Trống cơm và Đàn bầu: Các anh tài làm “rung lòng người sâu thẳm”

Lần đầu tiên, màn trình diễn “Trống Cơm” cùng tiếng đàn bầu vút cao đủ cung bậc thăng trầm đã khiến hàng vạn khán giả xúc động. Một giai điệu dân gian quen thuộc được trình diễn trên sân khấu hiện đại bỗng trở thành một hiện tượng, lọt luôn Top Xu hướng âm nhạc trên mạng xã hội, sau khi vừa công chiếu trên Đài Truyền hình Việt Nam. Đó không phải là một điều dễ trong thế giới văn hóa đại chúng hôm nay. 

Dòng chảy của văn hóa…

Trong chương trình "Anh trai vượt ngàn chông gai" phát sóng trên VTV3 ngày 27.7, 3 anh tài nghệ sĩ thuộc 2 thế hệ là NSND Tự Long, Soobin Hoàng Sơn và Cường Seven đã mang tới màn trình diễn mãn nhãn, đầy thuyết phục.

Dựa trên yêu cầu chỉ cho phép sáng tạo không quá 50%, 3 nghệ sĩ nhà Sao Sáng quyết định cải biên “Trống cơm” thành một sản phẩm mang đậm màu sắc âm nhạc đương đại. Lần đầu tiên làn điệu dân ca quen thuộc vùng Bắc Bộ được viết mới theo thể loại rap, R&B… Đặc biệt, sự kết hợp ăn ý của nghệ sĩ Tự Long với hai nam ca sĩ thuộc thế hệ 9X thực sự cho thấy dòng chảy của văn hoá nghìn năm vẫn cuộn chảy trong lòng thế hệ trẻ.

Trống cơm và Đàn bầu: Các anh tài làm “rung lòng người sâu thẳm” -0
Màn trình diễn "Trống cơm" với làn điệu dân ca được trình diễn trên sân khấu hiện đại

Chia sẻ về tiết mục của 3 anh tài nhóm Sao Sáng, nhạc sĩ Thuỵ Kha - một nhà nghiên cứu âm nhạc và văn hóa hơn 50 năm - tỏ ra rất thích thú. Theo vị nhạc sĩ, trống cơm là loại nhạc cụ đã có từ lâu đời. Trống cơm có hình dáng thuôn dài với 2 mặt da, cái tên trống cơm bắt nguồn từ hành động định âm bằng cách lấy cơm nếp xoa vào hai mặt trống. 

“Ông cha ta sử dụng trống cơm chủ yếu ở vùng Kinh Bắc, với làn điệu vui vẻ, cùng những lời hát đùa cợt cho những ngày đi làm về, lễ hội, nghỉ ngơi của người dân”, vị nhạc sĩ nói.

Như thế, làn điệu dân ca “Trống cơm” từ lâu đã mang đậm văn hóa dân tộc, gắn chặt với đời sống hằng ngày của người Việt Nam thuở xưa.

Sự thổi hồn của hiện đại

Tại sân khấu “Anh trai vượt ngàn chông gai”, NSND Tự Long từng khẳng định: Bản Trống cơm của Sao Sáng sẽ chưa từng có trong làng nhạc Việt. 

Cụ thể ở phần mở màn, 3 Anh tài Tự Long, Soobin và Cường Seven đã sử dụng hình ảnh áo dài, khăn đóng vui ca để diễn tả khung cảnh xưa cũ tại làng quê Việt Nam. Và khi tiếng trống của nghệ sĩ Tự Long vang lên dồn dập, các chàng trai chuyển qua vũ đạo mạnh mẽ, tái hiện hào khí sục sôi của dân tộc khi phải bảo vệ bờ cõi. Và cuối cùng, kết thúc màn biểu diễn là tiếng đàn bầu của Soobin cùng màn múa cờ hoa vút lên, tượng trưng cho chiến thắng, cho thời kỳ dân tộc Việt Nam chủ động hội nhập và mang văn hóa ra quốc tế. Chính đường dây xuyên suốt của tiết mục này đã làm cho khán giả không khỏi ngỡ ngàng, bình luận “nổi gai ốc”, “đỉnh nóc kịch trần”…, bởi tiết mục đã khiến cho những làn điệu dân ca chạm đến trái tim của người trẻ, thông qua việc tái hiện dòng chảy văn hoá một cách tài tình. 

Trống cơm và Đàn bầu: Các anh tài làm “rung lòng người sâu thẳm” -0
Trống cơm xuất hiện trên sân khấu, trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội
Trống cơm và Đàn bầu: Các anh tài làm “rung lòng người sâu thẳm” -0
Các nghệ sĩ mang trống cơm lên sân khấu biểu diễn

Đặc biệt, với cách biến đổi làn điệu mang hơi hướng trẻ trung, những đoạn rap, nhảy kết hợp với tiếng đàn, tiếng trống truyền thống… càng chứng tỏ được khát vọng kể câu chuyện tiếp nối văn hoá, giúp người trẻ hiểu, tiếp cận nhiều và thêm yêu vốn cổ của dân tộc.

Kết thúc buổi biểu diễn, NSND Tự Long xúc động: "Đây không phải là bài hát trọn vẹn, Trống cơm chỉ là một điệu hát. Chương trình đã cho chúng tôi 49% để sáng tác một tác phẩm mới, những gì chúng tôi làm vẫn giữ lại nguyên sơ những nét văn hóa. Chúng tôi muốn làm mới giai điệu của Trống cơm nhưng không mất đi bản sắc dân tộc. Đối tượng của chúng tôi có thể là các thế hệ 6x, 7x cũng có thể là 2000, 2030… nhưng họ vẫn thích nghe Trống cơm, và chúng tôi làm giàu kho tàng văn hóa Việt Nam”.

Ngoài Tự Long, Soobin cũng chia sẻ bản thân nam ca sĩ đã từng học và chơi nhạc cụ đàn bầu, nhưng chính con đường âm nhạc của mình khiến anh ít khi có cơ hội thực hiện. “Anh trai vượt ngàn chông gai” là sân khấu duy nhất giúp anh thực hiện được ước mơ từ thời niên thiếu. "Có lẽ trong cuộc đời sự nghiệp của mình sẽ khó có một sân khấu nào mình được chơi lại đàn bầu với nhiều cảm xúc như sân khấu Trống Cơm này. Với sân khấu thứ 2 này, mình muốn tri ân tới người thầy đầu tiên trong cuộc đời, người đã đưa mình đến với âm nhạc, đưa mình biết tới đàn bầu, biết tới những âm hưởng của dân gian, dân tộc, người kết nối linh hồn của mình với nghệ thuật. Đó chính là bố mình - NSND Nguyễn Huỳnh Tú", nam ca sĩ chia sẻ.

Sau đêm công diễn, hàng vạn khán giả đã bày tỏ sự yêu mến, xúc động với tiết mục này. “Tôi đã khóc khi tiếng đàn của Soobin cất lên”, “Một làn điệu dân ca mộc mạc lại mang đậm ý chí hào hùng của dân tộc. Thật khâm phục Sao Sáng”, “Nhờ những tiết mục như này, người trẻ như mình mới cảm thấy yêu mến hơn dòng chảy lịch sử, văn hoá của cha ông ta”… Hàng loạt bình luận được khán giả trẻ để lại dưới phần trình diễn, gợi đến những cảm xúc tuyệt vời về cây đàn độc huyền (một dây) duy nhất chỉ có ở Việt Nam, với “cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha”, mỗi khi cất lên đều có thể “rung lòng người sâu thẳm”. 

Trống cơm và Đàn bầu: Các anh tài làm “rung lòng người sâu thẳm” -0
Tiết mục được dàn dựng công phu với sự kết hợp ấn tượng của âm thanh, ánh sáng

Trước bản hoà tấu mới mẻ này, nhạc sĩ Thuỵ Kha mong muốn những nghệ sĩ trẻ sẽ tiếp tục sáng tạo thêm những màn trình diễn mang đậm văn hoá lịch sử dân tộc. Đồng thời, vị nhạc sĩ đánh giá cao những cống hiến của NSND Tự Long, Soobin, Cường Seven mang đến chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”.

“Những giá trị văn hóa rất quan trọng! Bởi nếu chúng ta phủi nó đi, không gìn giữ cẩn thận thì tất cả sẽ dễ dàng mất đi…”, nhạc sĩ Thuỵ Kha nói.

Văn hóa

Chương trình tôn vinh nét đặc sắc của văn hóa cố đô Huế
Văn hóa

Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô

Đêm nhạc Huế Symphony - Bản giao hưởng cố đô , với sự kết hợp giữa dàn nhạc giao hưởng, nhạc điện tử và nhạc truyền thống, sẽ diễn ra vào tối 19 - 20.10, tại Nhà hát Sông Hương, thành phố Huế.

Giữ truyền thống và tạo sức sống mới cho làng nghề
Văn hóa - Thể thao

Đan quyện tinh hoa và sáng tạo

Là “đất trăm nghề”, Hà Nội đang từng bước nâng tầm sản phẩm thủ công, thổi làn gió mới vào giá trị truyền thống; sự kết hợp hài hòa giữa tinh hoa văn hóa truyền thống và sáng tạo hiện đại không chỉ giúp bảo tồn bản sắc thủ đô, mà còn tạo ra những sản phẩm có giá trị, tìm lại sức sống cho làng nghề.

Đình Đông Thành: Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô
Văn hóa

Đình Đông Thành: Nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa tâm linh của Thủ đô

Đình Đông Thành hay còn gọi là Chân Thiên Quán được khởi dựng vào cuối thế kỷ 18 đầu thế kỷ 19. Xưa thuộc thôn Đông Thành Thị tổng Tiền Túc (sau đổi thành tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nay Đình tọa lạc tại số 7 phố Hàng Vải, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.

Triển lãm nhiếp ảnh 'Hà Nội - Một thời để nhớ': Lật tìm ký ức từ 'nhật ký' ảnh đen trắng
Văn hóa

Triển lãm nhiếp ảnh 'Hà Nội - Một thời để nhớ': Lật tìm ký ức từ 'nhật ký' ảnh đen trắng

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), 86 bức ảnh đen trắng của hai nhiếp ảnh gia Lê Bích và Andy Soloman (Anh) chụp từ năm 1992 - 2012, được trưng bày tại Triển lãm nhiếp ảnh “Hà Nội - Một thời để nhớ”, giúp người xem cảm nhận, hiểu hơn một giai đoạn biến chuyển của Hà Nội.