Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Trình Quốc hội 2 phương án về đánh giá sơ bộ tác động môi trường

- Thứ Tư, 14/10/2020, 19:17 - Chia sẻ
Chiều 14.10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến (lần 2) về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu điều hành phiên họp

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày cho biết, về phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường (Điều 29), nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính thống nhất với Luật Chuyển giao công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Ủy ban nhận thấy cần căn cứ vào quy mô, tính chất và mức độ tác động đến môi trường để phân loại dự án phải thực hiện thủ tục môi trường cho phù hợp.

Tại dự thảo Luật đã bổ sung làm rõ hơn tiêu chí để phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường như tại Khoản 1, Điều 29 theo 4 nhóm là có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao; có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ trung bình; ít có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và giao Chính phủ quy định danh mục cụ thể.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, những quy định này nhằm thống nhất các tiêu chí về môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường. Việc chỉnh lý phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường còn bảo đảm tính thống nhất với Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Về đánh giá sơ bộ tác động môi trường (Điều 30), dự thảo Luật trình 2 phương án. Theo đó, phương án 1 là phân loại dự án theo Luật Đầu tư công để xác định đối tượng dự án phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường (bao gồm các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C). Như vậy thì các dự án đầu tư công dù quy mô nhỏ và không có cấu phần xây dựng cũng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường.

Phương án 2 là dựa trên cơ sở phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường và quy định chỉ các dự án thuộc nhóm I (Nhóm có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao) mới là đối tượng phải thực hiện. Phương án này ưu điểm là có thể áp dụng các tiêu chí phân biệt mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xuyên suốt trong việc xác định đối tượng phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường. Đồng thời, đã thể hiện lại “Đánh giá sơ bộ tác động môi trường” thay cho “Đánh giá tác động môi trường sơ bộ” để bảo đảm thống nhất với Luật Đầu tư công và các Luật liên quan. Như vậy, đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá sơ bộ tác động môi trường thu hẹp hơn so với Luật Đầu tư công; nội dung đánh giá sơ bộ tác động môi trường là một phần trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc đề xuất dự án đầu tư.

Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với phương án 2 về đánh giá sơ bộ tác động môi trường của dự thảo Luật.

Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Tuy nhiên, về đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần có 2 phương án để trình Quốc hội cho ý kiến. Cụ thể, phương án 1 là đánh giá sơ bộ tác động môi trường với tất cả dự án kể cả công và tư vì thông qua đánh giá sơ bộ sẽ loại được các công trình, dự án có ảnh hưởng tới môi trường. Phương án 2 là chỉ đánh giá sơ bộ tác động môi trường với các dự án nhóm I, còn lại là không đánh giá.

Trung Thành