Trung Quốc thúc đẩy luật chống trừng phạt

- Thứ Sáu, 11/06/2021, 06:10 - Chia sẻ
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã xem xét, thông qua lần đầu tiên một dự luật nhằm chống lại các biện pháp trừng phạt của nước ngoài. Giới quan sát cho rằng kế hoạch này được đẩy nhanh sau khi Trung Quốc nhận thấy tân chủ nhân Nhà Trắng đã làm tiêu tan hy vọng của Bắc Kinh về một chính sách Trung Quốc mềm mỏng hơn so với thời ông Donald Trump.
Nguồn: Istock

Bắc Kinh thất vọng

Đạo luật sẽ cung cấp khuôn khổ pháp lý cho phép các công ty Trung Quốc trả đũa và đòi bồi thường do các lệnh trừng phạt của nước ngoài. Một cố vấn chính phủ Trung Quốc giấu tên cho biết, các cuộc thảo luận về dự luật đã được khởi động từ năm ngoái trong giai đoạn nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, nhưng vào thời điểm đó, mọi thứ không được xúc tiến nhanh chóng bởi Trung Quốc vẫn hy vọng vào những dấu hiệu cho thấy Washington sẽ áp dụng cách tiếp cận mềm mỏng hơn dưới thời chính quyền mới. Khi ông Trump chuẩn bị rời nhiệm sở, Mỹ đã trừng phạt ít nhất 45 quan chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong các chính sách liên quan đến Hong Kong (Trung Quốc) và Tân Cương, trong đó có 15 quan chức Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc. Cho đến nay, Mỹ và một số quốc gia khác vẫn thường xuyên sử dụng các biện pháp trừng phạt hoặc đe dọa trừng phạt nhằm bày tỏ quan ngại về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng như trong vấn đề Hong Kong (Trung Quốc), điều mà Bắc Kinh luôn phản đối và cho rằng đó là hành vi can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của nước này.

Bất chấp những hy vọng của Bắc Kinh sau khi Tổng thống Biden lên nắm quyền ở Mỹ, căng thẳng vẫn đang gia tăng khi Canada, Anh và Liên minh châu Âu theo sau Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng vừa ký một lệnh hành pháp cấm người Mỹ đầu tư vào các công ty Trung Quốc bị cáo buộc có quan hệ với các lĩnh vực công nghệ giám sát hoặc quốc phòng.

Mới đây, hôm 8.6, Thượng viện Mỹ thông qua đạo luật cho phép các biện pháp trừng phạt mới đối với quan chức Trung Quốc về các cuộc tấn công mạng, đánh cắp tài sản trí tuệ và vi phạm nhân quyền. Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới của Mỹ cho phép chi khoảng 250 tỷ USD cho các nhà sản xuất và ngành công nghệ Mỹ trong vòng 5 năm tới; trong đó bao gồm 52 tỷ USD cho một quỹ trợ cấp dành cho các nhà sản xuất chất bán dẫn, khoảng 190 tỷ USD tài trợ cho các nghiên cứu công nghệ mới trên khắp nước Mỹ. Dự luật cũng yêu cầu sắt, thép, các sản phẩm chế tạo và vật liệu xây dựng sử dụng trong các dự án cơ sở hạ tầng do liên bang tài trợ phải được sản xuất tại Mỹ.

Luật hóa biện pháp trả đũa

Bắc Kinh vẫn chưa cung cấp chi tiết về luật này, nhưng đây sẽ được coi là một tín hiệu mà họ sẽ không né tránh đối đầu thêm với Washington.

Những lời kêu gọi Trung Quốc nghiên cứu “hộp công cụ” của mình để có biện pháp hữu hiệu hơn nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của nước ngoài, liên tục được thúc đẩy những tháng gần đây. Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ quan ngại về xu hướng chính trị hóa môi trường kinh doanh và kêu gọi minh bạch hơn về luật pháp.

Tháng 1.2021, Bộ Thương mại Trung Quốc đã ban hành “quy chế chặn” yêu cầu các công ty Trung Quốc báo cáo bất kỳ hạn chế nào của nước ngoài đối với hoạt động kinh tế hoặc thương mại.

Ngày 8.3, phát biểu tại kỳ họp Quốc hội thường niên, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư cam kết thúc đẩy xây dựng luật chống lại các lệnh trừng phạt từ nước ngoài, chống can thiệp và chống lại “quyền tài phán dài hạn”, làm phong phú thêm “hộp công cụ” pháp lý để đối phó với các thách thức liên quan đến nước ngoài và ngăn ngừa rủi ro.

Một báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vào tháng 3 cũng cho biết công việc xây dựng luật để giải quyết các vấn đề như các lệnh trừng phạt và can thiệp của nước ngoài đã được đẩy mạnh.

Phó giáo sư Tian Feilong, Trường Luật, Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh (Beihang), người được tham vấn về dự luật mới, cho biết Trung Quốc đã muốn chờ xem Tổng thống Biden áp dụng cách tiếp cận nào trước khi quyết định xúc tiến dự luật này. Ông cho biết dự thảo luật được trình lần đầu tiên vào tháng 4, sau khi Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ ủng hộ một văn bản pháp lý nhằm đối phó với sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

“Ban lãnh đạo Trung ương đã xem xét kế hoạch lập pháp này vào năm ngoái, và cộng đồng học thuật đã đưa ra đề xuất. Bộ phận lập pháp liên quan đã tiến hành nghiên cứu dựa trên các chính sách về Trung Quốc của ông Biden”, ông Tian Feilong cho biết và nói thêm rằng những hạn chế mà Mỹ mới thông qua đối với các công ty Trung Quốc là một trong những động thái khiến Bắc Kinh thất vọng và muốn đẩy nhanh thông qua văn bản pháp lý này.

Phó giáo sư Tian Feilong nói: “Mỹ tung ra một quân bài, Trung Quốc buộc phải phản ứng bằng cách đi quân bài của mình. Khi đúng thời điểm, luật sẽ nhanh chóng được đưa ra vì chúng tôi đã chuẩn bị xong”. Ông cho biết Trung Quốc ngày càng quyết tâm sử dụng vũ khí hợp pháp để chống lại các lệnh trừng phạt, bao gồm danh sách thực thể không đáng tin cậy và "quy chế ngăn chặn".

Giáo sư Shi Yinhong, Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho biết: “Trung Quốc cảm thấy các biện pháp đáp trả ở cấp độ chính sách là không đủ mà cần phải ở cấp độ luật pháp, được luật hóa”. Theo GS. Shi Yinhong, trước những diễn biến gần đây, với việc Mỹ chắc chắn sẽ tập hợp lực lượng xung quanh châu Âu và NATO trong một mặt trận chống Trung Quốc trong chuyến công du châu Âu của Tổng thống Biden, “không có dấu hiệu cho thấy cả hai bên sẽ có bất kỳ động thái nào để xoa dịu căng thẳng. Điều đó có nghĩa là, cuộc chiến giữa trừng phạt và chống trừng phạt, đối đầu giữa Trung Quốc và phương Tây chỉ có thể tích tụ và trở nên căng thẳng hơn”.

Đạt Quốc