Trông nom hội họa truyền thống
Hội họa phương Đông truyền thống có xu hướng gắn kết với quá khứ. Thật khó mà tin rằng nghệ thuật này vẫn sống và phát triển, nhờ công lớn của họa sỹ Hàn Quốc Huh Dal-jae.

“Ngày nay, khó tìm thấy những bức tranh phương Đông trong các triển lãm hay phòng trưng bày”, anh Joo Min-young, 26 tuổi, người phụ trách Phòng triển lãm Park Ryu Sook nói, “chúng hầu như chỉ còn trong lịch sử hay các bảo tàng mỹ thuật”.
Tuy nhiên, người yêu mỹ thuật có thể bắt gặp một số bức họa phương Đông hiện đại ở Phòng Triển lãm Park Ryu Sook Gallery, nơi họa sỹ Huh Dal-jae đang tổ chức một cuộc trưng bày.

Là cháu của họa sỹ phương Đông lừng danh Huh Back-ryun, Huh Dal-jae đang giới thiệu một loạt tác phẩm mới, minh chứng rằng hội họa phương Đông sẽ không bao giờ lạc hậu. Từng theo học một trong những bậc thầy của phong cách hội họa trí thức (namjonghwa), Huh đang mang truyền thống xưa vào thế kỷ XXI. “Những bức tranh của đất nước chúng ta có thể chia thành hai thể loại chính: Bukjonghwa và namjonghwa”, họa sỹ 56 tuổi giải thích trong một cuộc phỏng vấn của tờ The Korea Herald, “Những bức tranh cung điện hay chân dung của các vị vua được gọi là bukjonghwa. Bukjonghwa sử dụng những màu sắc mạnh và rất hiện thực. Namjonghwa thì dựa vào mực đen và ít tính hiện thực hơn”. Huh thừa hưởng từ gia sản namjonghwa mang tính trừu tượng nhiều hơn của người ông. Nhưng ông biết không thể lôi cuốn công chúng hiện đại với namjonghwa trong tình trạng nguyên gốc của nó. Ông cần phát triển phong cách này để phù hợp với thời đại đang thay đổi.
“Thời trước, khi tôi học từ ông tôi, người ta vẽ theo thời điểm đó”, Huh nói, “Giờ đây, khi sống trong thời kỳ hiện tại, những gì tôi ăn, mặc và đi lại, tất cả đều thay đổi. Vì thế tôi vẽ tranh cho phù hợp với những thay đổi”.

Tiến trình mỹ thuật của Huh kéo dài đến ngày nay đã mang lại cho ông danh hiệu: Bậc thầy vĩ đại của namjonghwa mới (neo-namjonghwa). Không phụ sự trông đợi của công chúng, Huh đã đưa nghệ thuật của mình tiến thêm một bước nữa trong cuộc trưng bày mới nhất.
“Khoảng không gian trống trên bức vẽ sơn dầu đã được giảm đi”, Huh giải thích, “những màu sắc được tô đậm hơn. Tốc độ của những nét vẽ cũng thay đổi. Và bố cục của bức tranh đã trở nên đơn giản hơn”.

Nhìn những bông hoa đỏ lựu tỏa trên nền vàng mơ nhẹ, tốc độ của nét vẽ tăng dần và nhiều cánh hoa căng rụng xuống phần trắng khác của tranh sơn dầu, dường như toát lên sự hài hòa hoàn hảo với tính thẩm mỹ của thời nay.
Tuy nhiên, nghệ sỹ người vùng Gwangju này rất cẩn thận để không chệch hướng quá xa so với namjonghwa truyền thống. “Tôi giữ Jeong Joong Dong và sinh khí của năng lượng”, Huh nói, “Điều quan trọng nhất của hội họa phương Đông là sinh khí của năng lượng”.

Theo Huh, Jeong Joong Dong có liên quan tới sự cân bằng giữa sự yên lặng và sự chuyển động, “Jeong” có nghĩa là “sự yên tĩnh” (stillness), “Joong” có nghĩa là “giữa” (in between) và “Dong” có nghĩa là “sự chuyển động” (movement). Dựa trên lý thuyết này, việc vẽ tranh trở thành sự thương lượng giữa sự thanh bình và hành động. Theo nhà quản lý Joo Min-young, đó là “sự yên tĩnh của chuyển động”.
Bản thân Huh Dal-jae cũng tin rằng việc duy trì sinh khí của năng lượng trong tranh của mình là không kém quan trọng. Và để minh họa cho ý của mình, ông so sánh nó với việc nấu ăn. “Nếu bạn luộc rau bina quá lửa, nó sẽ trở nên mềm nhũn. Bạn cần phải đun nó một cách từ từ và giữ được chất của rau bina”.
Ngắm vũ điệu hoa của Huh trên giấy màu dâu chín Hàn Quốc, con mắt hiện đại có thể cảm thấy chuyển động của nó, năng lượng của nó và yêu thích vẻ đẹp của hội họa phương Đông thông qua những nét vẽ của họa sỹ này.
Hoàng Diễm
Theo The Korea Herald