Trung Quốc khởi động ngoại giao châu Phi

- Thứ Bảy, 09/01/2021, 07:13 - Chia sẻ
Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đang có chuyến công du truyền thống đầu tiên trong năm 2021 tới 5 nước châu Phi gồm Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Botswana, Tanzania và Seychelles. Sự kiện này hứa hẹn khởi động một năm quan trọng cho hợp tác Trung Quốc - châu Phi trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp và thương mại khó khăn.

Trong 30 năm qua, Trung Quốc vẫn giữ truyền thống cử Bộ trưởng Ngoại giao tới châu Phi trong chuyến công du đầu tiên của năm mới. Bất chấp sự phức tạp của đại dịch Covid-19 đã khiến nhiều chuyến công du nước ngoài của các nhà ngoại giao trên thế giới bị hạn chế, truyền thống ngoại giao này vẫn được Trung Quốc tiến hành.

	Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nigeria Nigeria Geoffrey Onyeama "chào hỏi" thời Covid-19 trước khi tiến hành Họp báo chung ở Abuja ngày 5.1 - Dateline
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Nigeria Nigeria Geoffrey Onyeama "chào hỏi" thời Covid-19 trước khi tiến hành Họp báo chung ở Abuja ngày 5.1
Nguồn:Dateline

Ngày 4.1, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã đặt chân tới Nigeria, điểm đến đầu tiên trong chuyến công du 5 quốc gia châu Phi, tiếp đó là Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC), Botswana, Tanzania và Seychelles. Ông Vương Nghị nhấn mạnh, dịch bệnh chết người không thể ngăn cản mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Trung Quốc và châu Phi. Phát biểu trước chuyến thăm, ông Vương cho biết kể từ khi thiết lập Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) 20 năm trước đây, thương mại Trung Quốc - châu Phi và đầu tư của Trung Quốc vào châu Phi đã tăng lần lượt 20 lần và 100 lần.

“Trong chuyến thăm này, ông Vương Nghị trao đổi sâu và phối hợp với các nước châu Phi, thúc đẩy thực hiện đồng thuận quan trọng mà Chủ tịch Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo châu Phi đã đạt được cũng như kết quả Hội nghị thượng đỉnh FOCAC Bắc Kinh 2018 và Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi bất thường về đoàn kết chống dịch Covid-19; hỗ trợ các nước châu Phi trong công tác phòng, chống dịch bệnh và phục hồi kinh tế; thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Vàng đai - Con đường (BRI) và xây dựng cộng đồng Trung Quốc - châu Phi chặt chẽ hơn với một tương lai chung”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho biết trong cuộc họp báo ngày 4.1.

Chất keo mới của hợp tác

Đại dịch Covid-19, bao gồm các biện pháp phòng chống, điều trị, phân phối vaccine cũng như các biện pháp chống chọi với sự tàn phá kinh tế do dịch gây ra đã trở thành trọng tâm của hợp tác Trung Quốc - châu Phi trong năm qua. Như Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh đề cập ở trên, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức hội nghị trực tuyến với 13 nhà lãnh đạo châu Phi và Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi để bàn về Covid-19 vào tháng 6.2020.

Ngoài ra, Trung Quốc đã cử các đội y tế đến châu Phi, cung cấp vật tư y tế và hứa ưu tiên cho các nước châu Phi tiếp cận với vaccine mới nhất của Trung Quốc. Vào tháng 12.2020, tại Ethiopia, đã diễn ra lễ động thổ Trụ sở Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Phi, một dự án xây dựng trị giá 80 triệu USD do Trung Quốc tài trợ.

Đột phá trong kinh tế…

Chuyến công du đầu năm nay cũng là dịp để Trung Quốc và châu Phi thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại chặt chẽ hơn, từ đó tạo đòn bẩy cho những hợp tác sâu rộng hơn về chính trị. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nigeria Geoffrey Onyeama ở Abuja ngày 5.1, ông Vương Nghị cho biết, hai bên đã đạt được 7 thỏa thuận quan trọng về tăng cường hợp tác song phương. Theo đó, hai bên sẽ lập một ủy ban liên chính phủ, do Bộ Ngoại giao hai nước đứng đầu, nhằm phối hợp và thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

Ông nêu rõ, Nigeria là nền kinh tế lớn nhất và là nước đông dân nhất châu Phi, do đó có những ảnh hưởng quan trọng đối với quốc tế và trong khu vực. Lưu ý năm nay hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, ông Vương Nghị nhấn mạnh Nigeria luôn là một đối tác chiến lược quan trọng của Trung Quốc ở châu Phi.

Trong 20 năm qua, Trung Quốc đã trở thành đối tác kinh tế số một của châu Phi. Theo một báo cáo công bố mới đây, trao đổi thương mại giữa hai bên mặc dù đã giảm 20% trong năm 2020 do tác động của dịch bệnh, song vẫn hứa hẹn đạt được những dấu mốc mới gần với con số kỷ lục 208 tỷ USD của năm 2019, lớn hơn cả trao đổi của châu Phi với Ấn Độ, Pháp và Mỹ cộng lại. Đặc biệt trong năm qua, “Trung Quốc đã ký các thỏa thuận đình chỉ nghĩa vụ nợ với 12 quốc gia châu Phi và miễn trừ khoản vay không lãi suất đến hạn cho 15 quốc gia châu Phi”, ông Vương Nghị phát biểu với Tân Hoa xã.

Năm 2021 cũng có khởi đầu đầy hứa hẹn khi vào ngày 1.1, Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Trung Quốc - Mauritius chính thức có hiệu lực. Thỏa thuận, được ký vào tháng 10.2019, đánh dấu FTA đầu tiên của Trung Quốc với một quốc gia châu Phi. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc có khả năng sẽ sử dụng FTA với Mauritius làm hình mẫu cho các thỏa thuận trong tương lai với các nước châu Phi khác.

Một trong những sự kiện quan trọng nhất của quan hệ Trung Quốc - châu Phi trong năm nay là Hội nghị thượng đỉnh FOCAC lần thứ 4, dự kiến diễn ra ở Dakar, Senegal (trong trường hợp dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tương đối ổn thỏa). Sự kiện diễn ra ba năm một lần, quy tụ các nguyên thủ quốc gia từ Trung Quốc và hơn 50 quốc gia châu Phi. Theo Ngoại trưởng Vương Nghị, Hội nghị thượng đỉnh năm nay sẽ tập trung vào “ba lĩnh vực được ưu tiên là hợp tác vaccine, phục hồi kinh tế và phát triển chuyển đổi”. Chuyến công du 5 nước châu Phi của ông Vương sẽ giúp đặt nền móng cho cam kết cụ thể trong các lĩnh vực đó.

Tuy nhiên, lĩnh vực mà các nhà lãnh đạo châu Phi vẫn chưa hài lòng là viện trợ của Trung Quốc. Các cam kết của Trung Quốc đưa ra tại FOCAC đã tăng từ 5 tỷ USD năm 2006 lên 60 tỷ USD vào năm 2015, nhưng lại giậm chân tại chỗ cho tới Hội nghị Thượng đỉnh FOCAC ở Bắc Kinh năm 2018. Các khoản cho vay và viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc cũng giảm mạnh những năm gần đây, thấp kỷ lục trong bối cảnh hỗn loạn của đại dịch Covid-19.

Như ý kiến của ông Deborah Brautigam, Giám đốc Sáng kiến ​​Nghiên cứu Trung Quốc - châu Phi của Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins ở Washington.DC đưa ra trong cuộc phỏng vấn gần đây với The Diplomat: “FOCAC đặt ra kỳ vọng cao rằng Bắc Kinh sẽ liên tục mở rộng cam kết viện trợ, các khoản cho vay và các hình thức cam kết kinh tế khác. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra khi các cam kết gần như không có tiến triển”.

Đòn bẩy cho ngoại giao

Sự gắn bó ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và châu Phi đang ngày càng được thể hiện không chỉ về kinh tế mà cả về chính trị, ngoại giao và quân sự. Trung Quốc hiện là một trong những nước cung cấp vũ khí hàng đầu cho châu Phi. Năm 2018, Trung Quốc đã lần đầu tiên đứng ra tổ chức Diễn đàn An ninh - Quốc phòng Trung Quốc - châu Phi, với sự tham dự của đại biểu quân sự cấp cao từ 50 quốc gia châu Phi. Căn cứ quân sự đầu tiên của Trung Quốc ở nước ngoài được mở năm 2017 cũng được đặt tại một nước châu Phi, là Djibouti.

Mặc dù thường không được nói ra trong bối cảnh ưu tiên tập trung vào kinh tế, song Trung Quốc cũng mong đợi sự hỗ trợ ngoại giao từ châu Phi - đặc biệt là khi quan hệ căng thẳng với Mỹ chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Phát biểu với tờ Vanguard News của Nigeria, ông Vương Nghị đã bóng gió về “sứ mệnh quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế và bảo vệ lợi ích chung giữa Trung Quốc và châu Phi”. “Ngày nay, thế giới đang trở nên kém hòa bình hơn, đặc biệt là trong những năm gần đây, chủ nghĩa đơn phương và chính trị quyền lực chiếm ưu thế, tâm lý Chiến tranh Lạnh tràn ngập”, ông Vương Nghị nói. Trong bối cảnh đó, cần tăng cường liên lạc và phối hợp giữa Trung Quốc và châu Phi, thể hiện sức mạnh đoàn kết, gửi tiếng nói chung, bảo vệ các quyền hợp pháp của người dân Trung Quốc và châu Phi để chống lại sự can thiệp từ bên ngoài, theo đuổi công bằng và công lý và một cuộc sống tốt hơn.

Đạt Quốc