Trung thực - phẩm chất hàng đầu của người cán bộ

TS. Đặng Duy Báu - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh 30/01/2019 07:56

Trong Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25.10.2018 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên có nội dung là nêu gương tính trung thực (điểm thứ 7). Trung thực là ngay thẳng, thật thà, không giấu giếm sai lầm, khuyết điểm, không quanh co đổ lỗi cho người khác. Trung thực dám bảo vệ cái đúng, cái tốt, phê phán cái xấu, cái sai, cái giả dối. Trung thực không thể “xu nịnh, a dua”, “gió chiều nào che chiều đó”. Trung thực xa lạ với “thói phô trương”, “nói một đằng, làm một nẻo”. Hạt nhân của trung thực là thủy chung, trước sau như một; là “chính tâm” và “thân dân”. Chính tâm là thẳng thắn, đúng đắn, cái tâm trong sáng, không mờ ám. Thân dân là vì dân, phục vụ Nhân dân.

Chính tâm và thân dân

Một trong những phẩm chất hàng đầu của đạo đức cách mạng là trung thực, là “trung với nước, hiếu với dân”. Người cán bộ, đảng viên của Đảng cầm quyền, khi có chức có quyền dù ở cương vị nào cũng là người đại biểu cho dân, cho Đảng. Còn đối với những cán bộ lãnh đạo chủ chốt, những người đứng đầu thì lại càng có một vai trò, vị trí, sứ mệnh lớn lao. Họ tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của Đảng, của dân tộc. Như Bác Hồ đã nói một tấm gương của họ có giá trị hơn hàng trăm bài diễn văn tuyên truyền. Vì vậy, phẩm chất đạo đức của họ nói chung, mà trước hết là tính trung thực có ý nghĩa to lớn đối với uy tín và sự phát triển của cách mạng. Một con người bình thường mà sống không trung thực cũng đã đáng chê trách rồi, huống chi nếu là người cán bộ của Đảng mà lại thiếu trung thực, không trung thực, mà trục lợi, nói dối, lừa đảo thì có nguy hại đến uy tín của Đảng và có nguy cơ đến vai trò lãnh đạo của Đảng và sự mất còn của chế độ.

Thực trạng của việc lừa dối, cơ hội, chạy chọt trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên diễn ra trong nhiều năm qua mà xã hội lên án là rất đau lòng. Biểu hiện của thiếu trung thực, giả dối ở nhiều dạng khác nhau. Đó là các kiểu “chạy”, “mua”. Mua chức, mua quyền, mua tuổi, mua huân chương, mua dự án, mua bằng cấp, mua học hàm, học vị... Thậm chí làm lý lịch giả, hồ sơ giả để đạt được những địa vị thật. Khoa trương tô vẻ thành tích, báo cáo, kê khai sai sự thật để được thăng tiến. Đó là kiểu “nghĩ khác”, “nói khác”, “làm khác”. Khi đương chức nói khác, về hưu nói khác; với cấp trên nói khác, hành xử khác; với cấp dưới nói khác, hành xử khác; bịa chuyện như thật để nói xấu nhau, hạ bệ nhau...

Hậu quả của bệnh không trung thực là rất nguy hại. Bác Hồ cho rằng: “Nói dối, không trung thực là có tội với Đảng, với dân, một bệnh rất nguy hiểm”. Nói dối khi thành thói quen, thành một thứ hiển nhiên thì sẽ làm lệch chuẩn mực, đảo lộn giá trị đạo đức. Sự dối trá làm đánh mất phẩm chất, nhân cách cao quý của con người đó là tính liêm sỉ. Đáng sợ nhất là sự dối trá lan truyền không được ngăn chặn, đẩy lùi. Nó là giặc trong lòng nội bộ nếu không ngăn chặn, không đánh được sẽ rất nguy hại cho dân, cho Đảng. Nói dối là một khía cạnh của suy thoái đạo đức. Tham ô, tham nhũng, lãng phí là sự mất mát về vật chất, tiền của là một nguy cơ; nhưng mất mát lớn hơn là ở sự thiếu trung thực, sự dối trá của cán bộ, đảng viên, từ đó mà dân mất lòng tin đối với Đảng.

Bởi vậy, việc thực hiện Quy định của Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương tính trung thực là điều cần được quán triệt sâu sắc và nghiêm túc thực hiện đối với cán bộ, đảng viên mà trước hết là người đứng đầu. Cần xem trung thực là văn hóa của Đảng, là truyền thống của cách mạng Việt Nam. Khi Đảng đang hoạt động bí mật, biết bao cán bộ cách mạng đã trung thành với Đảng, trọn đời theo Đảng, nhiều đồng chí bị địch bắt, bị tra tấn cực hình vẫn giữ vững ý chí, bảo vệ bí mật. Trong hai cuộc kháng chiến biết bao người đã hy sinh anh dũng, một lòng trung thành chiến đấu cho sự nghiệp độc lập, tự do. Ngày nay trước biến động của thế giới, Đảng ta vẫn trung thành với lý tưởng cách mạng, giữ vững bản lĩnh “trung với nước, hiếu với dân”. Bác Hồ yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thực sự là Đảng chân chính, Đảng cách mạng là “đạo đức, là văn minh”. Muốn như vậy, Đảng phải luôn thực hiện sự quang minh chính đại; thật thà, trung thực; thường xuyên nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, không dấu diếm khuyết điểm. Bác Hồ không chỉ là tấm gương về sự trung thực, mà Bác còn rất quan tâm đến tính trung thực của người cách mạng. Ngay từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh”, Người đã chỉ ra những khía cạnh trung thực thuộc tư cách mà người cách mạng phải rèn luyện đó là “cương quyết sửa lỗi mình”, hay “nghiên cứu xem xét để biết thật giả, đúng sai mà tránh”, “không hiếu danh, không kiêu ngạo”, “nói thì phải làm”, “giữ chủ nghĩa cho vững”. “Phải tìm cách bảo vệ cái đúng đắn, cái thật, cái chân lý...” Khi căn dặn điều gì khi nói đến hoạt động ở lĩnh vực nào Bác đều nhấn mạnh trung thực, như thật thà tự phê bình và phê bình; bảo đảm quyền làm chủ thực sự của nhân dân; xây dựng nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân; thật thà đoàn kết... Tự đáy lòng của mình Bác yêu cầu cán bộ sống và làm việc gì cũng phải trung thực.

Cảnh giác với những người cơ hội chính trị

Trong công tác quản lý cán bộ, cần hết sức quan tâm đến nhận diện đức tính trung thực. Bởi nguy hại là có loại cán bộ “sống giả”, họ biết ứng xử khéo đến mức “giả như thật”, luôn sử dụng những “lời có cánh” để khen ngợi người này, vuốt ve người kia; biết tận dụng thời cơ để “cung kính cấp trên”, “chiều chuộng cấp dưới”, “cưng nựng đồng nghiệp”. Cái sự sống giả này thường diễn ra ở những thời điểm “nhạy cảm” như chuẩn bị đại hội, chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm, chuẩn bị bổ nhiệm chức vụ mới... Nguy hại không kém là kẻ cơ hội, mà là đã cơ hội thì “lèo lá” tìm mọi cách để đạt được mục đích của mình. Trong các loại cơ hội nguy hại nhất là cơ hội chính trị. Cần hết sức cảnh giác với loại cơ hội này vì họ dùng vỏ bọc để che đậy bản chất bên trong mà không dễ gì nhìn ra được sự thiếu trung thực với chế độ, thiếu trung thực với Đảng. Họ lợi dụng những sai lầm, những thiếu sót của cơ quan này, địa phương nọ rồi xuyên tạc, tung hô lên để kích động dư luận như ta đây là người chân chính, là người trung thực nhưng thực chất là kẻ phản bội. Cho nên nguy hại nhất đối với chế độ, đối với Đảng là những kẻ cơ hội chính trị. Điều này Bác Hồ cũng đã cảnh tỉnh: “Bác sợ nhất là những kẻ làm bậy mà cứ nói là mình trung thành, những kẻ này rất đáng sợ vì nó phá hoại từ trong phá ra”.

Để cho sự thiếu trung thực và nói dối có đất hoành hành một phần khách quan là ở cơ chế “xin cho”, ở quy định về quản lý cán bộ, quản lý kinh tế, quản lý xã hội chưa chặt chẽ, còn thiếu rành mạch, chồng chéo, còn nhiều kẽ hở... điều này cần được bổ cứu, khắc phục. Nhưng điều quan trọng nhất là từ người cán bộ, đảng viên phải thấy hết trách nhiệm của mình, kiên định, trung thành với đường lối đổi mới của Đảng; phải nghiêm túc tự soi, tự sửa đối với bản thân, nêu cao tinh thần tự phê bình, phê bình, nghiêm túc thực hiện Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước và những điều đảng viên không được làm; thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình trước nhiệm vụ được giao. Người cán bộ đảng viên phải nêu gương tính trung thực, hết lòng vì Đảng, vì dân, gắn bó mật thiết với Nhân dân. Sống chân thành, thẳng thắn với đồng chí, đồng nghiệp; nêu gương tốt về mọi mặt mà trước tiên là đạo đức phẩm chất trong sáng. Không tham vọng, không đố kỵ, sống thủy chung, trọn nghĩa, trọn tình; đàng hoàng, liêm khiết, chính tâm.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung thực - phẩm chất hàng đầu của người cán bộ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO