Trung Quốc sẽ thắng Mỹ bằng cách nào?

Nguyễn Hoàng
Theo NT
06/02/2012 08:04

Với ảnh hưởng kinh tế và sức mạnh quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc là điều khó tránh khỏi. Lãnh đạo cả hai quốc gia này đều tuyên bố đầy lạc quan rằng sự cạnh tranh có thể diễn ra mà không dẫn đến xung đột, đe dọa đến trật tự toàn cầu. Nhưng hầu hết các nhà phân tích đều không ngây thơ như vậy.

Biếm họa của Luo Jie Nguồn: chinadigitaltimes
 Biếm họa của Luo Jie

  Nguồn: chinadigitaltimes

Nếu nhìn vào chỉ dẫn của lịch sử thì rõ ràng sự vươn lên của Trung Quốc sẽ tạo ra một thách thức đối với Mỹ. Các cường quốc đang lên sẽ tìm kiếm nhiều hơn từ hệ thống toàn cầu và các cường quốc đang xuống thì ít khi chịu mất lợi ích của mình một cách tự nguyện. Với sự khác biệt trong hệ thống chính trị giữa hai nước, những người bi quan có nhiều lý do để tin vào một cuộc chiến khó tránh khỏi. Tất nhiên, chủ nghĩa hiện thực không chỉ là các chính trị gia quan tâm đến sức mạnh quân sự và kinh tế đơn thuần. Đạo đức có thể đóng vai trò quan trọng trong định hình cạnh tranh quốc tế giữa các cường quốc và trong việc phân biệt kẻ thắng người thua.

Các nhà chính trị học cổ đại Trung Quốc như Lão Tử, Khổng Tử, Tôn Tử và Mạnh Tử đều có những tác phẩm của mình trong thời Chiến quốc, trước khi Trung Quốc thống nhất thành một quốc gia hơn 2.000 năm trước. Lúc đó, Trung Quốc bao gồm nhiều nước nhỏ tranh đấu với nhau một cách tàn bạo để xâm chiếm lãnh thổ của nhau. Đó có lẽ là thời kì thịnh vượng cho tư duy Trung Quốc và một số trường phái cạnh tranh nhau về tư tưởng để có được ảnh hưởng chính trị. Tuy khác biệt nhưng họ thống nhất về một mặt: chìa khóa dẫn đến ảnh hưởng quốc tế là sức mạnh chính trị và trung tâm của quyền lực chính trị là lãnh đạo đạo đức. Người đứng đầu nào hành động theo chuẩn mực đạo đức sẽ có xu hướng chiến thắng trong dài hạn. Trung Quốc đã được thống nhất bởi vua Tần vào năm 221 trước công nguyên, nhưng triều đại của Tần Thủy Hoàng không kéo dài và không thành công như hoàng đế nhà Hán, người đã cai trị dựa trên chủ nghĩa hiện thực luật pháp và “quyền lực mềm” kiểu Khổng Tử. Hán triều kéo dài hơn 50 năm, từ năm 140 đến năm 86 trước công nguyên.

Theo Tôn Tử, có ba loại lãnh đạo: nhân văn, bá quyền và độc tài. Lãnh đạo nhân văn chiếm được trái tim và trí óc của nhân dân trong và ngoài nước. Độc tài – lãnh đạo dựa trên lực lượng quân sự - sẽ tạo ra kẻ thù. Bá quyền nằm giữa hai thái cực này: họ không lừa dối nhân dân trong nước hay đồng minh ngoài nước nhưng thường lạnh lùng trước các vấn đề đạo đức và sử dụng bạo lực chống lại kẻ thù. Các triết gia đều cho rằng lãnh đạo nhân văn sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với bá quyền hay độc tài. Những lý thuyết như vậy có vẻ xa rời với hoàn cảnh hiện nay, nhưng không phải không có ảnh hưởng. Chẳng hạn, Henry Kissinger đã có lần cho rằng tư tưởng Trung Quốc cổ đại có thể sẽ trở thành tư duy thống trị đằng sau chính sách đối ngoại Trung Quốc hơn là bất kỳ hệ tư tưởng ngoại lai nào. Đó là chưa kể thời kỳ chiến quốc khá giống với sự phân hóa toàn cầu hiện nay và những gì mà các triết gia thời đó đưa ra vẫn đúng với ngày nay – nước nào chỉ dựa vào sức mạnh kinh tế và quân sự mà không quan tâm tới vấn đề đạo đức sẽ thất bại.

Không may là quan điểm như vậy không có nhiều chỗ đứng trong kỷ nguyên kinh tế quyết định hiện nay. Trung Quốc luôn hành động như thể sự cạnh tranh với Mỹ sẽ chỉ diễn ra trên mặt trận kinh tế. Trong khi ở Mỹ, các chính trị gia chỉ thường đóng góp sự phát triển chứ không bao giờ là thất bại đối với sự lãnh đạo. Cả hai chính phủ phải hiểu rằng chính sự lãnh đạo chính trị, chứ không phải là ném tiền vào các vấn đề, mới quyết định ai sẽ là người chinh phục đỉnh cao toàn cầu. Nhiều người thường hiểu sai rằng Trung Quốc có thể cải thiện quan hệ ngoại giao bằng cách tăng cường viện trợ kinh tế. Mua ảnh hưởng không dễ vậy và một “tình bạn” như thế sẽ không thể đứng vững trước thử thách của thời gian.

Vậy thì Trung Quốc có thể giành được trái tim của người dân trên thế giới như thế nào? Phải bắt đầu từ chính quê nhà. Lãnh đạo nhân văn bắt đầu bằng cách tạo ra một hình mẫu đáng mơ ước tại quê nhà để truyền cảm hứng đến người dân nước khác. Điều này có nghĩa là Trung Quốc phải chuyển ưu tiên từ phát triển kinh tế sang thiết lập một xã hội hài hòa thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Cần phải thay tư duy trọng tiền bằng truyền thống đạo đức và dẹp bỏ tham nhũng để trả lại công bằng xã hội.

Với các nước khác, Trung Quốc phải thể hiện bộ mặt nhân văn để cạnh tranh với Mỹ. Sức mạnh quân sự củng cố bá quyền và nó lý giải tại sao Mỹ có nhiều đồng minh đến vậy. Tổng thống Obama đã phạm những sai lầm chiến lược ở Afghanistan, Iraq và Lybia, nhưng hành động của ông vẫn thể hiện rằng Mỹ đủ sức với ba cuộc chiến ở nước ngoài cùng một lúc. Ngược lại, quân đội Trung Quốc chưa tham chiến lần nào kể từ năm 1984 và rất ít sỹ quan cao cấp của nước này có kinh nghiệm chiến trường. Mỹ có quan hệ tốt hơn với phần còn lại của thế giới so với Trung Quốc, cả về chất lượng và số lượng. Mỹ có hơn 50 đồng minh quân sự chính thức trong khi Trung Quốc không có một ai. CHDCND Triều Tiên và Pakistan chỉ là những đồng minh không đáng tin cậy của Trung Quốc. Triều Tiên thiết lập đồng minh chính thức với Trung Quốc năm 1961 nhưng hai nước chưa từng tập trận chung hay buôn bán vũ khí trong hàng thập kỷ. Trung Quốc và Pakistan có hợp tác quân sự nhưng họ không có liên minh quân sự chính thức.

Không cường quốc lãnh đạo nào có thể quan hệ với tất cả các nước, vì thế bản chất cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc nằm ở chỗ ai có nhiều người bạn tốt hơn. Để đạt mục tiêu đó, Trung Quốc cần thể hiện sự lãnh đạo đạo đức nhiều hơn Mỹ. Trung Quốc cũng cần nhận thức mình là cường quốc đang lên và nhận lãnh trách nhiệm với tư thế đó. Trung Quốc cần có những hiệp ước an ninh khu vực với các quốc gia khác với mô hình của SCO, diễn đàn khu vực hiện nay gồm Trung Quốc, Nga và một số nước Trung Á.

Trong nước, các quan chức chính phủ cấp cao cần được lựa chọn dựa trên đạo đức và trí tuệ của họ chứ không đơn thuần là khả năng hành chính và kỹ trị. Nhà Đường, thời đại thịnh trị nhất của Trung Quốc, sử dụng rất nhiều người ngoại quốc làm quan. Ngày nay Trung Quốc có thể làm vậy để cạnh tranh với Mỹ thu hút các nhân tài nhập cư. Các lãnh đạo của Trung Quốc cần thể hiện vai trò lớn hơn trên trường quốc tế và đề nghị các bảo hộ an ninh cùng hỗ trợ kinh tế nhiều hơn đến các nước yếu hơn. Điều này có nghĩa là cạnh tranh với Mỹ về mặt chính trị, kinh tế và công nghệ. Một sự cạnh tranh như vậy có thể gây ra những căng thẳng ngoại giao, nhưng chưa đến mức đụng độ quân sự. Cả Mỹ và Trung Quốc đều không cần đến chiến tranh để bảo vệ những nguồn lợi chiến lược của mình.

Mong muốn có được vị trí lãnh đạo thế giới của Trung Quốc và nỗ lực duy trì vị thế hiện tại của Mỹ là một trò chơi có tổng bằng không. Theo các triết gia cổ đại Trung Quốc đã tiên đoán, nước nào chiếm được nhiều trái tim nhân dân thế giới hơn, nước đó sẽ giành chiến thắng.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung Quốc sẽ thắng Mỹ bằng cách nào?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO