Trung thực trong kê khai tài sản

- Thứ Ba, 02/03/2021, 08:09 - Chia sẻ
Thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định số 130/2020/NĐ-CP, Thanh tra Chính phủ mới đây đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, đơn vị phải hoàn thành việc kê khai, công khai Bản kê tài sản, thu nhập lần đầu của người có nghĩa vụ kê khai trước ngày 31.3.2021.

Kê khai tài sản, thu nhập là người có nghĩa vụ kê khai phải việc ghi rõ ràng, đầy đủ, chính xác các loại tài sản, thu nhập, biến động tài sản, thu nhập, nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm. Mục đích của việc kê khai tài sản, thu nhập là để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người đó, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng. Do đó, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về tài sản, thu nhập, cũng như giải trình trung thực về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng và pháp luật có liên quan. Đồng thời, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai tài sản, thu nhập của mình.

Dù đã có quy định rất rõ về việc kê khai, về xử lý vi phạm đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập, song thời gian qua vẫn có những vi phạm xảy ra trong quá trình kê khai. Có những người không hiểu vô tình hay hữu ý mà “quên” không kê khai một số tài sản của mình.

Còn nhớ, trong báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 gửi đến Quốc hội cho biết, qua kiểm tra, Chính phủ đã phát hiện, xử lý 5 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập, trong đó có cả cán bộ cao cấp. Trong khi đó, báo cáo của Chính phủ về công tác này năm 2018 gửi Quốc hội, qua việc xác minh tài sản, thu nhập, cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện 6 trường hợp vi phạm về kê khai tài sản thu nhập. Còn trong báo cáo tổng kết công tác năm 2019 của ngành thanh tra cho biết, qua xác minh phát hiện 10 trường hợp vi phạm về kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập, tăng 4 trường hợp so với năm 2018.

Thực tế cho thấy, đã có không ít cán bộ vi phạm kê khai tài sản, thu nhập bị xử lý kỷ luật. Đơn cử, trường hợp nguyên Giám đốc Công an TP Đà Nẵng Lê Văn Tam. Qua kiểm tra đã phát hiện có khuyết điểm, vi phạm trong việc kê khai tài sản, thu nhập không đúng quy định. Với vi phạm này, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Lê Văn Tam.

Nhằm cụ thể hóa Luật Phòng, chống tham nhũng, Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ đến việc xử phạt hành vi kê khai tài sản không trung thực. Theo đó, điều 20 của nghị định này quy định, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của Luật Phòng, chống tham nhũng. Cụ thể, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND sẽ bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử. Người được dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử giữ chức vụ sẽ không được bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, phê chuẩn, cử vào chức vụ đã dự kiến.

Bên cạnh đó, người kê khai không trung thực có thể bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc hoặc bãi nhiệm. Nếu được quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý thì bị đưa ra khỏi danh sách quy hoạch. Nếu có hành vi tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì có thể bị xử lý bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Ngoài ra, nghị định này cũng quy định rõ: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thiếu trách nhiệm trong tổ chức việc kê khai, công khai bản kê khai, nộp bản kê khai thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức. Người đứng đầu Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Tổ trưởng và thành viên Tổ xác minh tài sản, thu nhập có hành vi vi phạm trong việc tiếp nhận bản kê khai, quản lý, sử dụng cơ sở dữ liệu về kiểm soát tài sản, thu nhập, tiến hành xác minh, kết luận xác minh, công khai kết quả xác minh thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, giáng chức, cách chức.

Với chế tài cụ thể, đủ mạnh đối với người có nghĩa vụ kê khai và cả với người đứng đầu cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, tin rằng, sẽ không để “lọt” những bản kê khai tài sản, thu nhập không trung thực như đã từng xảy ra.  

Hà An