
Sông nước Chè – dòng kết nối linh thiêng
Câu chuyện từ việt kiều Trần Chi Lan, theo chồng sinh sống tại Singapore từ lâu thật khiến người nghe, người đọc khó tin. Chị không phải là họa sỹ, cũng chưa từng đặt chân đến vùng Phước Sơn, Quảng Nam, cũng không biết đến sân bay Khâm Đức. Ấy vậy mà chỉ từ câu chuyện hỏi thăm cô giáo cũ là người thân của liệt sỹ Khuất Quang Phiệt, thuộc Tiểu đoàn Đặc công D409, hy sinh trận Núi Quế, huyện Quế Sơn, Quảng Nam ngày 11.5.1969, chị Lan đã có duyên biết đến 17 liệt sĩ D404 thông qua facebook của các đồng đội Tiểu đoàn Đặc công còn sống. Và từ sự kết nối linh thiêng ấy... ý tưởng vẽ Bức tranh “Sông nước Chè – Quảng Nam” được hình thành.
Thật cảm động, từ bức ảnh của cựu chiến binh Hoàng Chúc - chiến sỹ Tiểu đoàn Đặc công D404, hiện đang sinh sống tại Thái Nguyên, chị Trần Chi Lan đã mau chóng hoàn thiện bức tranh “Sông nước Chè – Quảng Nam” theo một góc nhìn khác so với bức ảnh. Dường như có sự giao thoa Chị với các liệt sỹ đặc công D404 nên nét vẽ của người mới theo học vẽ này mới “thật” đến nỗi, em Ngọc – một người dân, đồng thời cũng là chủ nhân khu vườn – nơi các liệt sỹ được tìm thấy phải thốt lên: Giống quá, không thể tin được!

Khi đọc lại lịch sử trận đánh và trò chuyện thêm với những người cao tuổi ở Khâm Đức chúng tôi mới biết, khúc sông Chè là địa bàn hoạt động quen thuộc của 17 liệt sỹ. Đây cũng là khúc sông, các bác, các chú phải vượt qua để tập kích sân bay Khâm Đức, đánh một trận quyết tử với Lữ đoàn 196 của Lục quân Mỹ mở đường chi viện từ miền Bắc vào miền Nam và đã vĩnh viễn hy sinh vào rạng sáng ngày 5.8.1970. Có lẽ vì thế nên hình ảnh rừng cây, con đường, khúc sông, hoàng hôn và những ráng chiều đủ sắc màu, đẹp đến mê hồn đã in đậm trong tâm khảm của các liệt sỹ. Để đến 50 năm sau, khi được tìm thấy, các bác, các chú vẫn muốn mang theo phần ký ức oanh liệt ấy cùng về khu Nghĩa trang Phước Sơn!
Hình ảnh dũng cảm chiến đấu hy sinh của các liệt sỹ, sự lan tỏa yêu thương, khâm phục và lòng biết ơn đã dẫn dắt cho tác giả bức tranh đến gần hơn với thân nhân liệt sỹ. Đây cũng là dịp một người bạn của chị Trần Chi Lan là Nhà giáo Trần Thị Thanh Thảo – Hiệu trưởng trường THCS Trưng Vương thôi thúc từ tấm lòng vào tận nơi 17 liệt sỹ hy sinh, dâng bức tranh linh thiêng “Sông nước Chè - Quảng Nam”. Người Hiệu trường, nhà giáo đầy lòng trắc ẩn nơi mái trường THCS Trưng Vương hơn 100 năm tuổi và cũng là nơi chứng kiến sự hy sinh của 24 chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô và 3 dân quân. Dưới sân trường, vẫn còn hơn 10 liệt sỹ anh dũng nằm lại- Nhà giáo chia sẻ.
Kỳ tích của 10 năm
Vào buổi chiều 1.6.2020, những ai quan tâm đến lĩnh vực người có công đều vô cùng xúc động khi biết tin, đã tìm thấy những di vật đầu tiên của 17 liệt sỹ đặc công hy sinh trong trận đánh sân bay Khâm Đức, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam rạng sáng 5.8.1970. Những dòng tin lay động tấm lòng đồng đội còn sống!

Tấm bản đồ do cựu chiến binh Randy Fleetwood - người phụ trách chôn cất 17 liệt sỹ đặc công tại sân bay Khâm Đức năm 1970 vẽ
Khi hồi tưởng lại cả quá trình tìm kiếm, cựu chiến binh Hoàng Chúc và cựu chiến binh Phạm Công Hưởng – đồng đội cùng đơn vị của 17 liệt sỹ đặc công D404 cũng cảm nhận rằng, cuộc tìm kiếm dường như có một sự dẫn dắt, mách bảo, thôi thúc từ các liệt sỹ; cuộc tìm kiếm ngày càng gần với các anh hơn và càng thu hút nhiều người tham gia, hỗ trợ bằng nhiều cách khác nhau với các thông tin ngược dòng lịch sử từ nhiều phía, nhiều nguồn ngày một rõ hơn.
Hơn 10 năm trước, tình cờ xem được video trên mạng của cựu binh Mỹ ghi lại hình ảnh cuộc chiến tàn khốc ở sân bay Khâm Đức năm 1970, "từ giây phút đó, ý định phải tìm cho được 17 tiền bối của mình bùng nổ mạnh mẽ hơn bao giờ hết” – cựu binh Phạm Công Hưởng tâm sự. Nghĩ là làm! Năm 2011, hai cựu chiến binh bắt đầu chiến dịch tìm kiếm với sự giúp sức ban đầu của gần 60 người cùng đơn vị D404 trước đây. Lúc này, chiến trường năm xưa giờ đã nhiều thay đổi nên khó xác định được vị trí. Cuộc tìm kiếm ngày càng rơi vào bế tắc.
Đến năm 2013, manh mối “sáng” hơn khi cựu phóng viên chiến trường Mỹ - Christopher Jensen đưa lên Youtube video dài hơn 6 phút ghi lại cảnh bộ đội đặc công Việt Nam tử vong ở sân bay Khâm Đức. Qua phân tích, ông Hưởng xác định, đây là hình ảnh trận đánh đêm 5-8-1970 khiến 17 chiến sĩ đặc công hy sinh. Với những chứng cứ mới và thông thạo tiếng Anh, ông Hưởng tìm mọi cách liên hệ với Christopher Jensen thông qua Skype (Ứng dụng nhắn tin và gọi video miễn phí); được phía bạn cung cấp nhiều thông tin quý, giúp ông hoàn thiện bản đồ mô phỏng vị trí chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ đặc công. Tuy nhiên, từ bản vẽ đến thực địa tìm kiếm không hề đơn giản, phần vì sai số, phần vì sự biến đổi của địa hình.
Khó khăn, thách thức chồng chất dần qua đi; sự kỳ công, tỷ mỉ và lòng nhớ thương đồng đội đã đưa các cựu binh tới chỗ các anh nằm… Bây giờ, 17 liệt sỹ Tiểu đoàn Đặc công D404 đã được về yên nghỉ trong cùng một nấm mộ tại Nghĩa trang huyện Phước Sơn, Quảng Nam. Thân xác và linh hồn bất tử của các bác, các chú vĩnh viễn cùng nhau hòa quyện vào sông nước Chè – nơi đã từng chứng kiến khoảnh khắc hào hùng nhất của 17 chàng trai anh dũng năm nào. Những người ở lại như ông Chúc, ông Hưởng, chị Trần Chi Lan, nhà giáo Trần Thị Thanh Thảo, Mạc Thị Thanh Bình, những đồng đội D404 và nhất là thân nhân của các liệt sỹ đã có thể mãn nguyện…
Bầu trời Phước Sơn trong vắt nắng ngày chúng tôi đến - ngày 14.7.2020. Tận mắt nhìn những khoảnh đất trống vừa được đào xới; tận mắt cầm những nắm đất đã ôm ấp thân thể các liệt sỹ trong suốt 50 năm qua… mà không khỏi nghẹn ngào; nước mắt vẫn rơi trong bầu trời hòa bình, hạnh phúc. Bầu trời ấy có các anh - 17 chiến sĩ tiểu đoàn đặc công D404.
Chiến tranh là thế! Mất mát và chia ly! Nhưng cũng thật ấm lòng khi sau 50 năm, Họ đã cùng nhau đi tìm lại đồng đội của mình. Và chắc chắn, đây sẽ là điểm tựa cho nỗ lực hợp tác khơi gợi mọi nguồn lực trong tìm kiếm liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Từ đó mở ra hướng đi thuận lợi cho các cuộc tìm kiếm sau này!
Nhân kỷ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27.7.1947 – 27.7.2020), các thầy cô giáo trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã quyên góp, ủng hộ số tiền 30 triệu đồng để tu bổ, tôn tạo Di tích Anh linh đài ở huyện Quế Sơn và Nghĩa trang Phước Sơn thuộc tỉnh Quảng Nam.