Trò diễn thủy chiến trong hội làng
Hội làng Khê Hồi mở trong lễ hội chung của các làng thuộc tổng Hà Hồi, diễn ra từ ngày 14 – 17.3 ( ÂL) hàng năm. Sau các nghi thức tế lễ, làng Khê Hồi sẽ tiến hành tục diễn trò thủy chiến trên ao đình làng, một trò diễn độc đáo trong các trò hội của cư dân đồng bằng Bắc bộ.
Làng văn hiến của Hà Nội xưa
Làng Khê Hồi, xã Hà Hồi, tổng Hà Hồi (nay là xã Hà Hồi, Thường Tín, Hà Nội) từ xưa đã nổi tiếng là một vùng quê văn vật, có truyền thống về khoa bảng ở phía nam kinh thành Thăng Long. Men theo đường tỉnh lộ 71 cũ một quãng không xa là tới chùa Khê Hồi cổ kính, nơi còn lưu giữ nhiều di vật cổ, trong đó có bộ ván gỗ khắc kinh Phật quý hiếm. Tiếp đó, ta tới cổng tam quan hoành tráng của ngôi đình bề thế dưới những cây cổ thụ rợp bóng. Ngay cạnh bãi trước cổng tam quan là ao đình rộng hơn trăm mét, dài chừng nửa cây số uốn khum khum hình vành khăn, đặc biệt vào độ giữa tháng Ba nước đầy ắp và trong xanh. Một cây cầu xây bằng gạch khá lớn, thành cầu có lan can, vòm cầu rộng vươn qua quãng giữa ao đình, tạo thành nơi giấu quân cho trò thủy chiến của hội làng hàng năm. Tại đình Khê Hồi còn lưu giữ được tấm bia công đức hưng công xây dựng từ đời Lê Cảnh Hưng (1740- 1786). Trong làng, còn có nhiều công trình kiến trúc được tạo dựng từ xưa. Đường làng và các ngõ lớn đều lát gạch bổ cau, vẫn bền vững và đẹp.
Cứ đi tiếp, sẽ tới cổng phía đông của làng, cao 2 tầng, có bậc thang lên, tầng trên mái cong, cửa tròn, đắp nổi rồng phượng. Từ xưa, ở cổng này có ngôi giếng làng, thành xây gạch Bát Tràng và đá ong bao quanh. Khê Hồi ngày xưa là làng duy nhất trong huyện Thường Tín có những trụ đặt đèn lồng ven bên đường ngõ chính thắp sáng ban đêm... Những dấu tích đó cho thấy Khê Hồi là một làng văn hiến của Hà Nội xưa.
Độc đáo tục diễn trò thủy chiến
Hội làng Khê Hồi mở trong lễ hội chung của các làng thuộc tổng Hà Hồi, diễn ra từ ngày 14-17.3 (ÂL) hàng năm. Theo lệ, chiều ngày rằm, người Khê Hồi rước kiệu làng mình đến sân đình làng Hà Hồi tụ hội cùng kiệu của các làng khác. Sáng ngày 16 thì bắt đầu một hội rước với nhiều nghi vệ rực rỡ, hoành tráng. Sáng ngày 17, sau cuộc phô diễn tưng bừng, rực rỡ của đám rước các làng thì cờ, kiệu và nghi trượng uy nghiêm đẹp đẽ của mỗi làng, được rước về đình làng, và mỗi làng lại bắt đầu cuộc tế lễ của mình. Sau tế lễ các làng tổ chức các trò diễn. Riêng làng Khê Hồi, sau cuộc tế lễ tiến hành tục diễn trò thủy chiến trên ao đình.
Trước đó khá lâu, dân làng Khê Hồi đã gom những thân cây chuối lớn để ghép thành 6 chiếc bè, và coi đó là những chiến thuyền. Giữa mỗi bè có gắn một hình nhân cầm cờ hiệu hoặc màu đỏ (gọi là quân đỏ), hoặc màu xanh (gọi là quân xanh). Khi bước vào cuộc diễn trò, 3 bè ứng với 3 thê đội quân đỏ, mỗi bè có 6 tráng binh với 6 tay chèo, mình trần, khăn đầu rìu, quần lửng chẽn bó màu đỏ, 1 chủ tướng mặc giáp trụ đỏ, đeo mặt nạ, tay cầm một trong các loại binh khí như đại đao, trường kiếm, trùy đồng, trường thương, xà mâu... Đây là những binh khí bằng gỗ sơn son vẫn bày trong giá bát bửu ở gian tiền tế của đình làng, tượng trưng cho uy dũng của thành hoàng làng, mỗi năm chỉ được dùng duy nhất một lần trong hội xuân. 3 bè ứng với 3 thê đội quân xanh cũng bố trí tương đương, chỉ khác là trang phục màu xanh.
Trò thủy chiến trước cửa đình Khê Hồi là mô phỏng tích Ngô Quyền đánh quân Nam Hán, lại dường như là tích Trần Hưng Đạo đại phá giặc Nguyên Mông, trên sông Bạch Đằng. Khi trống hội khua tưng bừng khai mạc trò diễn, cả 6 “thuyền chiến” của quân xanh, quân đỏ bắt đầu diễu binh trên ao đình chào khán giả. Tiếp sau là cuộc đua bè qua chiều rộng của ao đình. 6 tráng binh là 6 tay chèo trong cuộc thi, trổ hết tài và sức của những tráng đinh nông nghiệp vùng sông nước, trong tiếng chiêng trống và tiếng cổ vũ vang dậy của người đi hội. Phần thưởng cuộc đua chỉ là một lá cờ đuôi nheo nhỏ để bên thắng sẽ cắm trên “chiến thuyền”.
Ngay sau cuộc đua bè là trò thủy chiến, 6 tay chèo trở thành 6 chiến binh. Thường thì quân đỏ ở bờ ao gần đình, quân xanh ở bờ bên kia. Quân xanh tiến sang, quân đỏ ra nghênh chiến. Trong tiếng trống trận thúc liên hồi cùng tiếng reo hò cổ vũ vang dậy từng đợt của khán giả, từng đôi “thuyền chiến” của 2 bên áp sát vào nhau để giao tranh. Tráng binh bên này bỏ mái chèo vọt sang bè bên kia để xô chủ tướng đối phương xuống nước, và ngược lại. Người bị đẩy ngã xuống nước lại gắng sức ngoi lên “chiến thuyền”, để xô đối phương xuống ao. Cứ chiến đấu như thế cho đến khi tất cả tướng sỹ đều ướt như chuột lột, và cũng là lúc các bè chuối đều tan tác. Trận thủy chiến kết thúc mà không bên nào thắng, bên nào thua. Người ta thu gom những binh khí bằng gỗ sơn son, lau rửa thật sạch đưa bày lại trong giá bát bảo của đình làng.
Các cụ cố lão của Khê Hồi thường kể lại cho con cháu hội rước thành hoàng của tổng Hà Hồi cũng như hội rước và trò diễn thủy chiến của riêng làng Khê Hồi ngày xưa, nhất là hội làng và trò thủy chiến vào năm 1953. Đó là lễ hội rất lớn của người Khê Hồi, mấy chục năm trời sau đó không tổ chức hội. Cho đến năm 1994, làng mới bắt đầu khôi phục lễ hội cổ truyền và cả trò diễn thủy chiến cửa đình, một trò diễn mang tinh thần thượng võ, rất độc đáo trong các trò hội của cư dân đồng bằng Bắc bộ vốn nhiều nạn úng lụt hàng năm.