Trống quân Bùi Xá

- Thứ Hai, 20/07/2009, 00:00 - Chia sẻ
Nhắc đến Bắc Ninh, người ta thường nghĩ ngay đến quan họ mà ít ai biết đến một loại hình ca nhạc dân gian đã tồn tại qua 7 thế kỷ giờ vẫn được người dân gìn giữ và phát triển. Đó là hát trống quân thôn Bùi Xá, Ninh Xá, Thuận Thành.

04-trong-quan-20109-300.jpg

Theo lời cụ Phạm Công Ngát, liền anh hát trống quân cao tuổi nhất thôn Bùi Xá cho biết: “Hát trống quân Bùi Xá ra đời vào khoảng thế kỷ XIII và tồn tại mãi đến những năm 60 của thế kỷ trước”.

Gần 40 năm trống quân Bùi Xá không còn được giới thiệu, quan tâm tưởng chừng đã mai một. Nhưng nó vẫn âm ỉ sống trong tâm trí những lão niên trong thôn. Năm 2003, Phòng VHTT Thuận Thành đã thành lập một phường trống quân và đưa đi tham dự hội diễn văn nghệ do tỉnh Bắc Ninh tổ chức. Thật bất ngờ, tiết mục hát trống quân được đánh giá cao, tạo niềm tin cho các nghệ nhân hát trống quân Bùi Xá.

Trở về sau hội diễn, các cụ cao niên như cụ Phạm Công Ngát, cụ Vũ Thị Kiểm... đã quyết định mở một phường hát mà các cụ đã từng tham gia gần 40 năm trước. Các cụ chính là những hạt nhân thổi bùng lên ngọn lửa văn nghệ trong lòng người dân Bùi Xá. Tháng 10.2008 được sự hỗ trợ của Phòng VHTT Thuận Thành, tại Bùi Xá đã mở lớp dạy trống quân cho thanh thiếu niên. Thông báo được gửi về từng gia đình, các bạn trẻ tham gia rất hào hứng. Người ở tuổi trung niên cũng ra đình xin học hát.

Cụ Ngát cho biết: bản thân các cụ cũng học hát từ khi còn rất nhỏ đến khi 15-16 tuổi đã trở thành liền anh, liền chị trong phường hát trống quân của làng. Đến nay, tại Bùi Xá đã thành lập được 3 câu lạc bộ hát trống quân ở các lứa tuổi, hàng tuần đều tổ chức hát trống quân giao lưu giữa các đội.

Theo Trưởng phòng VHTT Thuận Thành Lê Xuân Bắc, trống quân Bùi Xá thường được mở hội từ mồng 10-20.8 hàng năm khi mùa màng đã xong. Trước đó vài tháng, dân làng chọn những nam thanh nữ tú lập thành 2 đội tập luyện để biểu diễn trong chính hội. Một canh hát trống quân có thể kéo dài đến vài ngày. Đầu tiên là tiết mục chào hỏi giao lưu, mời nước, mời trầu, nhưng hấp dẫn và sôi nổi, thu hút đông người xem nhất là màn xướng họa. Người hát hạ đối phương bằng câu  hát. Để họa được hàng trăm câu đố như vậy người hát phải là người hiểu biết, linh hoạt trong câu hát. Đó cũng là điểm khác biệt giữa trống quân Bùi Xá và trống quân các vùng khác. Theo Gs Phạm Minh Khang, chuyên gia nghiên cứu âm nhạc: “Nếu như trống quân Đức Bác, Vĩnh Phúc trong suốt canh hát như kể một câu chuyện, trống quân Phú Thọ mang tính chất nghi lễ... thì trống quân Bùi Xá lại mang tính chất thi đấu. Mặc dù ca từ của những câu hát trong trống quân Bùi Xá rất mộc mạc nhưng lại hàm chứa ý nghĩa giáo dục sâu sắc”.

Một điều nữa khiến trống quân Bùi Xá khác trống quân ở các vùng khác là những người hát trống quân trong phường được gọi là liền anh, liền chị và khi kết thúc canh hát có màn giã bạn. Cách hát của hát trống quân Bùi Xá cũng mang đặc trưng riêng như người hát luôn sử dụng điệp từ, nhấn từ, đặc biệt là có lối hát “dở giọng”. Giải thích cho sự khác biệt trên, Gs Phạm Minh Khang cho biết: “Sở dĩ người hát phải thêm một số làn điệu vào là để cho điệu hát phong phú và đỡ gây cảm giác nhàm chán cho người nghe”. Không dừng lại ở sự gìn giữ ca từ mà các cụ cao niên trong phường hát trống quân Bùi Xá còn lưu giữ được một nhạc cụ cổ, nói đúng hơn là rất nguyên thủy gắn liền với hát trống quân - đàn trống quân (hay còn gọi là Thồ Cổ, trống đất). Phường hát trống quân Bùi xá cũng có sự giao lưu với các phường khác như Dạ Trạch, Hưng Yên, có năm còn lên tận Bắc Lệ, Lạng Sơn hát đối mấy ngày đêm…

Giờ đây, cứ vào buổi trưa tại đình làng Bùi Xá, các cụ cao niên trong làng lại say sưa truyền lại vốn âm nhạc dân gian cho thế hệ kế tiếp. Trước mỗi buổi học hát, các cụ thường kể cho đám con cháu nghe về lịch sử hát trống quân thôn Bùi Xá để các em hiểu và yêu thích loại hình âm nhạc dân gian đã góp phần làm nên những chiến công hiển hách của cha ông.

Nguyễn Hà An