Trung tâm học tập cộng đồng - đòn bẩy chủ yếu và lâu dài của xã hội học tập

Lê Hoa 18/01/2014 16:06

Từ khi thành lập đến nay, các trung tâm học tập cộng đồng đã và đang khẳng định là một thiết chế giáo dục phát huy vai trò đòn bẩy chủ yếu và lâu dài của xã hội học tập, mang lại sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận giáo dục cho mọi người, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo.

 Nguồn:http: citinews.net
Nguồn:http: citinews.net

Trung tâm học tập cộng đồng là một loại thiết chế giáo dục thường xuyên được tổ chức trên địa bàn xã, phường, thị trấn, có chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện học tập có hiệu quả cho mọi người. Đây là nơi thực hiện các chương trình phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và phổ biến, tư vấn chủ trương, chính sách pháp luật nhằm góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Nhận thức được tầm quan trọng của trung tâm học tập cộng đồng, thời gian qua hầu hết các địa phương trong cả nước đã tập trung xây dựng, củng cố mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng với nhiều hình thức và nội dung phong phú, đa dạng. Theo báo cáo đánh giá kết quả tổ chức hoạt động của trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn 2008 – 2013 của Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và đào tạo, từ một số trung tâm thí điểm năm 1997, đến nay cả nước có gần 11 trung tâm học tập cộng đồng, đạt 97,4% số xã, phường, thị trấn có trung tâm học học tập cộng đồng; trên 4.616 giáo viên và 56.202 cộng tác viên, báo cáo viên tổ chức hoạt động thường xuyên; 13.987.416 lượt người tham gia học tập tại các trung tâm học tập cộng đồng; gần 35 nghìn người tham gia lớp bồi dưỡng ngắn hạn; hàng chục nghìn người tham gia lớp xóa mù chữ; ngoài ra còn có hàng triệu người tham gia các câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, câu lạc bộ dưỡng sinh… Mặt khác, nhằm tập trung nguồn lực, nâng cao năng lực hoạt động của trung tâm, đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân, nhiều địa phương đã xây dựng mô hình trung tâm học tập cộng đồng kết hợp với trung tâm văn hóa, thể thao, thư viện, bưu điện xã.

Có thể nói với việc tăng nhanh về số lượng, phủ kín hầu hết các xã, phường, thị trấn trong cả nước; nội dung hoạt động, hình thức tổ chức ngày càng đa dạng, phong phú, các trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần quan trọng trong việc củng cố kết quả xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, tạo tiền đề để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, giúp người lao động biết cách xóa đói, giảm nghèo, phấn đấu làm giàu chính đáng thông qua việc truyền nghề, dạy nghề ngắn hạn và tổ chức phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ…

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, trung tâm học tập cộng đồng là một thiết chế rất cần thiết để bảo đảm sự phát triển ổn định và bền vững của cộng đồng. Nếu trung tâm học tập cộng đồng hoạt động tốt thì sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân nói riêng và cộng đồng nói chung. Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, giáo dục cộng đồng là giải pháp quan trọng góp phần vào việc xây dựng một nền giáo dục mở, là mô hình không thể thiếu trong quá trình đổi mới giáo dục. Tuy nhiên thời gian qua hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng vẫn còn một số khó khăn và hạn chế như hoạt động còn chồng chéo, chưa thực hiện được hết và sát những nhiệm vụ, định hướng đã đề ra. Cùng với đó, mạng lưới trung tâm học tập cộng đồng phát triển nhanh về số lượng nhưng tổ chức hoạt động lại chưa hiệu quả, nhiều trung tâm hoạt động còn mang tính hình thức hoặc không hoạt động; một số địa phương vùng khó khăn không thành lập được trung tâm học tập cộng đồng hoặc không có điều kiện tổ chức hoạt động. Trong khi, đội ngũ quản lý còn lúng túng trong việc tổ chức hoạt động; giáo viên và báo cáo viên còn thiếu, một số chưa đáp ứng được yêu cầu; tài liệu học tập còn thiếu nhiều, kinh phí hoạt động hạn chế, cơ sở vật chất chưa được tận dụng triệt để…

Việc tìm ra giải pháp giúp trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả là hết sức cần thiết trong thời gian tới. Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Công Vinh cho rằng, để các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động hiệu quả cần thiết phải đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền về vai trò của trung tâm học tập cộng đồng, về mục đích, ý nghĩa và lợi ích của học tập suốt đời nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các lực lượng xã hội. Đồng thời, tiếp tục xây dựng và củng cố các mô hình trung tâm hoạt động hiệu quả; huy động các nguồn lực, tăng cường cung ứng, biên soạn tài liệu học tập có nội dung sử dụng chung trong cả nước. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, báo cáo viên và triển khai hệ thống quản lý trên website ở phạm vi toàn quốc; nghiên cứu xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các trung tâm học tập cộng đồng phát triển bền vững.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung tâm học tập cộng đồng - đòn bẩy chủ yếu và lâu dài của xã hội học tập
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO