Trung Quốc thông qua luật mới siết chặt quản lý vật nuôi
Trước tình trạng các vụ tấn công nguy hiểm từ động vật ngày càng gia tăng, Trung Quốc vừa thông qua Luật Xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh công cộng sửa đổi, nhằm siết chặt chế tài đối với các hành vi vi phạm liên quan đến vật nuôi và nâng cao mức độ an toàn nơi công cộng.
Luật sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Theo đó, cá nhân nuôi hoặc kinh doanh động vật hung dữ trái quy định, đặc biệt những trường hợp không kiểm soát được vật nuôi gây thương tích cho người khác, sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Luật cũng bổ sung chế tài đối với hành vi cố tình sử dụng động vật gây hại hoặc để vật nuôi làm phiền, đe dọa người khác tại nơi công cộng.
Cụ thể, người sở hữu hoặc buôn bán động vật nguy hiểm như chó dữ sẽ bị cảnh cáo trong lần vi phạm đầu tiên. Nếu không khắc phục hoặc để xảy ra sự cố gây thương tích, người vi phạm có thể bị tạm giữ hành chính đến 5 ngày hoặc phạt tiền tối đa 1.000 nhân dân tệ (khoảng 140 USD). Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng, thời gian tạm giữ có thể kéo dài lên đến 10 ngày.
Việc sửa đổi luật được thúc đẩy sau một loạt vụ việc chó tấn công gây chấn động dư luận. Cuối năm 2024, một bé trai 4 tuổi ở tỉnh Thiểm Tây bị thương nặng do hai con chó lao vào tấn công khi đang chơi gần nhà. Trước đó một tháng, tại tỉnh Giang Tây, một người mẹ cùng con gái cũng bị chó tấn công khi đi dạo trong công viên, khiến người mẹ bị thương nghiêm trọng với hàng chục vết cắn.
Những sự cố này đã làm dấy lên làn sóng kêu gọi siết chặt quản lý vật nuôi. Nhiều chuyên gia cho rằng các quy định hành chính hiện hành, vốn tồn tại gần hai thập kỷ, đã lỗi thời so với tốc độ thay đổi của xã hội Trung Quốc.

Ảnh: Tân Hoa Xã
Trong những năm gần đây, số lượng vật nuôi tại các đô thị Trung Quốc tăng vọt, kéo theo sự bùng nổ của ngành công nghiệp thú cưng. Ước tính đến cuối năm 2024, số lượng chó và mèo tại các thành phố đã vượt mốc 120 triệu con, đặt ra nhiều thách thức về an toàn cộng đồng.
Giới chuyên gia đánh giá, lần sửa đổi này sẽ khắc phục những khoảng trống trong thực thi pháp luật suốt nhiều năm qua, nhất là khi phần lớn các vụ thương tích do động vật gây ra trước đây chỉ dừng lại ở việc bồi thường dân sự, thiếu các biện pháp chế tài đủ mạnh.
Ông Si Wei, đối tác cấp cao tại Công ty luật Beijing Zhongwen, cho biết phần lớn các phán quyết trước đây chủ yếu dựa trên quy định về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng trong Bộ luật Dân sự, khiến người vi phạm thường chỉ chịu trách nhiệm tài chính mà không phải đối mặt với hậu quả pháp lý nghiêm khắc, dẫn đến tính răn đe thấp.
“Việc áp dụng luật hiện nay gặp nhiều thách thức như xác định trách nhiệm pháp lý, quy trình giám định thương tích kéo dài và khó đánh giá tổn hại tinh thần” ông Si nói.
Tháng 2/2024, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc công bố loạt vụ án điển hình nhằm thúc đẩy nuôi thú cưng có trách nhiệm. Trong số đó có 6 vụ án, bao gồm các trường hợp chó tấn công do chủ nhân sơ suất trong việc chăm sóc, cũng như các tranh chấp liên quan đến việc nuôi chó lớn - hành vi bị cấm tại nhiều khu vực đô thị.
Thẩm phán cấp cao Chen Yifang cho biết, Tòa án Nhân dân Tối cao đã và đang hoàn thiện các hướng dẫn tư pháp, tăng cường chế tài đối với các hành vi nguy hiểm do vật nuôi gây ra, chuẩn hóa tiêu chí xét xử và nâng cao hiệu quả giải quyết tranh chấp.
Luật sửa đổi đưa ra các định nghĩa rõ ràng và quy định cụ thể nhằm kiểm soát quyền sở hữu vật nuôi, bảo đảm trật tự nơi công cộng và tăng cường trách nhiệm pháp lý. Giới chuyên gia kỳ vọng quy định mới sẽ góp phần xây dựng môi trường sống an toàn hơn cho cả người nuôi thú cưng và cộng đồng.