Thế giới 24h

Trung Quốc công bố gói chính sách tiền tệ trước thềm đàm phán thuế quan với Mỹ

Vũ Thị Quỳnh Lan 07/05/2025 16:27

Ngày 7/5, Ngân hàng trung ương và các cơ quan quản lý tài chính của Trung Quốc đã công bố các bước đi chính sách toàn diện, bao gồm cả biện pháp nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh lo ngại về tác động của chiến tranh thương mại.

Nới lỏng chính sách tiền tệ

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 7/5, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Phan Công Thắng cho biết nước này sẽ hạ lãi suất tái cấp vốn đảo ngược (RRR) của Trung Quốc 10 điểm cơ bản xuống còn 1,4%. Điều này sẽ khiến lãi suất cho vay cơ bản, lãi suất chính sách chính giảm khoảng 10 điểm cơ bản, Thống đốc cho biết. Ngoài ra, lãi suất cho vay của PBOC đối với các ngân hàng thương mại đã được cắt giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 1,5%.

z6577283115759_74f2c8fe1e4f98329755fbb1adbe93a6.jpg
Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Phan Công Thắng trong một cuộc họp hồi tháng 3/2025. Ảnh: Getty Images

Tỷ lệ dự trữ bắt buộc, tỷ lệ quyết định số tiền mặt mà các ngân hàng phải nắm giữ trong kho dự trữ, cũng sẽ được cắt giảm 50 điểm cơ bản. Thống đốc PBOC cho biết, đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đầu tiên kể từ tháng 9/2024 sẽ giải phóng 1.000 tỷ nhân dân tệ (138 tỷ USD) thanh khoản.

Các quan chức cũng công bố các biện pháp hỗ trợ tài chính cho một số lĩnh vực quan trọng, bao gồm công nghệ và bất động sản, cùng với việc thành lập một công cụ cho vay 500 tỷ nhân dân tệ cho tiêu dùng và chăm sóc người già.

Ngoài ra, PBOC sẽ giảm lãi suất thế chấp theo quỹ dự phòng nhà ở quốc gia, một công ty cho vay nhà ở được chính phủ hỗ trợ, xuống 25 điểm cơ bản. Thống đốc cho biết lãi suất cho các khoản vay 5 năm dành cho người mua nhà lần đầu sẽ được cắt giảm từ 2,85% xuống còn 2,6%.

Quy định này cũng sẽ dần dần giảm lượng tiền mặt mà các công ty tài chính ô tô phải giữ trong dự trữ xuống còn 0% từ mức 5% hiện tại.

Tuy nhiên, Tianchen Xu, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit, cho biết các biện pháp này có thể có tác động hạn chế đến việc thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong nước, “hoạt động vay mượn có phần không nhạy cảm với lãi suất”.

Trung Quốc cũng đang chuẩn bị thêm nhiều biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực tư nhân, sẽ sớm được công bố, Li Yunze, người đứng đầu cơ quan quản lý tài chính, cho biết tại cuộc họp báo. Trong những tuần gần đây, Chính phủ đã nỗ lực tìm cách hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thuế quan và thúc đẩy tăng trưởng việc làm.

Hành động cấp bách nhưng thận trọng

Các nhà phân tích cho biết, các biện pháp kích thích rộng rãi công bố ngày 7/5 cho thấy các các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đang hành động cấp bách hơn để thúc đẩy nền kinh tế và áp lực giảm giá đối với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Trước đó, Trung Quốc đã báo hiệu các động thái nới lỏng chính sách tiền tệ kể từ cuối năm 2024, nhưng đã không hành động trong bối cảnh đồng nhân dân tệ chịu áp lực, do lo ngại dòng vốn chảy ra.

Nhân dân tệ hiện dao động gần ngưỡng quan trọng 7,20 đổi đô la Mỹ, sau khi suy yếu xuống mức thấp kỷ lục là 7,4287 đổi một đô la Mỹ vào đầu tháng này. Đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm giá nhẹ xuống mức giao dịch là 7,2227 đổi một đô la Mỹ sau cuộc họp báo ngày 7/4.

“Không còn áp lực buộc nhân dân tệ phải mất giá so với đô la. Trong bối cảnh này, PBOC không cần phải lo lắng về rủi ro cắt giảm lãi suất dẫn đến dòng vốn chảy ra và đồng nội tệ mất giá”, Zhiwei Zhang, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management cho biết.

Tuy nhiên, ông Zhang nói rằng, các chính sách tài khóa mới vẫn chưa đầy đủ và chỉ có thể được bổ sung sau các nhà hoạch định chính sách nhìn thấy những dấu hiệu cụ thể của nguy cơ suy thoái kinh tế.

"Đồng đô la yếu hơn chắc chắn mang lại cho Trung Quốc nhiều không gian hơn để điều chỉnh tiền tệ… Tôi không kỳ vọng nhiều vào tác động tín dụng của các biện pháp này, nhưng chúng tạo ra sự tự tin mới, điều này sẽ hỗ trợ thị trường chứng khoán", Xu Tianchen, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Economist Intelligence Unit cho biết.

Lynn Song, nhà kinh tế trưởng của Greater China tại ING, cho biết: “Các nhà hoạch định chính sách hiện có thể biết được một số dữ liệu ban đầu về cách nền kinh tế bị tác động bởi cú sốc thuế quan”, đồng thời nhấn mạnh rằng “vẫn còn dư địa để nới lỏng chính sách hơn nữa”, trích dẫn áp lực giảm phát và tăng trưởng chậm lại.

Ông dự đoán ​​lãi suất sẽ tiếp tục giảm 20 điểm cơ bản và RRR sẽ giảm 50 điểm cơ bản trong năm nay, đồng thời lưu ý rằng ”động thái tiếp theo có thể sẽ không diễn ra cho đến khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ tiếp tục cắt giảm lãi suất”.

Cuộc đàm phán thuế quan đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc

Cuộc họp báo về chính sách diễn ra vài giờ sau khi Bắc Kinh khẳng định Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong sẽ hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này để thảo luận về các vấn đề thuế quan và thương mại.

he-lifeng-scott.jpg
Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong sẽ hội đàm với Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Scott Bessent tại Thụy Sĩ vào cuối tuần này. Nguồn: Dimsum Daily

Đây là sẽ là cuộc đàm phán thương mại đầu tiên được xác nhận giữa hai nước kể từ khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc lên mức cao ngất ngưởng là 145%, khiến Bắc Kinh phải trả đũa bằng cách áp thêm thuế 125% đối với hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ.

Các cuộc đàm phán theo kế hoạch có thể đánh dấu bước ngoặt trong cuộc chiến thương mại đang diễn ra, làm rung chuyển thị trường hoặc làm tê liệt hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Stephen Innes, chuyên gia của SPI Asset Management cho biết, các cuộc đàm phán "có thể là điểm xoay trục hoặc khóa chặt niềm tin mong manh hoặc thổi bùng lại ngọn lửa chiến tranh thương mại”.

Cả nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc đều đang cho thấy những dấu hiệu căng thẳng sau khi những mức thuế quan đối ứng bắt đầu có ảnh hưởng.

Tăng trưởng GDP của Mỹ đã suy giảm 0,3% trong quý I. Trong khi đó, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đạt mức 5,4% trong quý I, nhưng các báo cáo gần đây hơn cho thấy sự suy giảm trong các đơn đặt hàng xuất khẩu mới và tâm lý kinh doanh.

Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã thu hẹp với tốc độ nhanh nhất trong 16 tháng, trong khi hoạt động dịch vụ mở rộng với tốc độ chậm nhất trong bảy tháng vào tháng 4.

“Trung Quốc đang thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế và thị trường vì cuộc chiến thương mại với Mỹ… Nền kinh tế trong nước phải đủ mạnh trước khi Trung Quốc bắt đầu bất kỳ cuộc đàm phán thương mại kéo dài nào", Xi Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ANZ cho biết.

Theo CNBC
Copy Link

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung Quốc công bố gói chính sách tiền tệ trước thềm đàm phán thuế quan với Mỹ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO