Thế giới 24h
Ngọc Minh 23/05/2025 19:42

Ngay sau khi chính thức phê chuẩn Hiệp định về biện pháp các quốc gia có cảng (PSMA) của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) vào tháng 4/2025, Trung Quốc đã công bố dự thảo sửa đổi toàn diện Luật Thủy sản quốc gia. Động thái này được giới chuyên môn đánh giá là bước ngoặt quan trọng trong nỗ lực cải tổ ngành thủy sản lớn nhất thế giới nhằm ngăn chặn tình trạng đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU).

Three Chinese fishing boats moored together at a port
Nguồn: Shutterstock

Dự thảo sửa đổi Luật Thủy sản hiện đang được Bộ Nông nghiệp và nông thôn Trung Quốc lấy ý kiến rộng rãi. Theo ông Liu Xinzhong, Cục trưởng Cục Ngư nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp, bản sửa đổi này cập nhật 48 trong tổng số 50 điều luật hiện hành, bổ sung thêm 32 điều khoản mới và một chương hoàn toàn mới về giám sát, thực thi và quản lý ngành thủy sản. Đây là sửa đổi sâu rộng nhất kể từ khi luật được ban hành năm 1986.

Các điểm mới nổi bật

Một trong những điểm nhấn quan trọng nhất trong dự thảo sửa đổi Luật Thủy sản là quy định về việc cấm tuyệt đối các tàu cá không hợp pháp, thường được gọi là tàu “ba không”, tức là không đăng ký, không có thiết bị giám sát và không được chỉ định cảng cập bến, tham gia vào hoạt động đánh bắt thủy sản. Đây là lần đầu tiên những yêu cầu này được đưa vào văn bản pháp luật cấp cao nhất trong lĩnh vực thủy sản tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, dự luật cũng nghiêm cấm việc cung cấp dịch vụ hậu cần, lưu thông và tiêu thụ sản phẩm từ các tàu cá “ba không”, tạo ra hàng rào pháp lý vững chắc để ngăn chặn hành vi đánh bắt bất hợp pháp ngay từ gốc.

Về công cụ khai thác, dự thảo đề xuất thiết lập danh mục các loại ngư cụ được phép sử dụng trong hoạt động đánh bắt trên toàn quốc. Việc sản xuất, buôn bán và sử dụng các loại ngư cụ ngoài danh mục này sẽ bị cấm hoàn toàn, nhằm ngăn chặn sự lan tràn của những ngư cụ có tính hủy diệt cao đối với sinh cảnh biển, đồng thời bảo vệ đa dạng sinh học dưới nước một cách hiệu quả hơn.

Cùng với đó, dự thảo luật tăng cường quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản, yêu cầu các tàu cá lớn và trung bình phải ghi đầy đủ nhật ký khai thác, cập cảng tại những cảng được chỉ định và bảo đảm khả năng truy xuất thông tin từ khâu khai thác đến khi sản phẩm được tiêu thụ. Biện pháp này không chỉ nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng mà còn góp phần quan trọng vào việc kiểm soát hoạt động đánh bắt IUU.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản bền vững, dự thảo cũng đề xuất thiết lập ngân hàng nguồn giống thủy sản quốc gia, nơi lưu giữ, nghiên cứu và phục hồi các nguồn gen quý hiếm. Đồng thời, nó cũng đưa ra danh mục các loài sinh vật thủy sinh có nguy cơ tuyệt chủng cần được bảo vệ, kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu giống thủy sản nhằm tránh xâm hại hệ sinh thái bản địa.

Một điểm mới mang tính đột phá là việc thiết lập các khu vực và thời gian nghỉ cấm khai thác dựa trên chu kỳ sinh học và tình trạng quần thể sinh vật thủy sinh, thay vì áp dụng cứng nhắc theo mùa vụ như trước đây. Điều này phản ánh cách tiếp cận linh hoạt, dựa trên khoa học sinh thái để quản lý tài nguyên thủy sản hiệu quả và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ sinh kế cho ngư dân và giảm thiểu rủi ro do thiên tai, dịch bệnh hoặc biến động thị trường, dự luật khuyến khích phát triển các mô hình bảo hiểm thủy sản, đặc biệt là bảo hiểm tương trợ giữa các hội ngư dân. Đây là bước tiến lớn trong việc xây dựng mạng lưới an sinh xã hội trong lĩnh vực nông - ngư nghiệp.

Cuối cùng, nhằm tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật, dự thảo bổ sung một chương riêng về công tác giám sát, trao quyền nhiều hơn cho lực lượng thực thi pháp luật thủy sản và cơ quan quản lý ngư nghiệp. Văn bản này cũng đề xuất xây dựng hệ thống đánh giá uy tín doanh nghiệp thủy sản - cơ chế theo dõi và xếp hạng mức độ tuân thủ pháp luật của từng tổ chức, từ đó áp dụng các biện pháp khuyến khích hoặc chế tài phù hợp. Song hành là cơ chế xử phạt rõ ràng, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, nhằm tạo tính răn đe và nâng cao hiệu lực thi hành luật trong thực tiễn.

Phản ứng từ giới chuyên gia và tổ chức môi trường

Các tổ chức như Greenpeace Trung Quốc và các học giả từ Đại học Hạ Môn hoan nghênh động thái này như bước tiến trong việc thu hẹp quy mô đội tàu và tăng cường minh bạch. Tuy nhiên, họ cũng bày tỏ lo ngại về việc một số điều khoản còn thiếu cụ thể hoặc chưa đủ mạnh để có thể bảo đảm hiệu lực thực thi.

Theo Globaltimes, Trung Quốc hiện có gần 500.000 tàu cá, trong đó khoảng 46.000 là tàu lớn và trung bình. Đồng thời, hơn 16 triệu người Trung Quốc phụ thuộc vào nghề cá để sinh sống. Việc triển khai luật sửa đổi trong thực tế sẽ là một thách thức lớn về nhân lực, thiết bị giám sát và đặc biệt là sự đồng thuận từ cộng đồng ngư dân.

Nhiều nhà phân tích còn nhận định, sửa đổi Luật Thủy sản là cuộc cách mạng pháp lý, nhưng không thể thành công nếu thiếu hỗ trợ chuyển đổi nghề cho ngư dân quy mô nhỏ.

Tuy nhiên, với động thái lập pháp mới, Trung Quốc đang phát đi tín hiệu rõ ràng về quyết tâm cải tổ ngành thủy sản theo hướng minh bạch, bền vững và phù hợp với thông lệ quốc tế.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung Quốc chuẩn bị sửa đổi toàn diện Luật Thủy sản
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO