Trở lại với Khổng tử
Sau nhiều năm nỗ lực học hỏi các lý thuyết phương Tây để cố gắng trở thành một quốc gia hiện đại, giờ đây, Trung Quốc một lần nữa lại hướng nội, về với thời kỳ hoàng kim của các triết gia cổ đại như Khổng tử và Trang tử.

Sự say mê những giá trị cổ xưa – được gán cho cái tên cơn sốt quốc học (môn học nghiên cứu về văn hóa truyền thống Trung Quốc) – đã khiến cho một vài thành phố khôi phục trường tư thục, nơi các học sinh phải cúi đầu trước tượng Khổng tử và học thuộc lòng các bài giảng về tam cương, ngũ thường dưới sự giám hộ của các giáo viên mặc trang phục thời Hán. Sách đương đại phân tích các kinh điển trở thành tác phẩm bán chạy và các bài giảng trên truyền hình, trong đó các giáo sư đại học trình bày chi tiết về các lĩnh vực chuyên biệt của lịch sử và văn hóa Trung Quốc, đã thu hút tới hàng chục triệu người xem.
Nhưng có lẽ, trong cơn sốt quốc học ấy, biểu tượng đáng chú ý nhất là cuốn Luận ngữ tâm đắc của tác giả Vu Đan, một giáo sư về truyền thông tại đại học sư phạm Bắc Kinh, hiện đã bán được 4,2 triệu bản chính thức và 6 triệu bản in lậu kể từ khi xuất bản vào tháng 12 năm ngoái. Tác phẩm này, hiện vẫn đang nằm trong danh sách bán chạy nhất, dựa vào bảy bài giảng mà Vu đã trình bày trên kênh truyền hình CCTV 10 mùa thu năm ngoái. Chỉ đơn giản là sự giải nghĩa mang đậm nét cá nhân về Luận ngữ, một tác phẩm thường được cho là của Khổng tử nhưng thực chất lại do các học trò của ông viết ra, cuốn sách đưa ra giả thuyết có phần không chính thống: “Đừng nên nghĩ rằng Luận ngữ của Khổng giáo là quá cao đến mức chúng ta chỉ có thể ngắm nhìn. Thật ra, Luận ngữ dành để dạy chúng ta cách làm thế nào để đạt được hạnh phúc tinh thần, điều chỉnh những thói quen hàng ngày và tìm ra vị trí của mình trong xã hội hiện đại.”
Thông qua Luận ngữ, Vu Đan chọn tìm các đoạn trích và những câu chuyện hỗ trợ cho mục đích hoàn thiện cá nhân, pha trộn chúng cùng với những quan điểm của Phật giáo, Đạo giáo, Hegel và Tagore rồi kết nối chúng cùng với những mẩu chuyện rút ra từ cuộc sống hiện đại. Trong Luận ngữ, một văn bản quan trọng của triết lý Khổng giáo, thống trị (các nhà phê bình sẽ nói là áp bức) Trung Quốc trong gần hai thiên niên kỷ qua, Vu Đan đã tìm ra những lời khuyên cho việc giải tỏa stress, tha thứ, sống đơn giản, hữu hảo và cách đạt được ước mơ.
Dưới ngòi bút của bà, câu chuyện nổi tiếng Khổng tử nói với một học trò, kẻ than phiền về việc không có anh chị em, “nếu con là bậc quân tử, người trong bốn biển này đều là anh em” trở thành một ngụ ngôn về việc học cách từ bỏ sự phiền muộn trước khi chúng hủy hoại bạn. Một số câu nói khó chấp nhận được trong thời hiện đại như “đàn bà và tiểu nhân là hạng khó dạy; gần thì họ nhờn xa thì họ oán” đã bị lờ đi.
“Nhiều điều trong cuốn Luận ngữ hơn hai nghìn năm tuổi này không còn phù hợp với xã hội ngày nay,” Vu Đan giải thích trong một cuộc phỏng vấn giữa hai lần ra mắt tại Thượng Hải và Hắc Long Giang. “Không phải mọi điều trong Luận ngữ đều hay – mà chỉ một số. Tôi nhìn chúng một cách khách quan sau đó tìm ra những điều bổ ích. Ví dụ, tôi dạy mọi người nhấn mạnh đến những khía cạnh tích cực, chứ không phải tiêu cực, trong cuộc sống của họ.”
Bà Vu cho rằng sức hút khủng khiếp của tác phẩm này cũng như của trào lưu quốc học là nhờ các yếu tố lịch sử - kể từ khi bị chỉ trích trong nhiều năm qua, đến nay những tư tưởng truyền thống lại đang được quan tâm sâu sắc - và nhờ những áp lực cuộc sống trong quốc gia đang thay đổi nhanh chóng.
“Vào những năm 1960 và 1970, khi còn trẻ, chúng tôi không có nhiều lựa chọn,” bà giải thích. “Bạn chẳng bao giờ thay đổi công việc hay nhà cửa và làm gì có ai nghĩ đến chuyện đi nước ngoài! Nghèo đói mang đến sự ổn định, không có bất bình đẳng. Nhưng hiện nay mọi thứ đã khác, có nhiều khoảng cách và mọi người cảm thấy không ổn định. Họ muốn tìm ra cách sống một cuộc sống ít lo lắng hơn.”
Sự nổi tiếng đã khiến Vu liên tục bị các nhà báo theo đuổi và các đám đông vây chặt trong các buổi ra mắt trên khắp đất nước – 60.000 người đã có mặt trong một buổi ký tặng sách tại Bắc Kinh. Tháng 7-2007, Vu được chọn là một trong ba người phụ nữ đẹp nhất Trung Quốc. Tuy nhiên bà cũng bị một số người buộc tội về việc đã tầm thường hóa một di sản trí tuệ của trường phái triết học vĩ đại nhất Trung Quốc và tạo ra một món súp gà Khổng giáo cho tâm hồn người Trung Quốc hiện đại.
Những lời chỉ trích như thế đã khiến Vu – người cho biết thích đạo Lão hơn đạo Khổng – bối rối. “Tôi có quyền phát biểu và họ cũng có quyền phát biểu,” Vu nói về những người chỉ trích. “Tôi tin vào tính đa dạng của các ý kiến. Và những người chỉ trích tôi có logic của họ - bạn phải biết rằng một số người trong đó đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu Khổng tử.”
Chừng nào mà cuốn sách này vẫn bán chạy thì công lao và những nhược điểm trong việc giải nghĩa Luận ngữ của Vu vẫn còn được tranh luận. Nhưng đóng góp lớn nhất, cho dù không được định trước, có thể là tia sáng mà nó đã rọi vào sự phổ biến đang tăng lên không ngừng của trào lưu quốc học nói chung và tư tưởng Khổng giáo nói riêng.
Cho đến nay, những người ủng hộ quốc học đã gây được nhiều ảnh hưởng. Trường đại học Nhân dân Trung Quốc danh giá tại Bắc Kinh vào năm 2005, đã mở Trường Quốc học và thậm chí còn dựng tượng Khổng tử. Hiệu trưởng Hu Jintao biến khái niệm Khổng giáo về “một xã hội hòa thuận” thành hòn đá tảng cho hệ tư tưởng quản lý của ông. Nhưng những động thái ấy cùng với Luận ngữ tâm đắc đã khiến cho một số nhà quan sát phải đặt dấu hỏi về xu hướng này.
“Một số người mới bị quốc học chinh phục có xu hướng sùng bái nó,” Raymond Zhou, nhà xã luận viết trên tờ Nhật báo Trung Hoa tháng 6-2007, trong đó chỉ trích một hiệu trưởng đã quỳ xuống khi nhận 5000 ấn bản một cuốn sách vỡ lòng của Khổng giáo dành cho trẻ em. “Thực chất, họ muốn trở lại thời xưa” khi quốc học “là một thế lực đàn áp hơn là một nguồn cảm hứng.”
Quả thật, ngay cả Vu cũng tin rằng sự sùng bái này đã lên quá cao. Bà nói: “Cơn sốt quốc học là điều không tốt. Bạn cần có sự bình tĩnh và thái độ thành thật hướng về nó. Chúng ta không thể một lần nữa quay về chỉ với chỉ một thứ lý thuyết. Văn hóa Trung Quốc và phương Tây phải bổ sung lẫn nhau”.
Đăng Ngọc
Theo IHT