến vai trò trung gian giữa Nhân dân và Nhà nước.
Về mối quan hệ tổ chức giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh nêu ý kiến: Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định chặt chẽ hơn: các tổ chức này là “các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, và phải “hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
“Có thể thấy, việc chuyển từ quan hệ “phối hợp” sang “trực thuộc” và hoạt động “dưới sự chủ trì” là một thay đổi đáng kể về mặt tổ chức. Dự thảo có xu hướng tập trung hóa quyền lực tổ chức trong Mặt trận, tạo điều kiện tăng tính thống nhất hành động...
Về quan hệ tổ chức giữa Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, theo TS. Nguyễn Thị Ngọc Linh đề nghị cần điều chỉnh lại cách diễn đạt về tính “trực thuộc” để bảo đảm tính tự chủ của các tổ chức thành viên.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, TS. Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đề nghị bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia xây dựng chính sách và pháp luật. Bởi vì, trong thực tế, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã tham gia vận động chính sách cho người dân như: đề xuất chính sách, phản biện, tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đề xuất sửa đổi, bổ sung.
TS. Trần Văn Miều đề nghị cần ban hành Quy chế về tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. “Khoản 2, Điều 9 trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội ghi: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”.
Như vậy, các tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam chịu sự lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mối quan hệ trực thuộc của các tổ chức chính trị - xã hội với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nằm trong phạm trù cái riêng và cái chung, cái bộ phận và cái toàn thể. Làm thế nào để đảm bảo sự lãnh đạo, quản lý, điều hành trực tiếp của Mặt trận Tổ quốc với tính độc lập của các tổ chức chính trị - xã hội?