Trưng cầu ý dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền

Hà An - Văn Thăng 12/11/2015 17:48

(ĐBNDO) - Khẳng định việc trưng cầu ý dân có nghĩa rất quan trọng trong việc phát huy dân chủ và huy động sự tham gia của người dân vào quá trình xây dựng chính sách, nhiều ý kiến ĐBQH đồng tình với quy định việc trưng cầu ý dân được tổ chức thực hiện trong phạm vi cả nước; đồng thời, cũng cần cung cấp cho nhân dân đầy đủ những vấn đề được đưa ra trưng cầu dân ý. Đây cũng chính là nội dung được các ĐBQH quan tâm tại Phiên thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trưng cầu ý dân sáng 12.11.

Cung cấp cho nhân dân đầy đủ, đúng đắn về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân

Là người mở đầu phát biểu tại Phiên thảo luận sáng nay liên quan ĐBQH Lưu Thành Công (Vĩnh Long) nêu ý kiến, nếu quy định phạm vi điều chỉnh chỉ dừng lại ở nguyên tắc trưng cầu ý dân, thủ tục, quyết định trưng cầu ý dân, kết quả và hiệu lực trưng cầu ý dân là chưa đủ. Trong Dự thảo luật còn một nội dung hết sức quan trọng đó là việc tuyên truyền trưng cầu ý dân. Vì vậy, cần bổ sung thêm trong phạm vi điều chỉnh một nội dung thông tin tuyên truyền về trưng cầu ý dân.

Điều này được đại biểu lý giải, đây là nội dung không thể thiếu trong Dự thảo luật. Phải cung cấp cho nhân dân đầy đủ, đúng đắn về những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân để người dân hiểu rõ nội dung và ý nghĩa của vấn đề; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia trưng cầu ý dân, khuyến khích nhân dân tham gia đầy đủ thể hiện chứng kiến của mình một cách khách quan để lựa chọn quyết định vấn để trưng cầu ý dân đúng với yêu cầu mang lại lợi ích thiết thực cho dân tộc cho đất nước. Các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm trong vấn đề này, lựa chọn nội dung hình thức thông tin tuyên truyền cho phù hợp làm sao tác động trực tiếp sâu rộng đến đời sống, tâm tư tình cảm của người dân. Khuyến khích cử tri tham gia tích cực đầy đủ vào việc bỏ phiếu trưng cầu ý dân đúng theo quy định của pháp luật.

Theo ĐBQH Trần Hồng Thắm (Cần Thơ), thực tế kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, việc trưng cầu ý dân là một phương thức hữu hiệu, trong hoạt động quản lý điều hành của đất nước, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. 

Liên quan đến vấn đề phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật được quy định tại điều 1, Đại biểu Trần Hồng Thắm tán thành với ý kiến cho rằng, trình tự thủ tục trưng cầu ý dân là một trong những nội dung quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến việc tổ chức việc trưng cầu ý dân và kết quả trưng cầu ý dân cần được quy định trong luật để bảo đảm tính thống nhất, thuận tiện trong thực hiện các quy định liên quan đến lập danh sách cử tri và khu vực bỏ phiếu trong các cuộc trưng cầu ý dân. Dù có điểm tương đồng nhất định đối với bầu cử đại biểu QH, HĐND nhưng cũng có nhiều điểm không giống nhau, do đó, luật cần quy định cả nội dung, nguyên tắc, trách nhiệm của các cơ quan và trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân để vừa đề cao vai trò, ý nghĩa quan trọng của vấn đề trưng cầu ý dân vừa bảo đảm để luật có thể thi hành ngay mà không cần các văn bản quy định hướng dẫn chi tiết thi hành, Đại biểu Thắm đề nghị.

ĐBQH Lưu Thành Công Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Lưu Thành Công Ảnh: Quang Khánh

Tổ chức thực hiện trưng cầu ý dân trong phạm vi cả nước

Cho ý kiến về phạm vi tổ chức trưng cầu ý dân quy định tại điều 7 của dự thảo luật, ĐBQH Trần Hồng Thắm tán thành với quy định trưng cầu ý dân được tổ chức thực hiện trong phạm vi cả nước, không bổ sung quy định trưng cầu ý dân ở địa phương. Đại biểu lập luận, Hiến pháp quy định thẩm quyền trưng cầu ý dân thuộc về QH, chính quyền địa phương không có thẩm quyền này. Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp và Luật Tổ chức QH, những vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân là vấn đề Hiến pháp và vấn đề quan trọng của đất nước có ý nghĩa ở tầm quốc gia cần đưa ra để toàn dân quyết định, còn những vấn đề chỉ ảnh hưởng ở phạm vi ở một hoặc một số địa phương thì áp dụng hình thức lấy ý kiến nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành.

Đồng quan điểm này, ĐBQH Trương Thị Ánh (TP Hồ Chí Minh): bày tỏ thống nhất việc tổ chức trưng cầu ý dân được thực hiện trong phạm vi cả nước, nhằm thể hiện sự tập trung cao ý của mỗi người dân trước vận mệnh của quốc gia, dân tộc.

 Khoản c Điều 17 dự thảo luật quy định, QH thảo luận tại phiên họp toàn thể về đề nghị trưng cầu ý dân. Trước khi thảo luận tại phiên họp toàn thể, đề nghị trưng cầu ý dân có thể được thảo luận tại Tổ ĐBQH hoặc Đoàn ĐBQH. Đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định luôn vấn đề này, thảo luận hay không thảo luận tại tổ ĐBQH hoặc Đoàn ĐBQH trước khi đưa ra thảo luận tại phiên toàn thể ở hội trường, luật thì không thể sử dụng từ “có thể”. Trước khi đưa ra thảo luận tại phiên toàn thể nên dành một phiên thảo luận tại tổ hoặc tại đoàn ĐBQH để chúng ta có thêm những ý kiến thực tiễn tại các địa phương, giúp cho việc giải quyết vấn đề của QH sẽ mang tính thực tiễn hơn, khách quan hơn và chính xác hơn. (ĐBQH Lưu Thành Công - Vĩnh Long) 

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trưng cầu ý dân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng nhà nước pháp quyền
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO