Luật Bảo vệ bí mật nhà nước sửa đổi, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc thông qua hồi tháng 2.2024, tăng cường những hạn chế đối với các quan chức chính phủ xử lý thông tin bí mật, cấm những người được ủy thác nắm giữ bí mật nhà nước ra nước ngoài mà không có sự chấp thuận. Luật mới cung cấp nền tảng pháp lý để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà sản xuất sản phẩm bảo mật thông tin, tăng cường mối liên hệ giữa Luật Bảo vệ bí mật nhà nước và Luật Bảo mật dữ liệu 2021.
Luật sửa đổi cũng yêu cầu tăng cường các biện pháp an ninh ở các khu vực xung quanh các cơ sở quân sự mật và các đơn vị liên quan đến bí mật khác. Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tăng cường bảo mật trong Quân đội Giải phóng nhân dân (PLA) và Cảnh sát Vũ trang nhân dân (PAP) theo các quy định pháp luật mới.
Luật quy định rõ tất cả các khía cạnh của việc sản xuất, sao chép, xuất bản và phổ biến thông tin trực tuyến. Các nhà khai thác mạng và Internet có nhiệm vụ báo cáo kịp thời mọi nghi ngờ rò rỉ bí mật nhà nước, xóa nội dung liên quan khỏi Internet và hợp tác với các nhà điều tra…
Các quan chức Trung Quốc chịu trách nhiệm soạn thảo luật mới, coi đây là một phần trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia trong thời điểm cạnh tranh ngày càng gia tăng với phương Tây trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa Xã dẫn lời các quan chức của Bộ Tư pháp Trung Quốc và cơ quan bảo vệ bí mật nhà nước cho biết: "Với sự phổ biến của công nghệ thông tin, bí mật nhà nước ngày càng được số hóa và mạng lưới hóa, trong khi nguy cơ rò rỉ và đánh cắp thông tin ngày càng đa dạng và khó nhận biết hơn".
"Cuộc đấu tranh giữa những kẻ đánh cắp thông tin và những nỗ lực chống lại chúng dần dần biểu hiện thành sự cạnh tranh và đối đầu về năng lực khoa học công nghệ", các quan chức cho biết.
Về chế tài, luật sửa đổi trao cho cảnh sát nhiều quyền hạn hơn để tiến hành điều tra những hành vi vi phạm và yêu cầu các công ty tư nhân phải thực hiện các bước để bảo vệ bí mật nhà nước, cũng như đe dọa trừng phạt pháp lý đối với người làm lộ bí mật nhà nước.
Theo quy định hướng dẫn thi hành, tất cả các cơ quan trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và các cơ quan chính phủ phải thành lập văn phòng giữ bí mật riêng với đội ngũ nhân viên được chỉ định. Mỗi đơn vị công tác phải xây dựng "danh sách bí mật nhà nước" riêng, trong đó người đứng đầu chịu trách nhiệm về công tác bí mật.
Các quy định cho biết nhân viên được ủy thác thông tin mật không được phép rời khỏi đất nước mà không được chấp thuận trước và phải trải qua khóa đào tạo về bảo mật. Họ không thể rời khỏi vị trí của mình mà không phải trải qua các thủ tục giải mật nghiêm ngặt.
Quy định nêu rõ việc rò rỉ hoặc nguy cơ rò rỉ bí mật quốc gia phải được báo cáo lên cấp trên trong vòng 24 giờ, trong khi các cá nhân xử lý bí mật nhà nước tại các công ty và tổ chức phải là công dân Trung Quốc, trừ khi có ngoại lệ.
Các quy định cũng yêu cầu kiểm tra lý lịch trước khi tuyển dụng và đào tạo bảo mật thường xuyên đối với các viên chức chính phủ được thuê để làm việc ở các vị trí xử lý bí mật quốc gia.
Quy định thậm chí còn áp dụng với các thiết bị hoặc vật phẩm mang bí mật quốc gia phải được xử lý bởi nhân viên được chỉ định, được sửa chữa bởi các kỹ thuật viên nội bộ được chỉ định, được đọc và lưu trữ tại các địa điểm được chỉ định và được vận chuyển bằng các phương tiện bí mật.
Những vật phẩm như vậy phải được vận chuyển bởi hai hoặc nhiều nhân viên và không được mang ra nước ngoài, trong khi các tài liệu "tuyệt mật" không được trích xuất, tải xuống, sao chép hoặc biên soạn. Quy định cho thấy các hành vi phạm tội bao gồm không báo cáo rò rỉ kịp thời hoặc bỏ qua các quy trình bảo mật dữ liệu.
Ngoài các quy định này, việc sửa đổi luật chống gián điệp cũng như luật hạn chế chuyển giao dữ liệu xuyên biên giới đã đặt ra thách thức cho các công ty nước ngoài hoạt động tại Trung Quốc.
Năm ngoái, cảnh sát Trung Quốc đã đột kích một số công ty tư vấn quản lý nước ngoài và bắt giữ một giám đốc điều hành công ty dược phẩm Nhật Bản với cáo buộc làm gián điệp.