Trọng tâm du lịch biển đảo

Thanh Nguyên 26/07/2014 08:43

Các tour du lịch biển đảo chuyên biệt hiện chiếm khoảng 40% tổng số tour du lịch của các công ty lữ hành Việt Nam, còn tour biển đảo kết hợp với các địa danh khác chiếm tới 60%...

Với đa số đơn vị lữ hành, hiện nay tour biển đảo là sản phẩm chủ đạo để thu hút khách du lịch. Đây cũng là điều dễ hiểu khi nước ta có tiềm năng lớn về biển đảo. Theo Tổng cục Du lịch, du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% hoạt động của ngành du lịch và được xem là 1 trong 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Đặc biệt, sau sự việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của nước ta thì hướng về biển đảo để khai thác lợi thế về du lịch và xây dựng ý thức chủ quyền biển đảo là trọng trách của ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành.

Nguồn: dulichtrachnhiem.com
Nguồn: dulichtrachnhiem.com

Phó giám đốc Tiếp thị và Truyền thông Vietravel Nguyễn Minh Mẫn cho biết, hiện 80% tour du lịch nội địa ở Vietravel gắn liền với biển đảo, trừ những tour đi Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Sapa… Đại diện Vietrantour cũng tiết lộ, số lượng tour biển đảo chiếm tới 50% tổng số sản phẩm tour đang được khai thác tại đơn vị này. Đại diện nhiều địa phương có biển đảo và nhiều doanh nghiệp lữ hành nhấn mạnh: khai thác tiềm năng du lịch biển đảo là cách hữu hiệu nhất để khẳng định chủ quyền của Tổ quốc… Đơn cử như Hội An, dù nhiều năm nay, thế mạnh của địa phương này là khai thác sản phẩm du lịch gắn với lịch sử, văn hóa của vùng đất thương cảng xưa, nhưng hiện nay Hội An đã mở rộng không gian du lịch về phía biển đảo và trở thành chiến lược trọng tâm của thành phố. Đây được xác định là cánh tay nối dài cho việc phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch kết hợp giữa đất liền với biển đảo; giữa di sản văn hóa với môi trường, sinh thái, thiên nhiên... Hanoi Redtours khai thác độc quyền 3 tour biển đảo mới, sử dụng đường bay thẳng Hà Nội - Tam Kỳ, Hà Nội - Tuy Hòa đến các địa danh như đảo Lý Sơn, biển Chu Lai, bãi Rạng, biển Tuy Hòa...

Không chỉ dừng ở các bãi biển, đảo gần bờ; nhiều hãng lữ hành mong muốn triển khai tour du lịch ra quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cũng từng khẳng định, về lâu dài sẽ tính đến phát triển du lịch ra các tuyến đảo xa bờ, trong đó có Trường Sa. Đây cũng là cách khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam, cách thể hiện tình yêu đất nước của công dân Việt Nam: ít nhất trong đời một lần được đến Trường Sa, Hoàng Sa - ông Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.

Theo Đề án Phát triển du lịch biển, đảo và vùng ven biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt, vùng biển, đảo và ven biển hiện thu hút rất nhiều khách du lịch, còn nhiều tiềm năng để phát triển nên từ đây đến năm 2020, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, sản phẩm, quảng bá... để đến năm 2020 thu nhập du lịch biển đạt trên 10 tỷ USD. Để đạt mục đích này, ngành du lịch đề ra mục tiêu đến năm 2020 phát triển sáu điểm đến du lịch biển quốc tế có sức cạnh tranh cao trong khu vực gồm Hạ Long - Bái Tử Long - Cát Bà, Lăng Cô - Cảnh Dương, Hội An - Cù Lao Chàm, Nha Trang - Cam Ranh, Phan Thiết - Mũi Né và Phú Quốc. Trong ngắn hạn, kế hoạch đến năm 2015 là hình thành và bước đầu đưa vào sử dụng các cảng du lịch Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và Phú Quốc để khắc phục tình trạng thiếu cảng du lịch chuyên dụng, ảnh hưởng đến dịch vụ cho khách du lịch trong nước và quốc tế như hiện nay.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trọng tâm du lịch biển đảo
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO