Trọng tâm là giáo dục nhân cách

- Thứ Tư, 02/10/2019, 20:26 - Chia sẻ
Đạo đức, lối sống của học sinh, sinh viên hiện nay đang là vấn đề nhức nhối lo ngại cho toàn xã hội. Đây là một trong những thách thức lớn đối với ngành giáo dục, cần có giải pháp tháo gỡ trọng tâm và thường xuyên, trong đó có sự phối hợp hiệu quả giữa gia đình - nhà trường - xã hội. Đây là khẳng định của các chuyên gia giáo dục và tâm lý tại hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của học sinh, sinh viên - Vấn đề và giải pháp” diễn ra sáng 2.10.

Hội thảo nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại diện một số trường, các nhà khoa học và chuyên gia tâm lý giáo dục

Hạn chế nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội

Theo Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, GS.TSKH Nguyễn Cương, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trường phổ thông nói riêng và sinh viên các trường ĐH, CĐ và học viên các trường dạy nghề là một vấn đề cấp bách và lâu dài của ngành giáo dục nước ta. Vấn đề này cần được sự quan tâm lớn, đột xuất và lâu dài trong nhiều năm của Đảng và Nhà nước trong đó ngành giáo dục giữ vai trò chủ đạo

“Nếu làm tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thì sẽ góp phần hạn chế được nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội, tình trạng gian dối trong thi cử và cả tai nạn giao thông…”, GS.TSKH Nguyễn Cương khẳng định.


TS Võ Thế Quân chia sẻ tại hội thảo

Chia sẻ thực tiễn giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong nhà trường, TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ là nhiệm vụ thường xuyên của các nhà trường Việt Nam, trong đó giáo dục đạo đức có vị trí quan trọng hàng đầu.

Từ khi thành lập năm 1991 đến nay, Trường THPT Đông Đô đã kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống học sinh như đưa bộ môn Kỹ năng sống vào chương trình dạy học chính thức trong nhà trường với rất nhiều nội dung phong phú. Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ giáo viên và học sinh với quan điểm “gieo suy nghĩ gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận”. Suy nghĩ tích cực sẽ dẫn đến hành động tích cực, hành động tích cực sẽ dẫn đến kết quả tốt.

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam bổ sung, có biết bao nhiêu vụ việc bê bối về đạo đức, lối sống của giới trẻ mà chúng ta được nghe, được biết trên các mạng xã hội, trong đó có trên 50% số vụ xảy ra trong trường học. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều phía, từ gia đình các em học sinh, từ tập thể lớp học, nhà trường, từ phía xã hội…

Chính vì vậy, giải pháp đưa ra bên cạnh trách nhiệm của gia đình, vai trò của nhà trường thì phải xây dựng tốt và tổ chức hoạt động có hiệu quả cơ chế phối hợp giáo dục giữa gia đình - nhà trường - xã hội. “Những người tham gia trong guồng quay này phải thực sự là những người có tâm huyết, đầy trách nhiệm trong việc giáo dục các chuẩn mực đạo đức cần có cho con, em mình. Các cơ quan chuyên trách về luật pháp cũng phải thực sự kiên quyết trước các hành vi tham nhũng, lừa gạt, dối trá… mới hy vọng dẹp bỏ được các hành vi phi đạo đức nói chung, các hành vi bạo lực học đường nói riêng ra khỏi đời  sống nhà trường hiện nay”, GS.TS Nguyễn Ngọc Phú cho biết.  

Xuất phát từ mục tiêu giáo dục con người

Đi sâu phân tích thực trạng giáo dục đạo đức, lối sống hiện nay của học sinh, TS Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm, (Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, chuyện giáo dục đạo đức hiện nay như một báo động về thế hệ trẻ đã đi chệch con đường đào tạo con người mà chúng ta mong muốn.


TS Nguyễn Văn Hòa phân tích các nguyên nhân trong vấn đề đào tạo con người hiện nay

Theo thầy Hòa, nguyên nhân đầu tiên đó là việc giáo dục đạo đức nhỏ lẻ, không được chú tâm, xem nhẹ, mà hiện nay các nhà trường đang lo lắng và tập trung nhất là chạy theo điểm số, chạy theo thi cử và giáo dục cả nước bị cuốn theo dòng thác thành tích - thi cử. “Mà đã tập trung vào giáo dục chạy theo thành tích - thi cử - điểm số thì việc giáo dục đạo đức nếu không coi là bị xem nhẹ thì cũng không phải là trọng tâm, thường xuyên, làm lấy lệ, hình thức không xuất phát từ mục tiêu giáo dục con người”.

Nguyên nhân thứ hai mà thầy Hòa đề cập đến, đó là phương pháp giáo dục đạo đức của chúng ta nếu không nói đã lỗi thời thì có thể nói chúng ta đã không bắt nhịp được với cuộc sống, không bắt nhịp được với sự thay đổi của nền kinh tế - xã hội, không bắt  nhịp với tâm lý con người và nếu chúng ta cứ làm theo kiểu cũ thì giáo dục đạo đức có làm nhiều hơn nữa, mạnh mẽ đi chăng nữa cũng sẽ bật ra ngoài và không đi vào tâm hồn tuổi trẻ được, không góp phần hình thành con người mới được.

Như thế, giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên là một trong những điều cần làm trong giai đoạn hiện nay, bởi nhân cách là phạm trù tổng hợp biểu thị cốt cách là người, phẩm cách làm người và cách thức để nên người. Theo các chuyên gia, cần lĩnh hội ba mô hình giáo dục nhân cách của tiền nhân: rèn luyện sự giữ gìn nhân tính, rèn luyện sự kiên trì quốc tính và rèn luyện sự khẳng định cá tính.

Nói như thầy Đào Đức Doãn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông cần có sự tham gia của tất cả các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, trong đó Giáo dục công dân là môn học cốt lõi vì đây là môn học giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người công dân. Trong hoàn cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, cần quan tâm, xem xét lâu dài và nghiêm túc vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho người Việt Nam, từ trong các nhà trường.

Bài và ảnh: Hương Sen