Đã được quan tâm đúng mức
Ngày 19.3.2024, thay mặt Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã ký ban hành Chỉ thị số 31-CT/TW (Chỉ thị số 31) về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới.
Chỉ thị cũng nêu rõ, "quản lý chặt chẽ và sử dụng có hiệu quả Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo hướng đóng, hưởng linh hoạt; nâng mức hưởng, mức hỗ trợ phù hợp cho người thụ hưởng bảo đảm ổn định cuộc sống, mở rộng và phát triển nhanh đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước". Do đó, nội dung này khá quan trọng và sẽ được nghiên cứu, sửa đổi trong Luật An toàn, vệ sinh lao động sắp tới.
Trên thực tế, chính sách hỗ nạn nhân của tai nạn lao động và bệnh nghề nghiêp đã được nâng lên một tầm mới với sự chính xác, kịp thời và linh hoạt. Chính sách trợ cấp tai nạn lao động một lần trong năm 2023 là 5.136 người hưởng mới. Cụ thể, 4.977 trường hợp hưởng trợ cấp tai nạn lao động một lần và 159 trường hợp hưởng trợ cấp bệnh nghề nghiệp một lần. Con số này cho thấy, số người hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp qua cả 2 hình thức hàng tháng và một lần của năm 2023 có biến động nhẹ so với năm trước đó.
Trong năm 2023, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng giảm 4,53% (tương ứng giảm 104 người) so với năm 2022. Tuy nhiên, số người giải quyết hưởng mới trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp một lần tăng 3,69% (thêm 183 người) so với năm 2022. Cơ quan bảo hiểm chỉ ra, nguyên nhân chính là do các đơn vị sử dụng lao động thực hiện tương đối nghiêm túc quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm sức khỏe, an toàn cho người lao động.
Đẩy mạnh chi trả không dùng tiền mặt
Công tác chi trả các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện kịp thời, theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, cũng đa dạng hóa các hình thức chi trả, đẩy mạnh việc chi trả qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Báo cáo của BHXH Việt Nam cho hay, "việc triển khai đã nhận được sự quan tâm, phối hợp của các bộ, ngành có liên quan, thực hiện lồng ghép linh hoạt với công tác tuyên truyền ý nghĩa, mục tiêu của chính sách". Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, BHXH Việt Nam thừa nhận, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như tình trạng người sử dụng lao động né tránh, chậm trễ trong việc lập hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động đối với người lao động, chỉ lập hồ sơ giải quyết chế độ ốm đau.
Hay việc thực hiện chi hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại các doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, người hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng qua ATM chỉ tập trung ở khu vực đô thị. Còn với người hưởng tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hạ tầng cơ sở phục vụ chưa đáp ứng được nên số người hưởng qua tài khoản cá nhân còn thấp. Trong khi đó, hiện nay, vẫn chưa có cơ chế kiểm soát tình trạng của chủ thẻ ATM; việc khai thác hết đối tượng phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đặc biệt trong các doanh nghiệp nhỏ còn hạn chế…
Để làm giảm tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra một số giải pháp, kiến nghị, các bộ, ngành chỉ đạo các doanh nghiệp thuộc ngành và lĩnh vực quản lý chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng. Đơn cử như trong lĩnh vực xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ, khoáng sản, đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại, thiết bị nâng, thang máy...
Bộ Y tế tăng cường triển khai hướng dẫn và đôn đốc việc thống kê tai nạn lao động tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Khoản 4 Điều 36 Luật An toàn, vệ sinh lao động và Điều 25 Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15.5.2016 của Chính phủ và gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp theo đúng quy định; tăng cường, kiểm tra, chấn chỉnh việc quan trắc môi trường lao động.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường thanh tra, kiểm tra chấp hành quy định an toàn lao động. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn lao động cho từng ngành nghề, và lĩnh vực.