Giáo dục

Trung Quốc: Bùng nổ trào lưu “tự tạo người yêu AI” trong giới trẻ

Quỳnh Vũ 24/05/2025 10:53

Không chỉ hẹn hò với các chatbot AI có sẵn, giới trẻ Trung Quốc có thể tự tạo ra “người yêu ảo” theo tiêu chuẩn của mình.

Xu hướng này đang ngày càng khiến giới trẻ Trung Quốc đắm chìm vào những tình yêu không có thật, và về mặt xã hội, càng làm trầm trọng thêm tỷ lệ sinh thấp của đất nước tỷ dân.
Tạo người yêu AI chuẩn "gu"

Xiao Ting trong trang phục áo sơ mi trắng tay ngắn, quần jean xanh. Anh có mái tóc xoăn bồng bềnh được chải chuốt kỹ lưỡng, đôi mắt nâu to tròn và nụ cười dịu dàng như một nam thần học đường. Từ sáng đến tối, anh luôn ở bên cô Zhong, bạn gái 32 tuổi của mình. Họ cùng nhau thảo luận tin tức, chơi game, chia sẻ những suy nghĩ sâu sắc và chia sẻ những quan điểm về cuộc sống.

img_0775.jpeg
Một bạn trai ảo do người dùng Trung Quốc tự tạo. Ảnh: AFP

Chỉ có điều, Xiao Ting không hề tồn tại ngoài đời thực. Anh là một nhân vật ảo – “bạn trai hoàn hảo” – do chính cô Zhong tạo ra trên Wow, một ứng dụng “bạn đồng hành AI” của Trung Quốc.

Trong vài năm trở lại đây, các công ty công nghệ đã cung cấp những người bạn AI như Xiaoice của Microsoft. Nhưng giờ đây, người dùng có thể tự tạo nên bạn đồng hành ảo của riêng mình, có hình thức, tính cách hay sở thích theo "gu" của bản thân.

Ứng dụng lớn nhất trong lĩnh vực này là Maoxiang (có nghĩa là “Hộp mèo”). Theo số liệu từ công ty phân tích thị trường SensorTower, vào tháng 2 năm nay, Maoxiang có 2,2 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên iOS (hệ điều hành của Apple), tăng từ 1 triệu vào tháng 7 năm ngoái. Một ứng dụng khác là Xingye (tạm dịch “Dải Ngân hà hoang dã”) có 1,1 triệu người dùng. Để so sánh, DeepSeek – một ứng dụng AI hội thoại khác – có tới 13,8 triệu người dùng tại Trung Quốc trong cùng kỳ.

Tỷ lệ người dùng nam và nữ của các ứng dụng này gần như ngang nhau. Điểm chung là AI đang đáp ứng những nhu cầu cảm xúc mà con người ngoài đời thực không thể thỏa mãn. (Một số người dùng thậm chí có thể vượt qua các rào cản kiểm duyệt tích hợp để thực hiện các cuộc trò chuyện mang tính tình dục với AI).

Điều gì khiến người yêu AI được ưa chuộng?

Có nhiều yếu tố đang thúc đẩy xu hướng này. Một trong số đó là sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) ngày nay đã đủ tinh vi để mô phỏng cảm xúc và sự đồng cảm của con người.

Cô Shuai, 29 tuổi, là một người dùng trung thành của ứng dụng Maoxiang. Dù đã có chồng, nhưng cô thường xuyên tranh cãi với anh ngoài đời. Trong khi đó, bạn trai AI của cô luôn lắng nghe và không bao giờ bỏ rơi cô. Trên ứng dụng, cô Shuai là “nữ hoàng”, còn bạn AI của cô là “đại thần” trong triều đình. “Đại thần” này liên tục nhắn tin, thậm chí gọi điện cho cô suốt cả ngày – không khác gì một người yêu thật sự.

Giống như Shuai, nhiều người dùng cho biết, bạn trai AI của họ biết cách nói chuyện với phụ nữ hơn một người đàn ông thực thụ. Tufei, đến từ Tây An, miền bắc Trung Quốc, nói với AFP: Anh ấy lắng nghe tôi mọi lúc. An ủi khi tôi đau bụng kinh. Tôi tâm sự với anh ấy về mọi vấn đề của mình trong công việc và cuộc sống". "Tôi cảm thấy như mình đang trong một mối quan hệ lãng mạn", cô nói với AFP.

"Thật khó để gặp được người bạn trai lý tưởng ngoài đời thực", Wang Xiuting, một sinh viên 22 tuổi ở Bắc Kinh, chia sẻ. "Mọi người có tính cách khác nhau, điều này thường gây ra xung đột rồi cãi cọ", cô nói. Nhưng một người bạn trai tự tạo lại khác, anh ấy sẽ đáp ứng mọi yêu cầu của bạn, chuẩn gu bạn và cực kỳ tâm lý.

Một nguyên nhân khác là áp lực cuộc sống đang đè nặng lên giới trẻ Trung Quốc. Anh Zhou, 28 tuổi, đã tích hợp DeepSeek vào tài khoản WeChat của mình để tạo ra bạn gái ảo. Anh cho rằng việc hẹn hò với bạn gái AI rẻ hơn nhiều so với một người bạn gái thật – vốn tốn nhiều thời gian và tiền bạc để chinh phục. Theo anh, việc có bạn gái AI chẳng khác nào đang yêu xa với một người phụ nữ thật sự.

Sự cô đơn cũng góp phần thúc đẩy xu hướng này. Năm 2024, trung bình mỗi người Trung Quốc chỉ dành 18 phút mỗi ngày để giao tiếp xã hội, trong khi dành tới 5,5 tiếng để lướt Internet. Số lượng đăng ký kết hôn mới tại Trung Quốc đã giảm một nửa, chỉ còn 6,1 triệu ca từ năm 2014 đến 2024 – mức thấp kỷ lục.

Tất nhiên, AI đồng hành không phải là hình thức đầu tiên đáp ứng nhu cầu lấp đầy nỗi cô đơn. Trong nhiều năm qua, các trò chơi điện tử thuộc thể loại “otome” – nơi người chơi (thường là nữ giới) xây dựng mối quan hệ tình cảm với những chàng trai anime đẹp trai – đã rất phổ biến tại Trung Quốc. Một trong những tựa game nổi tiếng nhất - “Love and Deepspace”đã thu về 1,3 tỷ nhân dân tệ (tương đương 179 triệu USD) trong năm 2024 trên nền tảng iOS. Một trò chơi khác – “Love is All Around” – hướng đến nam giới và tràn ngập các video của những cô gái trẻ gợi cảm tán tỉnh người chơi.

Nỗi lo của giới chức Trung Quốc

Không có gì ngạc nhiên khi chính quyền Trung Quốc tỏ ra lo ngại công nghệ này có thể bị lạm dụng theo những cách tiêu cực. Một số người dùng cho biết họ nhận thấy các câu trả lời của bạn đồng hành AI trở nên ít cảm xúc hơn – có thể là do bị kiểm duyệt hoặc điều chỉnh từ hệ thống.

Nguyên nhân buộc chính phủ Trung Quốc phải hành động đó là xu hướng này có nguy cơ làm trầm trọng thêm xu hướng ngại kết hôn và sinh con ở đất nước từng đứng đầu thế giới về dân số.

Tỷ lệ sinh của Trung Quốc đang thấp đến mức báo động. Trong năm 2024, tổng tỷ suất sinh của Trung Quốc chỉ đạt mức 1,0 – chỉ bằng một nửa so với Ấn Độ và thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Nếu giới trẻ tìm được sự an ủi và thỏa mãn tình cảm trong các mối quan hệ với bạn đồng hành AI thay vì người thật, điều này chắc chắn sẽ không giúp ích gì cho việc tăng tỷ lệ sinh vốn đang ngày càng suy giảm.

Theo The Economist
Copy Link
    Nổi bật
        Mới nhất
        Trung Quốc: Bùng nổ trào lưu “tự tạo người yêu AI” trong giới trẻ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO