Trung Quốc thông qua luật mới thúc đẩy kinh tế tư nhân
Trung Quốc vừa đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc thúc đẩy khu vực tư nhân – động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế vào ngày 30/4, khi Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội) đã chính thức thông qua đạo luật đầu tiên nhằm hỗ trợ phát triển khu vực này. Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 20/5/2025.

Với 78 điều khoản cụ thể, Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân không chỉ khẳng định vị thế của khu vực tư nhân như một phần quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa, mà còn đưa ra khung pháp lý rõ ràng và toàn diện để bảo vệ, hỗ trợ và hướng dẫn phát triển bền vững cho các doanh nghiệp tư nhân.
“Đây là sự bảo đảm pháp lý mạnh mẽ và rõ ràng hơn cho khu vực tư nhân", giáo sư Lý Thục Quang từ Đại học Khoa học chính trị và luật Trung Quốc nhận định.
Luật hóa chính sách, tiếp sức cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy biến động, Trung Quốc đang nỗ lực củng cố niềm tin của doanh nghiệp và thúc đẩy động lực tăng trưởng trong nước. Luật mới cam kết bảo đảm quyền tiếp cận thị trường công bằng, hỗ trợ tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và cải thiện dịch vụ công cho doanh nghiệp tư nhân.
Theo Viện nghiên cứu độc lập Anbound, khu vực tư nhân phải đóng vai trò trung tâm trong các mục tiêu lớn của Chính phủ: kích cầu nội địa, mở rộng thị trường và nâng cao chất lượng nguồn cung.
Không phải ngẫu nhiên mà luật này được xem là “đúng lúc và cần thiết tuyệt đối”. Khu vực tư nhân hiện đóng góp hơn 60% GDP, tạo ra 80% việc làm tại đô thị và chiếm tới 92% tổng số doanh nghiệp tại Trung Quốc – với hơn 57 triệu doanh nghiệp được đăng ký tính đến cuối tháng 3/2025. Từ nhà sản xuất xe điện BYD đến công ty đổi mới trí tuệ nhân tạo DeepSeek và công ty tiên phong về robot Unitree Robotics, các doanh nghiệp tư nhân cũng đã trở thành những nhân tố chủ chốt trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng do đổi mới sáng tạo của Trung Quốc.
Mặc dù vai trò không thể thiếu, nhiều doanh nghiệp tư nhân vẫn đối mặt với các rào cản vô hình trong nước, đặc biệt là về tiếp cận vốn và thị trường ở một số ngành nghề. Trong khi đó, những cú sốc từ bên ngoài – như căng thẳng thương mại hay biến động địa chính trị – cũng làm gia tăng áp lực cạnh tranh quốc tế.
Việc thể chế hóa hỗ trợ thành luật được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho các doanh nghiệp. “Pháp trị là môi trường kinh doanh tốt nhất", ông Khương Tường Đông, Chủ tịch Tập đoàn an ninh mạng Qi-Anxin và Phó Chủ tịch Liên đoàn Công thương toàn quốc Trung Quốc, khẳng định.
Chính sách đồng bộ
Trước đó vào tháng 2, Trung Quốc đã tổ chức một hội nghị chuyên đề cấp cao về doanh nghiệp tư nhân, được xem là tín hiệu mạnh mẽ nhằm củng cố niềm tin cho khu vực này. Tháng sau, tại kỳ họp “Lưỡng hội”, nước này tiếp tục nhấn mạnh sẽ có những hành động cụ thể để khơi thông năng lượng của các chủ thể thị trường.
Trung Quốc cũng đã thành lập một cục chuyên trách khu vực tư nhân thuộc Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), và nhiều tỉnh thành như Quảng Đông, Sơn Tây, Thanh Hải và Chiết Giang cũng đã lập các cơ quan tương tự.
Đồng thời, NDRC vừa cập nhật danh sách “tiêu cực” về tiếp cận thị trường – liệt kê những lĩnh vực hạn chế cho cả doanh nghiệp trong và ngoài nước – giảm từ 117 xuống còn 106 mục, thể hiện nỗ lực tạo sân chơi công bằng hơn.
Ông Nam Nghị, Chủ tịch Tập đoàn Wontai, cho biết luật mới sẽ mở rộng cánh cửa cho doanh nghiệp tư nhân tham gia các lĩnh vực như hạ tầng và năng lượng, cũng như thúc đẩy đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. “Việc ban hành đạo luật này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển lành mạnh của kinh tế tư nhân", ông nhấn mạnh.
Nhìn chung, các nhà quan sát đều cho rằng, Luật Thúc đẩy kinh tế tư nhân là bước đi chiến lược cho cả hiện tại lẫn tương lai của nền kinh tế Trung Quốc. Nó không chỉ là một “liều thuốc tinh thần” cho hàng triệu doanh nghiệp, mà còn là lời khẳng định: khu vực tư nhân không còn là “bổ sung”, mà đã trở thành một trụ cột chính thức của mô hình phát triển kinh tế Trung Quốc trong giai đoạn mới.