Chính sách đối ngoại của tân Thủ tướng Nhật Bản

Trọng tâm Ấn Độ - Thái Bình Dương?

- Thứ Ba, 22/09/2020, 08:41 - Chia sẻ
Trong cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây, tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó vấn đề “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và cởi mở” (FOIP) được nhấn mạnh đặc biệt.

Từ "chiến lược" đến "tầm nhìn"

Ý tưởng về việc xây dựng khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra lần đầu vào năm 2017 tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Chiến lược này thể hiện sự quan tâm của người đứng đầu Nhà Trắng đương nhiệm đối với khu vực, thậm chí coi đây là ưu tiên hàng đầu, là địa bàn chiến lược quan trọng để tập trung đầu tư phát triển an ninh, kinh tế cũng như quyết tâm thực hiện cam kết đối với các đồng minh, đối tác trong khu vực.

Ngày 2.6.2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó là James Mattis đã công bố FOIP trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La tại Singapore, đồng thời xác định rõ phương hướng, mục tiêu, con đường thúc đẩy chiến lược này. Bản thân Tổng thống Donald Trump đã dành thời gian cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thông qua nhiều chuyến thăm khu vực. Một cơ chế mới là hội nghị ngoại trưởng nhóm Bộ tứ, gồm: Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã được tái khởi động năm 2019 và nhóm họp theo định kỳ hằng năm. Đây cũng là 4 trụ cột trong FOIP mà Washington thiết lập.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, dưới thời cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, việc cân bằng lợi ích trong nước, chủ nghĩa đa phương và hợp tác toàn cầu, nhất là trong thế giới hậu Covid-19, là mục tiêu hàng đầu. Tokyo vẫn được coi là nước giữ vững ổn định hệ thống do Mỹ lãnh đạo và các quy tắc quốc tế. Thực tế, Thủ tướng Shinzo Abe còn khái niệm hóa công thức chiến lược dựa trên giá trị toàn cầu của một Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở ngay từ năm 2016.

Kể từ đó, Nhật Bản đã điều chỉnh một cách thực tế khái niệm FOIP từ “Chiến lược” (FOIP 1.0) trở thành “Tầm nhìn” (FOIP 2.0). FOIP 1.0 là chiến lược tập trung vào Trung Quốc. Nhưng trước sự khó lường trong cách tiếp cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các đồng minh, việc quản lý các lợi ích địa kinh tế trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã thử thách các lựa chọn chính sách của cựu Thủ tướng Abe. Vì vậy, FOIP 2.0 được điều chỉnh như một cấu trúc hợp tác hơn. Mục tiêu của Nhật Bản là tránh để FOIP trở thành chiến lược gây chia rẽ nhằm huy động sự ủng hộ của ASEAN.

Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương ngày càng trở thành khu vực địa chính trị của thế giới

Lý do để tiếp nối

Trong bài báo trên East Asia Forum, tác giả Tomohiko Satake, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu quốc phòng quốc gia Nhật Bản, đã viết, kể từ khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố từ chức ngày 28.8, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về chính sách đối ngoại tương lai của xứ sở Phù Tang. Trong đó, liệu FOIP có tiếp tục được duy trì tích cực dưới thời tân Thủ tướng Yoshihide Suga hay không? Nhất là khi Nhật Bản đang phải đối mặt với nhiều khó khăn như thâm hụt tài chính khổng lồ do phải chi tiêu quá nhiều cho công tác chống lại tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Thực tế, GDP của nước này đã giảm kỷ lục 27,8% trong giai đoạn từ tháng 4 - 6.

Vì vậy, mặc dù trọng tâm của chính quyền mới là phục hồi kinh tế nội địa, nhưng tác giả Tomohiko đã liệt kê được 4 lý do Thủ tướng Suga nhiều khả năng sẽ tiếp tục thực hiện chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, trong đó có FOIP.

Trước hết, ông Suga từng khẳng định rõ trong chiến dịch tranh cử vào chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) rằng sẽ tiếp bước chính sách đối ngoại của ông Abe. Thứ hai, không có nhiều khả năng chính quyền của Thủ tướng Suga sẽ làm suy yếu cam kết của mình đối với tầm nhìn FOIP, vốn đã được Mỹ và các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương xác nhận.

Thực tế, một trong những thành tựu to lớn của chính quyền cựu Thủ tướng Abe là khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận ra tầm quan trọng của FOIP. Người Mỹ thậm chí còn coi đây là chiến lược khu vực của mình. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhất là vào thời điểm các nước trong khu vực ngày càng lo ngại về việc liệu chính quyền của Tổng thống Donald Trump có cam kết tham gia với châu Á và Thái Bình Dương hay không. Hơn nữa, ngoài Mỹ, các cường quốc khác trong khu vực như Australia và Ấn Độ cũng hoan nghênh tầm nhìn FOIP, cũng như nhất trí hợp tác để hiện thực hóa nó. Với việc Mỹ và các nước khác tiếp tục tán thành tầm nhìn FOIP và ông Suga vẫn coi liên minh Mỹ - Nhật là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, chắc chắn Nhật Bản sẽ không quay lưng lại với FOIP.

Thứ ba, tầm nhìn FOIP ngày càng được thể chế hóa trong bộ máy chính sách đối ngoại của Tokyo như được nhấn mạnh trong Hướng dẫn Chương trình quốc phòng quốc gia của Nhật Bản cho năm tài chính 2019. Bản thân Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng thành lập bộ phận Ấn Độ - Thái Bình Dương trong Cục Chính sách Quốc phòng để giải quyết các vấn đề liên quan đến ASEAN và Thái Bình Dương… Mặc dù chưa rõ khi nào Chính phủ mới sẽ công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới, nhưng nhiều khả năng việc theo đuổi tầm nhìn FOIP sẽ giữ vị trí nổi bật trong Chiến lược này.

Cuối cùng, và có lẽ quan trọng nhất, tầm nhìn FOIP của Nhật Bản đã dần phát triển trong những thập kỷ qua bằng cách phản ánh thực tế địa chiến lược đang thay đổi trong khu vực. Chẳng hạn, trọng tâm chiến lược của Nhật Bản đối với Australia và Ấn Độ từng bắt đầu ngay từ những năm 2000 khi sự hiện diện trong khu vực của Trung Quốc bắt đầu tăng nhanh.

Trong bối cảnh đất nước gấu trúc đang trỗi dậy mạnh mẽ, xứ sở hoa anh đào buộc phải hợp tác với các cường quốc Ấn Độ - Thái Bình Dương như Mỹ, Ấn Độ và Australia, cũng như các nước châu Âu, để duy trì cân bằng quyền lực khu vực, vốn vô cùng cần thiết để điều chỉnh mối quan hệ Nhật - Trung. Điều này ngày càng trở nên cấp thiết khi Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự trong khu vực, bao gồm cả ở các vùng biển xung quanh Nhật Bản.

Ngọc Minh