Tuần qua, dư luận xã hội Trung Quốc đặc biệt nóng lên sau khi cơ quan lập pháp hàng đầu của nước này thông qua kế hoạch nâng tuổi nghỉ hưu từng bước. Theo đó, tuổi nghỉ hưu đối với nam giới tăng từ 60 lên 63; lao động nữ làm công việc trí óc tăng từ 55 lên 58, và lao động nữ làm công việc chân tay, tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 50 lên 55. Quy định mới sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1.1.2025 và độ tuổi nghỉ hưu sẽ được tăng từ 3 đến 5 tuổi trong 15 năm tới.
Bên cạnh đó, chế độ lương hưu cũng được điều chỉnh: bắt đầu từ năm 2030, thời gian đóng góp tối thiểu để hưởng lương hưu cơ bản sẽ tăng dần, mỗi năm 6 tháng, từ 15 năm như hiện nay lên 20 năm trong vòng một thập kỷ. Dù vậy, chương trình mới cũng linh hoạt hơn và cho phép mọi người nghỉ hưu sớm hoặc hoãn nghỉ hưu vài năm, tùy theo thỏa thuận của người sử dụng lao động, miễn là người lao động đã đáp ứng đủ số năm đóng góp lương hưu tối thiểu.
Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc vẫn duy trì độ tuổi nghỉ hưu được thiết lập từ những năm 50, được coi là một trong những mức tuổi thấp nhất thế giới và không còn phù hợp với tuổi thọ hiện nay của nước này. Tuổi thọ bình quân ở Trung Quốc hiện đã đạt 78 tuổi, từ mức 66 tuổi cách đây vài thập kỷ. Đến khoảng năm 2035, người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số Trung Quốc, từ mức 14,2% vào năm 2021, theo Đài truyền hình quốc gia CCTV.
Vấn đề đặc biệt nhạy cảm trong xã hội
Trong tuần qua, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu đã trở thành chủ đề nóng nhất trên các trang mạng xã hội của Trung Quốc. Trên mạng Weibo, thông tin về tăng tuổi nghỉ hưu đã trở thành nội dung được tìm kiếm nhiều nhất và thu hút hơn 530 triệu lượt xem.
Tuổi nghỉ hưu tăng lên khiến nhiều người lao động Trung Quốc lo lắng về việc phải làm việc lâu hơn, mức độ cạnh tranh lớn hơn trên thị trường việc làm, đặc biệt là người già phải cạnh tranh với người trẻ tuổi, cũng như sự bất bình đẳng trong các chương trình lương hưu giữa khu vực công và tư.
Những người sinh sau những năm 1980 dường như là những người thất vọng nhất với sự thay đổi chính sách này vì họ sẽ phải chịu toàn bộ tác động của nó.
Một chuyên gia tư vấn tiếp thị 26 tuổi ở Bắc Kinh nói với tờ SCMP: Việc trì hoãn nghỉ hưu sẽ khiến những người trẻ chán nản và không muốn tìm việc làm: “Điều cần giải quyết bây giờ là tạo ra nhiều việc làm hơn cho những người trẻ tuổi, thay vì để những người có chức vụ tận hưởng thêm 10 năm nắm quyền với mức lương cao”.
Tin tức này cũng khó chấp nhận đối với Clytie Chen, 26 tuổi, người đã mất việc tại một hãng sản xuất ô tô vào tháng 7. “Ai mà biết được liệu tôi có mất việc lần nữa khi tôi 35 tuổi không”, Chen nói. “Và khi tôi chuẩn bị nghỉ hưu ở tuổi 60 thì lại có một chính sách mới yêu cầu tôi chỉ có thể nghỉ hưu và nhận lương hưu khi tôi 65 hoặc 70 tuổi”.
Bên cạnh đó, tình trạng bất bình đẳng về khoảng cách giữa chế độ phúc lợi hưu trí của khu vực công và tư nhân cũng là vấn đề được dư luận quan tâm. Trong nhiều năm, công chức và người lao động tại các doanh nghiệp nhà nước đã được hưởng chế độ lương hưu hậu hĩnh hơn so với nhân viên khu vực tư nhân.
Ngay cả các công chức cũng không hài lòng khi phải làm việc lâu hơn. Một công chức ở Thượng Hải cho biết, thật không công bằng khi thế hệ của ông sẽ nhận lương hưu thấp hơn những người tiền nhiệm. “Chúng tôi chắc chắn không thể vui mừng. Giống như một cuộc đua mà dải ruy băng ở vạch đích cứ được đẩy lùi ra xa hơn. Nhưng mọi người dường như đều chấp nhận điều đó, dù muốn hay không”, ông nói.
Quyết định không thể chần chừ
Theo ông Alfred Wu, Phó giáo sư tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, Bắc Kinh đã bỏ lỡ một "thời điểm vàng" để thay đổi độ tuổi nghỉ hưu. “Đó là trước đại dịch Covid-19, khi Trung Quốc chứng kiến thị trường việc làm dồi dào, nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và người lao động không phải đứng trước nhiều áp lực”.
Tuy nhiên, theo ông Alfred Wu, hiện tại cũng "không còn thời điểm nào tốt hơn" khi xét đến tình trạng xã hội đang già hóa nhanh chóng của Trung Quốc, gây áp lực ngày càng lớn lên hệ thống an sinh xã hội, vốn dựa trên sự đóng góp của người lao động để có thể hưởng lương hưu khi về già.
Ông Đặng Vũ Văn, cựu Phó Tổng biên tập Tạp chí Study Times của Trường Đảng Trung ương Trung Quốc cho rằng, mặc dù đây không phải là thời điểm hợp lý nhất nhưng Chính phủ không thể chần chừ thêm nữa. “Quyết định này được đưa ra vào thời điểm rất khó khăn đối với Trung Quốc nhưng Bắc Kinh không thể trì hoãn vì dân số đang già đi nhanh chóng, tỷ lệ sinh giảm mạnh và thâm hụt ngân sách tăng rõ ràng sẽ gây ra cuộc khủng hoảng lương hưu ở Trung Quốc - có lẽ sớm hơn nhiều so với dự đoán của Bắc Kinh”.
Ông Đặng Vũ Văn cho biết, vấn đề thời điểm là yếu tố đáng lo ngại đối với Trung Quốc vì “khi các nước phát triển như Nhật Bản đạt đến giai đoạn này, mức thu nhập bình quân đầu người của họ cao hơn nhiều so với Trung Quốc hiện nay, cho phép họ thiết lập một hệ thống an sinh xã hội và phúc lợi công cộng tương đối vững mạnh”.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc, việc tăng tuổi nghỉ hưu nhằm mục đích “thích ứng với tình hình phát triển nhân khẩu học mới ở Trung Quốc, cũng như phát triển toàn diện và tối ưu hóa nguồn nhân lực”. Trước khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc phê chuẩn, kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc được công bố vào tháng 7. Những nỗ lực trước đây của nước này trong việc tăng tuổi nghỉ hưu đều đã thất bại do sự phản đối của dư luận.
“Lịch trình tăng tuổi nghỉ hưu là tương đối chậm rãi. Các nhà hoạch định chính sách có lẽ đã tính đến ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng của kế hoạch và chọn triển khai một cách cẩn trọng”, nhà kinh tế Michelle Lam của ngân hàng Pháp Societe Generale nhận định với hãng tin Bloomberg.
Tác động tiềm tàng
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại, bị kéo xuống bởi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, nhu cầu trong nước trì trệ - những yếu tố đang ảnh hưởng đến khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay. Trong bối cảnh này, quyết định tăng tuổi nghỉ hưu có thể sẽ càng làm giảm niềm tin chi tiêu của người tiêu dùng.
“Tôi chắc chắn sẽ tiết kiệm nhiều hơn… không ai biết tương lai sẽ đưa đến những thay đổi gì”, Zhu Dongxia, trợ lý nghiên cứu 29 tuổi ở Bắc Kinh cho biết. “Khi chúng ta phải đợi lâu hơn để được nhận lương hưu và với tình hình kinh tế hiện tại ngày càng ảm đạm, mọi người có thể có xu hướng tiết kiệm để phòng ngừa rủi ro hơn là chi tiêu”, anh nói.
Trong khi đó, anh Joe Zhou, một nhà phân tích 35 tuổi ở Bắc Kinh cho biết: "Chính sách này sẽ đưa đến tác động về mặt cảm xúc và tâm lý đối với người dân nhiều hơn là tác động thực tế”. Theo anh, có vẻ như Chính phủ chỉ đang thăm dò tình hình. “Ngay cả sau khi điều chỉnh, tuổi nghỉ hưu của Trung Quốc vẫn không cao hơn so với các quốc gia đang phải đối mặt với xu hướng già hóa dân số nghiêm trọng”. Ở Nhật Bản, mọi người có thể bắt đầu nhận lương hưu ở tuổi 65, trong khi ở Hàn Quốc, tuổi nghỉ hưu là 63. “Tôi từng sợ rằng lương hưu sẽ không đủ để trang trải cho những tháng ngày về hưu, nhưng bây giờ tôi bớt lo hơn vì khoảng cách giữa tuổi nghỉ hưu và tuổi thọ đã thu hẹp lại ba năm”, anh cho biết.
Nhà kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại The Economist Intelligence Unit Xu Tianchen đánh giá, quyết định trì hoãn tuổi nghỉ hưu có vẻ sẽ mang lại tác động hỗn hợp. Ông lưu ý rằng tỷ lệ tiết kiệm ở Nhật Bản đã tăng lên và xu hướng tiêu dùng giảm sau khi nước này tăng độ tuổi nghỉ hưu, trong khi ở Hoa Kỳ lại cho thấy xu hướng gần như ngược lại.
“Đối với người lớn tuổi, việc làm lâu hơn trước khi nghỉ hưu thường có nghĩa là mức lương cao hơn so với lương hưu, dẫn đến tổng thu nhập tăng và do đó mức tiêu dùng cũng cao hơn. Tuy nhiên, đối với lao động trẻ tuổi và trung niên, họ có thể cảm thấy những tác động tiêu cực, chẳng hạn như sự cạnh tranh việc làm từ những người lao động lớn tuổi và tỷ lệ phụ thuộc ngày càng tăng. Điều này có thể dẫn đến thu nhập thấp hơn, khiến họ có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và hạn chế tiêu dùng”, ông Xu Tianchen nói,
Tuy nhiên, ông Xu Tianchen cho rằng, tác động tức thời của quyết định trì hoãn nghỉ hưu có thể sẽ không lớn vì chính sách lần này không quá mạnh tay và sẽ được triển khai dần dần.