Trợ lực phát triển lâm nghiệp bền vững
Với phạm vi điều chỉnh rộng, chính sách tài chính cụ thể và lộ trình rõ ràng, Nghị quyết quy định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn vừa được HĐND tỉnh thông qua được kỳ vọng sẽ trở thành trợ lực giúp Quảng Ninh hiện thực hóa chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững.
Hỗ trợ toàn diện các hoạt động lâm nghiệp
Sở hữu nhiều tiềm năng, thời gian qua, Quảng Ninh tập trung triển khai đồng bộ giải pháp giúp người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng bền vững, hướng tới nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường. Mặc dù vậy, dư địa phát triển lâm nghiệp địa phương vẫn được khai thác tương xứng.
Nhận diện rõ thực tế này, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã tập trung xây dựng một loạt chính sách hỗ trợ đa dạng, từ bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, trồng rừng sản xuất, đến phát triển giống cây lâm nghiệp, đầu tư cơ sở sản xuất giống... Tổng kinh phí thực hiện lên tới hơn 112 tỷ đồng mỗi năm và được bố trí trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

Theo đó, mức hỗ trợ chi phí bảo vệ rừng đặc dụng và rừng phòng hộ được quy định cụ thể là 150.000 đồng/ha/năm, với mức ưu đãi cao hơn là 225.000 đồng/ha/năm cho khu vực ven biển. Đáng chú ý, các hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư trực tiếp tham gia vào hoạt động bảo vệ rừng cũng được hưởng mức hỗ trợ tương đương. Bên cạnh đó, ngân sách tỉnh còn chi trả chi phí lập hồ sơ ban đầu với mức 50.000 đồng/ha, cùng với chi phí phục vụ công tác quản lý, kiểm tra và nghiệm thu, chiếm 7% trên tổng kinh phí hỗ trợ hằng năm.
Đối với hoạt động khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, mức hỗ trợ được quy định là 1 triệu đồng/ha/năm trong vòng 6 năm và tăng lên 1,5 triệu đồng/ha/năm đối với các khu vực ven biển, nơi có vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng hộ và bảo vệ môi trường. Trong trường hợp có trồng bổ sung cây, mức hỗ trợ còn cao hơn nữa, lên tới 2 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 1 triệu đồng/ha/năm trong 3 năm tiếp theo.
Không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ và tái sinh, phát triển rừng sản xuất cũng được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm trong nghị quyết này. Cụ thể, mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất là 15 triệu đồng/ha/chu kỳ, bao gồm toàn bộ chi phí giống, vật tư, phân bón và nhân công. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ 500.000 đồng/ha trong 4 năm cho hoạt động khuyến lâm, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng cho người dân, cùng với một khoản chi phí khảo sát và thiết kế ban đầu.
Mở ra cơ hội tiếp cận thị trường tiêu chuẩn cao
Việc đầu tư vào cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp cũng được HĐND tỉnh Quảng Ninh xác định là một ưu tiên hàng đầu. Nghị quyết quy định mức hỗ trợ lên tới 55 triệu đồng/ha đối với việc xây dựng vườn giống mới trên diện tích từ 2ha trở lên. Đối với vườn cây lâm nghiệp giống chuyển hóa, mức hỗ trợ là 25 triệu đồng/ha. Đặc biệt, tỉnh còn có chính sách hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng cho các cơ sở giống có quy mô sản xuất từ 1 triệu cây giống/năm trở lên, nhằm đảm bảo nguồn cung giống chất lượng cao và ổn định cho nhu cầu trồng rừng của tỉnh.
Một trong những điểm nổi bật và được đánh giá cao của nghị quyết chính là việc hỗ trợ lãi suất vay tín dụng cho các hoạt động trồng rừng. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng sẽ được hỗ trợ toàn bộ lãi suất theo mức vay thương mại thông thường trong thời gian tối đa là 8 năm. Đối với các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng rừng, mức hỗ trợ lãi suất cũng tương tự nhưng có thể được áp dụng một cách linh hoạt hơn tùy theo quy mô và đặc thù của từng dự án, cũng như thời gian hoàn vốn. Ngoài ra, nghị quyết còn hỗ trợ 400.000 đồng/ha cho mỗi phương án quản lý rừng bền vững được xây dựng và cấp chứng chỉ FSC (Forest Stewardship Council).
Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Khiếu Anh Tú đánh giá, việc HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức đầu tư, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là đòn bẩy rất quan trọng, giúp người dân Kỳ Thượng và nhiều địa phương có lợi thế phát triển lâm nghiệp trong toàn tỉnh có thêm điều kiện phát triển kinh tế rừng theo hướng bền vững, hiệu quả.