Trong tâm bão

Hà Lan 23/09/2011 21:22

Trong bối cảnh tiêu thụ gặp khó khăn, để tránh lượng hàng tồn kho tiếp tục tăng cao, các doanh nghiệp xi măng đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất, thậm chí có doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Nhưng đáng lo hơn cả là vấn đề tài chính.

Theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) Lê Văn Chung, lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành từ đầu năm khá thấp, nhiều đơn vị bị lỗ nặng. Trong 7 doanh nghiệp sản xuất xi măng lớn của Vicem là: Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hà Tiên, Hoàng Mai và Tam Điệp, thì đứng đầu danh sách lỗ là Bỉm Sơn và Hà Tiên. Riêng quý II.2011, Công ty Xi măng Bỉm Sơn đã lỗ gần 22 tỷ đồng, Hà Tiên lỗ 7 tỷ đồng. Nguyên nhân do chi phí tài chính tăng, gánh nặng nợ vay để đầu tư vào nhà máy, trạm nghiền mới tương đối lớn đồng thời, mặt bằng lãi suất cao trong những tháng đầu năm đã khiến cho chi phí lãi vay của các doanh nghiệp trong ngành tăng mạnh. Ngoài ra, nợ vay bằng ngoại tệ chiếm tỷ trọng khá lớn, nên ngoài chi phí lãi, các doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá khá lớn khi VND mất giá. Cụ thể, chi phí tài chính của Công ty Xi măng Hà Tiên tăng gần 340 tỷ đồng do lãi vay vốn lưu động, lãi vay ngắn và dài hạn của các dự án mới và chênh lệch tỷ giá. Bỉm Sơn cũng phải chi thêm gần 238 tỷ đồng do lãi vay vốn của dự án mới. Khó khăn về tài chính cũng thể hiện qua việc một số dự án đang đầu tư không thể vay vốn để hoàn thành như dự án như: Xi măng Hương Giang - Bắc Giang, Xi măng Mai Sơn - Sơn La....

Những tháng cuối năm dự báo sẽ vô cùng khó khăn do áp lực trả nợ vốn vay năm 2011. Thậm chí, nếu dùng 100% lợi nhuận sau thuế để trả nợ thì nguồn trả nợ của các đơn vị thành viên Vicem vẫn thiếu khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Báo cáo của Bộ Xây dựng cũng cho thấy, tổng dư nợ của 16 dự án xi măng trên tính đến tháng 8.2011 là hơn 900 triệu USD. Trong 16 dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh, có 4 dự án đang gặp khó khăn về khả năng trả nợ, gồm nhà máy xi măng Hoàng Mai, Tam Điệp, Thái Nguyên và Đồng Bành. Do đó, Bộ Tài chính phải trả nợ thay do đến kỳ trả nợ mà các đơn vị này không có khả năng trả.

Khó khăn của nhiều doanh nghiệp xi măng hiện nay không hẳn chỉ do tác động của chính sách chống lạm phát của Chính phủ, mà đã xuất hiện từ mấy năm trước. Để duy trì dòng tiền, hòng có thể trả được các khoản nợ khi đến hạn thanh toán trong điều kiện thị trường cung vượt cầu, nhiều doanh nghiệp xi măng chưa có tên tuổi đã chọn giải pháp hạ giá bán thành phẩm để cạnh tranh, thậm chí là bán dưới giá thành. Nhưng khiếm khuyết của cơ quan quản lý nhà nước cũng góp phần không nhỏ vào những khó khăn của ngành này. Nhà nước đã không kiểm soát được chất lượng thiết bị và công nghệ nhập khẩu; công tác quản lý quy hoạch không chặt chẽ; công tác dự báo thị trường còn nhiều khiếm khuyết...

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Hy vọng, với bản quy hoạch này, ngành xi măng sẽ dần thoát khỏi tâm bão.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trong tâm bão
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO