Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc He Dan cho biết, tỷ lệ sinh giảm và dân số già hóa sẽ là vấn đề hiện hữu với toàn bộ quá trình phát triển hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc. Trong một bài đăng trên tạp chí Dân số và Sức khỏe của ủy ban, chuyên gia này nhận định, quy mô dân số sơ sinh ở Trung Quốc dự kiến sẽ dao động nhưng sẽ vẫn ở mức khoảng 10 triệu trong tương lai gần.
Vào năm ngoái, tổng số sinh toàn Trung Quốc là 9,56 triệu trẻ sơ sinh, đây là con số thấp nhất trong lịch sử hiện đại và lần đầu tiên giảm xuống dưới mốc 10 triệu. Các nhà phân tích cho biết, tỷ lệ sinh có thể tiếp tục giảm xuống từ 7 triệu đến 8 triệu trong năm 2023, lập mức thấp kỷ lục và tiếp tục làm mờ đi triển vọng nhân khẩu học của đất nước. Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số của Trung Quốc cũng đang diễn ra nhanh chóng, và đến năm 2035, tuổi thọ trung bình của cả nước ước tính là hơn 80 tuổi, tăng từ mức 78,2 vào năm 2021. Vào thời điểm đó, tổng dân số từ 80 tuổi trở lên sẽ đạt 70 triệu người và dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên hơn 140 triệu vào năm 2050. Tình trạng này đòi hỏi dịch vụ chăm sóc người cao tuổi chất lượng cao và nhiều hơn nữa.
Một loạt các chính sách theo chủ nghĩa tự nhiên được áp dụng ở địa phương và cấp trung ương, song các chuyên gia thừa nhận rằng, những chính sách này sẽ khó có tác động ngay lập tức và Trung Quốc phải thích ứng với “tình trạng bình thường mới”. Trong bài báo, ông He Dan cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc không thể sao chép các bước mà các nước khác đã thực hiện vì sự phát triển khu vực không đồng đều, cùng với những thách thức đặc biệt mà nước này phải đối mặt trong bối cảnh cải cách cơ cấu dân số. Mặc dù dân số Trung Quốc đã bước vào giai đoạn tăng trưởng giảm dần nhưng trong tương lai gần, dân số vẫn sẽ ở mức trên một tỷ. Đến cuối thế kỷ này, Trung Quốc sẽ vẫn là nước đông dân thứ hai thế giới, với dân số cao hơn đáng kể so với các nước phát triển khác.
Các nhà nhân khẩu học khác cũng đưa ra những dự đoán tương tự về tỷ lệ sinh của Trung Quốc, một số người cho rằng tốc độ tăng dân số tự nhiên của Trung Quốc đã bước vào giai đoạn suy giảm bình thường, có thể dao động quanh mức 0 trong vài năm tới, thay vì tiếp tục giảm và có thể giảm chậm. Mặc dù khủng hoảng nhân khẩu học được coi là một trong những trở ngại lớn đối với sự phục hồi kinh tế sau đại dịch vốn đã khó khăn của Trung Quốc, nhưng vấn đề lớn hơn mà nền kinh tế Trung Quốc phải đối mặt là nhu cầu suy yếu trong nước.
Phó giám đốc và nhà kinh tế cấp cao tại Moody's Analytics, ông Stefan Angrick cho biết, việc quá chú trọng đến nhân khẩu học và các yếu tố trọng cung khác có thể trì hoãn chính sách tài chính và tiền tệ cần thiết. Việc tích lũy vốn và cải thiện năng suất là những động lực phù hợp hơn và sẽ duy trì tăng trưởng trong tương lai bất chấp lực cản nhân khẩu học ngày càng tăng.