Trò đánh thó ở đền Cuối
Nói đến lễ hội đền Cuối không thể không nhắc đến trò đánh thó (một dạng võ gậy), nét đặc trưng của lễ hội nhằm biểu dương tinh thần thượng võ.

Đền Cuối, còn gọi đền Cối Xuyên, thuộc thôn Hội Xuyên, thị trấn Gia Lộc, Hải Dương, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia, thờ Nguyễn Chế Nghĩa, một danh tướng thời Trần, từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông. Có sách chép, Nguyễn Chế Nghĩa được hơn 80 làng thờ cúng. Đó là những địa phương sinh thời ngài từng đánh giặc. Hội đền Cuối diễn ra trong ba ngày, từ 26-28.8 Âm lịch, bắt nguồn từ tưởng niệm ngày mất của tướng quân Nguyễn Chế Nghĩa (27.8). Dù đã trải qua hơn sáu trăm năm cùng bao sự biến đổi thăng trầm của lịch sử song cả phần lễ lẫn phần hội ở đền Cuối vẫn lưu giữ được những nét độc đáo riêng tự ngày xưa.
Trong lễ rước chính, ngày 27.8, du khách được chiêm ngưỡng các cỗ kiệu lạ mắt. Cỗ ngũ quả gồm chuối, bưởi, cam, đu đủ, phật thủ… bày theo kiểu “thượng tam long, hạ tứ linh”. Cỗ đường, gồm các loại bánh dày, bánh chưng, bánh do, bánh bột lọc... có dán chữ thọ bằng giấy hồng điều. Cỗ thầu, gồm các loại thịt luộc, giò, chả… đựng trong bát tô lớn. Cỗ tam sinh, là lợn, gà, ngan hoặc ngỗng. Ba con vật này làm thịt xong, để thịt sống, tạo dáng như còn sống, trang trí giấy hồng điều, cúng thần xong, chia cho các xóm làm cỗ. Đặc biệt trong lễ hội không thể thiếu được cỗ bò thui. Bò được mổ sau đó đem thui cả con rồi mang vào tế thần, tế xong khiêng về làm cỗ, chia phần cho dân làng. Đây cũng là nét độc đáo chỉ có ở đất này.
Trong những ngày hội có nhiều trò chơi được tổ chức như cờ người, múa lân, múa rồng, bắt vịt, bắt dê, đi cầu kiều, đập niêu... Song nói đến lễ hội đền Cuối không thể không nhắc đến trò đánh thó (một dạng võ gậy). Không như chọi gà, bịt mắt bắt dê… có cũng được không có cũng được, đánh thó là đặc trưng của lễ hội nhằm biểu dương tinh thần thượng võ. Đây là môn võ thuật truyền thống có từ thời Trần mà Nguyễn Chế Nghĩa là người rất điêu luyện. Đánh thó là linh hồn của lễ hội, bởi vậy đền Cuối còn có tên gọi là đền Thó và đó là nét để phân biệt lễ hội đền Cuối với các lễ hội thờ Nguyễn Chế Nghĩa nơi khác.
Đánh thó được thực hiện hai người một, cùng lứa tuổi 17 với chiếc gậy dài khoảng 1,7m. Trong trò này, người cầm trịch (đánh trống thó) là người sành sỏi về thó. Khi trống nổi lên, hai bên ra sân, mỗi người múa một bài để chào nhau, chào quan viên đứng xem. Quy định các miếng đánh rất chặt chẽ. Cấm đánh từ đầu xuống cổ, cấm đánh đòn dọc, cấm đánh dóc mía, cấm hất dốc. Đòn đánh từ khuỷu tay trở ra, từ đầu gối trở xuống không được tính điểm, chỉ tính theo dấu vôi trên quần áo do gậy có nhúng vôi ướt chạm vào.
Vào cuộc, trống đánh ba tiếng một, chậm rãi, sau nhanh dần, dồn dập, thúc giục đôi bên hăng hái công thủ, tiếng gậy chan chát, người xem nín thở hồi hộp. Trước những miếng đánh cấm kỵ, người cầm trịch sẽ gõ vào tang trống ba tiếng “cắc, cắc, cắc”, khô đanh, nghiêm khắc để nhắc nhở, hoặc đánh một hồi dài báo dừng cuộc chơi nếu phạm luật nghiêm trọng. Những miếng đánh hay, trống đánh liên hồi như cổ vũ khích lệ. Không khí lúc này nhộn nhịp hẳn lên, người xem bị cuốn theo nhịp trống. Người Hội Xuyên hầu như ai cũng biết đánh thó. Ngoài lò thó người lớn còn có lò thó trẻ em. Thậm chí những người tóc đã bạc ngày hội vẫn tham gia đánh thó. Mỗi kỳ mở hội, người Hội Xuyên lại mời lò thó các làng Dỗ, làng Tâng, làng Thị Đức tham dự. Bốn lò thó đánh ba ngày liền, có thưởng, có chung kết. Trò đánh thó được người Hội Xuyên cùng khách chơi hội chờ đợi nhiều nhất và luôn gây sửng sốt cũng như lưu lại ấn tượng sâu đậm cho những người ở xa.