Ý kiến:

Trồng rừng thay thế phải thực chất

- Chủ Nhật, 08/11/2020, 07:14 - Chia sẻ

Lý Tiết Hạnh

ĐBQH tỉnh Bình Định

Để có một cánh rừng phải trải qua hàng trăm, hàng nghìn năm. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững vẫn còn một số vấn đề cần phải quan tâm. Tôi kiến nghị trước khi quyết định việc phân loại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế cần hết sức cân nhắc, thận trọng.

Ảnh: Quang Khánh

Trước hết, về việc trồng rừng thay thế phải hết sức thực chất. Không chỉ thay thế về diện tích, độ bao phủ mà phải chọn cây, chọn giống, chọn và bảo tồn gen, bảo đảm chức năng phòng hộ và sinh thủy. Tôi kiến nghị Chính phủ đánh giá rõ hơn về tỷ lệ các loại rừng hiện nay trong đánh giá chung về độ che phủ và xem xét việc trồng rừng thay thế và rừng kinh tế cho phù hợp.

Thứ hai, tôi kiến nghị thận trọng và hạn chế tối đa việc chuyển đổi rừng nghèo và quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm việc chiếm dụng đất rừng tự nhiên. Thực tế cho thấy, có những khu rừng nghèo, những bụi và nguyên thủy thì nó vẫn là rừng tự nhiên và có chức năng là rừng phòng hộ nhưng bị chặt phá, vì nhiều lý do khách quan, bây giờ chỉ còn là bụi, nhưng vị trí đó, giá trị đó vẫn còn giữ nguyên. Nay chúng ta đưa vào quy hoạch rừng nghèo và chúng ta có lý do để chuyển đổi mục đích. Tôi đề nghị hết sức thận trọng. Mặc dù những rừng cây này có thể có chỗ, có điểm giá trị kinh tế không cao, nhưng tác dụng và giá trị rất lớn trong việc bảo vệ các tầng địa chất. 

Liên quan đến vấn đề an toàn hồ, đập, tôi rất trân trọng kết quả của Đoàn giám sát về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, đưa ra bức tranh toàn cảnh rất rõ. Đối với các tỉnh miền Trung, địa hình dốc cũng là "phễu" hứng trọn nắng nóng, hạn hán, mưa lũ 4 mùa và đây cũng là những tỉnh có tỷ lệ người dân sống bằng nghề nông rất cao. Các hồ đập hiện có ở khu vực miền Trung nói chung và ở Bình Định nói riêng đang xuống cấp rất nghiêm trọng. Lý do là đều đã được xây dựng từ rất lâu, có những hồ đập xây từ thời bao cấp, cộng với địa hình, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nên tỷ lệ xuống cấp của các hồ đập ở khu vực miền Trung rất nhanh. Vì vậy, tôi kiến nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư nâng cấp các hồ, đập, không để các hồ, đập này sẽ trở thành những nguy cơ, những "quả bom nước" đe dọa trực tiếp đến cuộc sống sinh kế và tính mạng của người dân.

Bình Định hiện có trên 6.600 tàu đánh bắt xa bờ, trong đó có trên 3.300 tàu trực tiếp hoạt động ở khu vực Trường Sa và Hoàng Sa. Dân vùng biển, để đóng được một tàu ra khơi phải tốn kinh phí rất lớn, tiền tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng. Mặc dù nghề biển luôn luôn đối mặt với những hiểm nguy, sóng gió và thực tế hiện nay cũng rất nhiều khó khăn, ngư trường, số lượng cá không còn dồi dào như trước đây. Tuy nhiên, lực lượng ngư dân miền Trung, trong đó có Bình Định vẫn kiên cường bám biển, giữ nghề truyền thống vừa mưu sinh, đồng thời cũng là "cột mốc sống" làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Để phát triển nghề cá bền vững, bên cạnh việc phát triển đội tàu, bồi dưỡng nguồn nhân lực, rất cần sự đầu tư hạ tầng đồng bộ. Tuy nhiên, thực trạng hạ tầng bảo đảm cho nghề cá hiện nay ở các tỉnh miền Trung nói chung và ở Bình Định nói riêng đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Ngay tại Bình Định hiện các khu neo đậu tàu thuyền tránh, trú bão đã quá tải và lại thêm địa hình của các tỉnh miền Trung là bãi ngang, thường xuyên bị bồi lấp, thì những tàu nhỏ vẫn hoạt động được, vẫn đi vào tránh trú bão thuận lợi. Tuy nhiên, đối với những tàu lớn, đặc biệt hiện nay, theo Nghị định 67 chúng ta đóng những tàu với công suất rất lớn thì việc đi ra vào các khu tránh, trú bão này cực kỳ khó khăn. Không những thế, ngay cả hạ tầng, cảng cá cũng đã xuống cấp, chưa kể khu neo đậu tàu thuyền vẫn bị quá tải và xuống cấp, chưa có kinh phí để đầu tư nâng cấp. Đã có những trường hợp tàu tránh, trú bão cách bờ nhưng không có chỗ neo đậu thì vẫn bị chìm tàu và bị chết người.

Tôi kiến nghị Chính phủ rà soát, ưu tiên đầu tư hạ tầng nghề cá, trước mắt cần xây dựng, nâng cấp các khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Đồng thời, rà soát những chính sách cho ngư dân, trong đó có Nghị định 67 cần được tiếp tục triển khai. 

Nguyễn Vũ lược ghi

Nguyễn Vũ