Trở lực của phát triển...

- Thứ Ba, 27/04/2021, 08:10 - Chia sẻ
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra hồi tháng 7.2020, khi đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nêu thực tế: Trách nhiệm của một số bộ, ngành trong xử lý công việc chung chưa cao. Công việc thuộc trách nhiệm, thẩm quyền nhưng không dám làm, thiếu quyết liệt, né tránh, thậm chí "đẩy" lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Có địa phương vẫn còn tư tưởng trông chờ, phụ thuộc, tư duy cũ, chậm phản ứng với những vấn đề phát sinh...

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của không ít bộ, ngành, địa phương lại được nêu ra. Bởi trên thực tế đã từng xảy ra những việc lẽ ra trách nhiệm xử lý thuộc về địa phương hoặc các bộ, ngành nhưng với rất nhiều lý do, sự việc lại được “đẩy” lên trên với các “vỏ bọc” xin hoặc chờ ý kiến chỉ đạo. Và đương nhiên, khi đã có những “vỏ bọc” này thì trách nhiệm của các bộ, ngành địa phương là “chờ”... Điển hình cho việc này có thể kể đến công trình xây dựng tại số 8B Lê Trực, TP Hà Nội. Những sai phạm ở đây đã rất rõ ràng. Trách nhiệm của các bên cũng không còn gì phải bàn cãi. Vậy nhưng sau đó, sự việc vẫn nhùng nhằng, kéo dài, gây bức xúc dư luận. Phải đến khi Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ (nay là Chủ tịch Quốc hội) chỉ đạo quyết liệt, mọi việc mới được giải quyết dứt điểm.

Phải khẳng định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng địa phương, bộ, ngành gián tiếp trở thành cấp trung gian, "trung chuyển" trách nhiệm thay vì phải xử lý theo đúng thẩm quyền là sợ, là ngại phải chịu trách nhiệm và quan trọng hơn nữa trình độ, năng lực cán bộ còn hạn chế. Luật Tổ chức chính quyền địa phương đã quy định rõ những việc địa phương được làm và có trách nhiệm phải làm. Việc phân cấp, phân quyền cho các bộ, ngành cũng đã được thực hiện từ lâu nhưng đáng tiếc kỷ luật công vụ đôi khi đã không được thực hiện nghiêm. Cũng bởi vậy mà ngay những ngày đầu của nhiệm kỳ 2021 - 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 45/NQ - CP, trong đó nêu rõ việc chỉ đạo, điều hành, giao nhiệm vụ phải rõ ràng, cụ thể về chủ thể chịu trách nhiệm và bảo đảm tính khả thi.

Là phải thường xuyên đôn đốc, đánh giá, kiểm tra, giám sát đến kết quả cuối cùng, đồng thời đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đến từng cá nhân gắn với kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Thực hiện khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; tăng cường kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới, sáng tạo và khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Chủ động xử lý công việc theo thẩm quyền, tăng cường phối hợp, không đùn đẩy trách nhiệm; bảo đảm hiệu quả, thực chất, tránh phô trương, hình thức.

Theo Từ điển tiếng Việt, trách nhiệm có nghĩa là điều phải làm, phải gánh vác hoặc phải nhận lấy về mình; là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải chịu phần hậu quả. Bởi vậy, không có lý do gì có thể biện hộ cho việc cán bộ, công chức, viên chức dù đã được phân công nhiệm vụ lại thoái thác không thực hiện hoặc thực hiện kiểu nửa vời.

Né tránh, đùn đẩy trách nhiệm là một trong những trở lực của phát triển, gây lãng phí lớn, thậm chí gây mất niềm tin. Bởi vậy, nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã từng phát biểu rằng nếu cứ ngại, cứ sợ, cứ né tránh trách nhiệm... thì làm sao xã hội, đất nước phát triển được trong khi quyền lực đó, trách nhiệm đó thuộc về các đồng chí? Vậy nên đã đến lúc không chỉ nêu hiện tượng nữa mà cần có chế tài cụ thể, nghiêm khắc. Phải rõ ràng rằng việc thuộc cấp nào quản lý thì cấp đó phải quyết định, giải quyết. Đặc biệt phải xóa bỏ tư tưởng "an phận thủ thường" vì làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm không sai...!

Ninh Hà