Với sự phát triển bùng nổ của AI, các nhà hoạch định chính sách trên khắp thế giới đang bàn luận rất sôi nổi để đưa ra những phương án tốt nhất nhằm giảm thiểu những rủi ro mà không cản trở sự phát triển của nó. Và Trung Quốc không nằm ngoài “đường đua” này, với tham vọng sẽ trở thành nước dẫn đầu thế giới về các công nghệ chiến lược về AI và điện toán lượng tử. Theo đó, quốc gia này đã công bố các chính sách tiên phong được thiết kế để tận dụng sức mạnh của dữ liệu nhằm thúc đẩy nền kinh tế kỹ thuật số, đồng thời thực hiện một số quy định nghiêm ngặt nhất thế giới về AI và dữ liệu.
Các quy định này thường xuyên đề cập đến việc đạt được sự cân bằng bổ sung giữa “an ninh” và “phát triển”. Tuy nhiên, khi kinh tế kỹ thuật số ngày càng phát triển nhanh chóng, việc áp dụng thực tế lại càng trở nên phức tạp và không chắc chắn hơn, trong đó an ninh thường được ưu tiên hàng đầu. Hơn nữa, trong bối cảnh nền kinh tế đang chậm lại, các sự kiện gần đây đã cho thấy các cơ quan quản lý hiện đang thay đổi quy mô theo hướng có lợi cho sự phát triển trong cách tiếp cận quản lý dữ liệu và AI.
Cân bằng giữa an ninh và đầu tư nước ngoài
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng khuôn khổ quản trị dữ liệu toàn diện. Mặc dù, một số quy định về dữ liệu của Trung Quốc khá giống với Quy định bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) của Liên minh châu Âu (EU), tuy nhiên, quốc gia này đặc biệt tập trung nhiều hơn vào vấn đề bảo mật, chẳng hạn như những hạn chế về truyền dữ liệu xuyên biên giới. Song, những hạn chế này đã đặt ra thách thức tuân thủ đáng kể đối với các công ty nước ngoài hoạt động trong nước. Hơn nữa, Luật Chống gián điệp sửa đổi được ban hành vào năm ngoái đã mở rộng phạm vi thông tin nhạy cảm tiềm ẩn, làm tăng thêm những lo ngại về bảo mật dữ liệu hiện có.
Trước những bất cập đó, vào tháng 10.2023, Cơ quan Quản lý Không gian mạng Trung Quốc (CAC) đã ban hành dự thảo quy định miễn xem xét một số hoạt động xuất dữ liệu nhất định. Điều này bao gồm chuyển dữ liệu nội bộ của nhân viên cũng như chuyển dữ liệu cần thiết để thực hiện một số hợp đồng nhất định, chẳng hạn như mua sắm và thanh toán xuyên biên giới. Bản quy tắc giảm bớt gánh nặng tuân thủ cho một bộ phận lớn các công ty xuất khẩu khối lượng thông tin cá nhân thấp hơn.
Trong chuyến thăm Trung Quốc của Giám đốc Tesla Elon Musk, một cơ quan nổi tiếng trong ngành đã tuyên bố rằng, Tesla đã vượt qua thành công cuộc đánh giá bảo mật dữ liệu, mở ra cơ hội cho nhà sản xuất xe điện triển khai khả năng lái xe tự động của mình tại nước này. Điều này xảy ra sau nhiều năm xem xét kỹ lưỡng các hoạt động thu thập dữ liệu của Tesla tại Trung Quốc, bao gồm cả lệnh cấm xe Tesla bên trong các khu nhà của chính phủ do lo ngại về camera và cảm biến hãng xe này. Về phần mình, Thủ tướng Lý Cường đã ca ngợi hoạt động của Tesla tại Trung Quốc, xem đây là một “ví dụ về thành công” trong mối quan hệ hợp tác Trung - Mỹ.
Chính vì vậy, sau nhiều năm thắt chặt các quy định bảo mật dữ liệu, những diễn biến này cho thấy sự sẵn sàng mới nhằm đạt được sự cân bằng lớn hơn giữa an ninh quốc gia và nhu cầu đầu tư nước ngoài.
Tận dụng cơ hội, giải phóng tiềm năng của AI
Sau khi ChatGPT "gây bão" trên toàn thế giới vào cuối năm 2022, Trung Quốc là một trong những chính phủ đầu tiên ban hành các quy định có mục tiêu về AI tạo ra. Thái độ hiện tại của các cơ quan quản lý Trung Quốc đối với AI vừa mang tính ủng hộ vừa thận trọng, phản ánh sự cân bằng trong thúc đẩy việc sử dụng và giá trị của AI trong khi đặt ra các biện pháp bảo vệ xung quanh công nghệ này để ngăn chặn các tác hại về kinh tế và xã hội.
Theo thời gian, Chính phủ Trung Quốc đã tăng cường giám sát các công nghệ này nhưng theo cách có mục tiêu, thường đặt ra các quy tắc về các công nghệ AI cụ thể theo chiều dọc hơn là trên toàn bộ ngành để không cản trở sự đổi mới. Theo đó, ngoài các yêu cầu bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng cấp cao, vào tháng 7.2023, CAC đã ban hành Các Biện pháp tạm thời để quản lý các dịch vụ AI sáng tạo, đặt ra các yêu cầu đối với cả quy trình đào tạo và đầu ra của các mô hình ngôn ngữ lớn. Để phù hợp với cách tiếp cận lâu dài của Trung Quốc trong việc quản lý chặt chẽ nội dung trực tuyến, CAC yêu cầu các dịch vụ AI “có đặc điểm của dư luận hoặc khả năng huy động xã hội” thực hiện đánh giá bảo mật và gửi thuật toán tới CAC trước khi được công khai với chúng.
Do đó, trong nửa đầu năm 2023, các mô hình ngôn ngữ lớn do các công ty internet hàng đầu của Trung Quốc phát triển cần phải chờ phê duyệt theo quy định trước khi đưa ra công chúng. Hơn nữa, vào tháng 8.2023, Apple đã xóa hơn một trăm ứng dụng cung cấp dịch vụ chatbot AI khỏi “cửa hàng ứng dụng” ở Trung Quốc trước khi các biện pháp trên có hiệu lực. Khi các công ty công nghệ của Mỹ chạy đua với các dịch vụ AI sáng tạo như ChatGPT và Sora, điều này đã thúc đẩy các nhà phân tích có chung một quan điểm rằng, các biện pháp kiểm soát quy định nghiêm ngặt đã hạn chế khả năng cạnh tranh của hệ sinh thái AI của Trung Quốc.
Tương tự như quản trị dữ liệu, những phát triển gần đây cho thấy sự thay đổi đáng chú ý trong diễn ngôn chính sách AI. Trong kỳ họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua, báo cáo công việc chính thức của chính phủ đã khuyến khích sử dụng AI trong công nghiệp như một phần ưu tiên chính sách phổ biến nhằm giải phóng “lực lượng sản xuất mới” trong lĩnh vực sản xuất. Sau đó, Thủ tướng Lý Cường đã nhấn mạnh sự cần thiết phải hỗ trợ chính sách nhiều hơn cho AI và tạo ra “một môi trường thoải mái cho sự phát triển của ngành AI”.
Vào ngày 28.3, CAC đã công bố danh sách đầy đủ 117 mô hình Generative AI được phê duyệt để sử dụng rộng rãi. Hơn nữa, phiên bản cuối cùng của tiêu chuẩn ngành AI tổng quát đã được phát hành vào hồi tháng 2, đã loại bỏ một số yêu cầu bảo mật nghiêm ngặt nhất có trong bản dự thảo trước đó.
Con đường phía trước có dễ dàng hơn?
Những phát triển này chứng tỏ cách tiếp cận năng động và đáp ứng các quy định về kinh tế kỹ thuật số ở Trung Quốc. Liên quan đến quản trị dữ liệu, một chế độ chuyển giao xuyên biên giới nhẹ nhàng hơn sẽ thúc đẩy niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài. Đối với AI, sự thừa nhận gần đây về nhu cầu tạo ra một môi trường chính sách thuận lợi có thể sẽ ảnh hưởng đến việc soạn thảo luật AI toàn diện hiện nay của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những thách thức về địa chính trị, cũng như các ưu tiên trong nước sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của quốc gia này. Thật vậy, việc Trung Quốc nới lỏng các quy định về AI chủ yếu nhằm mục đích củng cố năng lực trong nước trong bối cảnh các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến của Mỹ.
Hơn nữa, bất chấp những đề nghị gần đây với Tesla, CAC gần đây vẫn yêu cầu Apple xóa WhatsApp và Threads khỏi cửa hàng ứng dụng ở Trung Quốc do lo ngại về an ninh quốc gia. Thêm vào đó, với việc TikTok đang phải đối mặt với nhiều lệnh cấm hay nguy cơ buộc phải bán lại cho Mỹ, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định, quốc gia này sẽ "kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp".
Trong bối cảnh môi trường địa chính trị không chắc chắn này, cách Trung Quốc cân bằng các mục tiêu cạnh tranh về an ninh quốc gia, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ công nghệ có thể vẫn chưa thay đổi.