Trung Quốc từ bỏ vai trò công xưởng thế giới?

- Thứ Ba, 27/10/2020, 08:43 - Chia sẻ
Kỳ họp thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Khóa XVII diễn ra từ ngày 26 - 29.10, với nội dung thảo luận trọng tâm là thúc đẩy vai trò của thị trường nội địa trong bối cảnh quốc gia từng được coi là công xưởng thế giới đang phải đối mặt với những đòn trừng phạt thuế nặng nề từ Mỹ cũng như mức độ bảo hộ ngày một gia tăng ở các thị trường truyền thống như châu Âu.

Nền kinh tế hướng nội

Nhiều năm qua, giới lãnh đạo Trung Quốc đã nói nhiều đến thích ứng “tái cân bằng kinh tế toàn cầu” thông qua dịch chuyển mô hình kinh tế theo hướng lấy tiêu dùng nội địa làm đòn bẩy. Tuy nhiên, cũng trong từng ấy năm, có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc từ bỏ vai trò công xưởng thế giới, nơi cung cấp đủ thứ mặt hàng chủ chốt từ sắt thép đến cây thông trang trí Giáng sinh.

Sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, “di dời sản xuất khỏi Trung Quốc để phát triển ngành sản xuất trong nước” trở thành làn sóng mạnh mẽ từ phương Đông cho đến các nước phương Tây do chứng kiến sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu giai đoạn đầu bùng phát dịch cùng lo ngại an ninh khi phụ thuộc vào các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc như Huawei. Làn sóng đó khiến giới hoạch định chiến lược Trung Quốc nhận thức được rằng, mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu đang đối diện với nguy cơ dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

Tháng 5 vừa qua, lần đầu tiên Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cập đến một chiến lược gọi là “lưu thông kép” (dual circulation), tập trung vào thị trường nội địa để tồn tại và phát triển trong một thế giới “ngày càng bất ổn và thù địch”. Cụ thể, Trung Quốc phải có các vòng tuần hoàn sản xuất khép kín, không lệ thuộc vào nước ngoài về công nghệ, đầu tư hay thị trường tiêu thụ. Nói cách khác, Bắc Kinh cần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa trong nội địa, từ nguồn nguyên liệu đầu vào, quá trình sản xuất cho đến đối tượng tiêu thụ.

Chuyên gia phân tích Vicnet Zhu thuộc hãng tư vấn Rhodium Group cho rằng, giới lãnh đạo Bắc Kinh không ai khẳng định Trung Quốc sẽ được lợi hơn nếu ngắt kết nối với bên ngoài. Nhưng thực sự Bắc Kinh cần một kế hoạch B để tránh điều tồi tệ nhất.

“Trung Quốc đang ngày càng hướng nội để duy trì phát triển kinh tế ổn định. Chiến lược vòng tuần hoàn kép nhằm khai phá tiềm năng tăng trưởng trong phạm vi kinh tế nội địa và đây là nỗ lực để thu hút chuỗi giá trị toàn cầu trong giới hạn vòng cung ảnh hưởng của Trung Quốc”, Max Zenglein - nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator nhận định.

Một xưởng sản xuất cầu lông ở Trung Quốc

Nguồn: Tân Hoa Xã  

Sức mua nội địa suy yếu

Việc dịch chuyển chỉ là vấn đề thời gian. Trung Quốc luôn hiểu rằng sớm hay muộn sẽ phải áp dụng mô hình mới. Nhưng liệu chiến lược này có đủ sức tạo ra nền tảng tăng trưởng giúp Trung Quốc vượt khỏi “bẫy thu nhập trung bình” hay không? Đây không phải nhiệm vụ dễ dàng.

Một báo cáo được Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Trung Quốc thuộc Quốc vụ viện đưa ra trong tháng 9 dự đoán rằng, tổng sản phẩm quốc nội bình quân đầu người sẽ đạt 14.000 USD vào năm 2024, và thị trường của Trung Quốc sẽ lớn hơn thị trường của Hoa Kỳ vào năm 2025, với ít nhất 560 triệu người tiêu dùng “thu nhập trung bình”.

Trên thực tế, thu nhập bình quân tại Trung Quốc đã tăng 8 lần trong giai đoạn từ 1978 - 2015. Nhưng đi kèm đó là gia tăng hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Một nghiên cứu công bố năm 2019 cho thấy tỷ lệ nắm giữ tài sản quốc gia của 10% số người giàu có tăng từ 27% năm 1978 lên 41% năm 2015. Trong khi số tài sản của 50% số người thu nhập thấp giảm từ 27% xuống 15% trong cùng giai đoạn này. Khi thu nhập tập trung vào tầng lớp bên trên xã hội, người giàu lại có xu hướng tích trữ, đầu tư tài sản, còn người nghèo mất khả năng chi tiêu.

Trong khi đó, các số liệu chính thức cho thấy, doanh số bán lẻ hàng hóa của Trung Quốc, thường được dùng làm thước đo cho chi tiêu tổng thể của người tiêu dùng đối với hàng hóa và dịch vụ, đã giảm khoảng 10% trong 7 tháng đầu năm nay so với một năm trước đó. Sự sụt giảm thực sự trong chi tiêu của người tiêu dùng có thể còn sâu hơn, vì số liệu bán lẻ bao gồm chi tiêu của chính phủ tại các cửa hàng và nhà hàng.

Bên dưới bề mặt chi tiêu tiêu dùng yếu kém của Trung Quốc là hệ thống phân phối của cải quốc gia ủng hộ nhà nước và người giàu thay vì các hộ gia đình trung bình, dẫn đến khoảng cách giàu nghèo ngày càng gia tăng.

Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết trong một cuộc họp báo tháng trước rằng 600 triệu trong số 1,4 tỷ cư dân Trung Quốc sống với thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 NDT (tương đương 146 USD). 

Nếu nhu cầu trong nước của Trung Quốc không đủ, quốc gia này sẽ phải phụ thuộc vào nhu cầu từ nước ngoài để khiến các nhà máy của mình hoạt động. Teng Tai, Giám đốc một tổ chức tư vấn tư nhân có trụ sở tại Bắc Kinh nghiên cứu các cải cách cung ứng, đã được Thời báo Chứng khoán dẫn lời gần đây rằng Trung Quốc không thể chỉ dựa vào thị trường nội địa để duy trì bộ máy sản xuất khổng lồ của mình. Có một số liệu để tham khảo: Mỗi năm Trung Quốc sản xuất 10 tỷ chiếc mũ, 10 tỷ đôi giày, 30 tỷ bộ quần áo, 200 triệu máy tính bảng và máy tính xách tay. Ông Teng cho biết, Trung Quốc không thể bán tất cả chúng ở thị trường nội địa.

Thói quen tiết kiệm không dễ từ bỏ

Bên cạnh đó, thói quen tiết kiệm cũng là một trở ngại, khi người dân Trung Quốc không sẵn lòng móc hầu bao chi tiêu. Tiết kiệm đã lên mức đỉnh, chiếm 52% GDP năm 2008 trước khi khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu tác động tới Trung Quốc. Tỷ lệ này hiện vẫn đứng ở mức cao, khoảng 45% GDP. Ngược lại, chi tiêu dùng cá nhân chỉ chiếm khoảng 38,8% GDP của Trung Quốc, thấp hơn nhiều so với mức 51,7% của Liên minh châu Âu (EU) và 66,8% ở Mỹ.

Theo chuyên gia Vicnet Zhu, lý do chính khiến người tiêu dùng Trung Quốc tăng tiết kiệm, e dè chi tiêu là do thiếu quỹ phúc lợi xã hội. Người dân sẽ phải tiết kiệm nhiều hơn để lo liệu khi về hưu, bởi quỹ lương hưu rất hạn hẹp. Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc ước tính, quỹ lương hưu cho lao động thành phố sẽ cạn kiệt vào năm 2035. Dịch vụ chăm sóc y tế yếu, đội ngũ nhân viên y tế thiếu cũng khiến người dân có tâm lý cất giữ tiền mặt để phòng thân khi ốm đau, bệnh tật.

Về nhân chủng học, thế hệ sinh ra trong thời kỳ áp dụng chính sách một con đang gặp phải thách thức kép. Số này hiện ở tầm tuổi 20 - 30 tuổi, họ có nghĩa vụ phụng dưỡng bố mẹ đã nghỉ hưu cũng như chăm sóc, đầu tư cho con cái. Hơn thế, thị trường lao động ngày nay trở nên cạnh tranh và khốc liệt hơn trước nhiều.

Những nhân tố trên khiến các chuyên gia kinh tế nghi ngờ về khả năng Trung Quốc có thể thực sự chuyển động lực tăng trưởng từ đầu tư và xuất khẩu sang chi tiêu tiêu dùng mà không có những cải cách “đau đớn” về mô hình tăng trưởng và hệ thống phân phối của cải. Michael Pettis, giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, nhà quan sát lâu năm về kinh tế Trung Quốc cho biết vào cuối tháng trước rằng, “chiến lược mới thực sự chỉ là một kế hoạch cũ nhằm tái cân bằng nền kinh tế theo hướng tiêu dùng, nhưng kế hoạch này sẽ đòi hỏi sự chuyển dịch tài sản lớn từ nhà nước cho các hộ gia đình - một quá trình sẽ không dễ dàng thực hiện”.

Đạt Quốc