Trình diễn - tôn vinh - bảo vệ trang phục các dân tộc Việt Nam

Cao Sơn 30/11/2011 07:26

Chương trình Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất năm 2011 đã thực sự là cuộc tổng kiểm kê toàn diện nhất từ trước đến nay về trang phục truyền thống của các dân tộc Việt Nam. Việc kiểm đếm, đánh giá chất lượng cho thấy nếu không sớm có biện pháp bảo tồn thì ngay cả trang phục truyền thống của các dân tộc đa số cũng đứng trước nguy cơ mai một.

Đêm tôn vinh - điểm nhấn của chương trình Trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất năm 2011 diễn ra trong không gian mở của sân khấu tròn Quảng trường Tây Nguyên, thuộc Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Sự trình diễn tự tin của 233 diễn viên không chuyên trong các trang phục truyền thống đa sắc màu, đậm bản sắc văn hóa của từng dân tộc khiến nhiều khán giả xúc động. Tất cả trang phục đều thể hiện sự tinh tế, độc đáo của từng dân tộc, dù đó là trang phục trong cuộc sống hàng ngày, trang phục lễ hội hay trang phục mặc trong ngày cưới...

Trang phục người Kinh
Trang phục người Kinh

Mỗi bộ trang phục có kiểu dáng, họa tiết, chất liệu khác nhau. Thầy mo Lưu Đình Bạo, người dân tộc Tày (Bắc Kạn) vui vẻ giới thiệu: trang phục của dân tộc chúng tôi thường chỉ có một màu chàm và đều do phụ nữ Tày tự dệt, nhuộm và may vá nên. Trang phục đơn giản, tiện lợi trong sinh hoạt hàng ngày nên thanh niên nam nữ đều thích mặc. Vì thế mà trang phục truyền thống của người Tày được gìn giữ, bảo tồn đúng với nguyên gốc xưa. Ngay cả trang phục của các thầy mo dùng trong các lễ hát then, lễ cấp sắc cũng được các gia đình cố công gìn giữ và truyền qua nhiều đời. Chúng tôi coi đó là báu vật cần phải trân trọng, gìn giữ để lại cho các thế hệ con cháu sau này.

Còn theo anh Hồ Văn Ninh, người dân tộc Cor (Quảng Ngãi), do người dân tộc anh không có nghề dệt vải nên thường mua vải của các dân tộc khác để tạo trang phục. Trang phục của nam là đóng khố, cởi trần và trong các dịp lễ tế thần thì khoác thêm tấm vải. Nét riêng của trang phục là những chiếc lục lạc nhỏ bằng đồng đeo trên khố hoặc kết thành vòng đeo ở cổ tạo nên tiếng kêu khi di chuyển hoặc nhảy múa. Trang phục nữ là váy quấn, áo yếm và áo cộc tay. Nét đặc sắc của trang phục nữ là những chuỗi hạt cườm bằng đá quý đeo ở cổ hoặc ở thắt lưng. Với những bộ trang phục cổ còn lưu giữ được thì hạt cườm có nguồn gốc từ Nhật Bản. “Người Cor đều có ý thức gìn giữ trang phục truyền thống của mình, coi đây là nét văn hóa và là niềm tự hào của dân tộc. Chính vì thế, đến với chương trình trình diễn trang phục truyền thống lần này chúng tôi đem đến những bộ trang phục cổ đã truyền qua 3 - 4 đời”, anh Hồ Văn Ninh nói.

Trình diễn - tôn vinh - bảo vệ trang phục các dân tộc Việt Nam ảnh 2
Trang phục người Pà Thẻn
Trình diễn - tôn vinh - bảo vệ trang phục các dân tộc Việt Nam ảnh 3
Trang phục người Cor

Xúng xính trong bộ trang phục mới, em Vừ Thị Dính, dân tộc Mông (Điện Biên) cho biết, bộ trang phục do mẹ em may và em rất thích, bởi nó có nhiều hoa văn tinh tế, thể hiện được nét đẹp của thiếu nữ Mông. Hơn nữa chính em trực tiếp thêu hoa văn, họa tiết lên thân váy và tự tay làm, khâu chiếc thắt lưng bằng thổ cẩm. Vừ Thị Dính cho biết, sau lần đi trình diễn trang phục truyền thống về, em sẽ nói với mẹ để mẹ dạy cách làm trang phục của dân tộc mình...

Tuy nhiên, cuộc trình diễn vẫn còn nốt trầm buồn khi có những đại diện cho cả một tộc người ra sân khấu với bộ trang phục mới được khôi phục theo... trí nhớ của người già, thiếu sự chuẩn xác và nét đặc trưng văn hóa. Không ít chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số ngỡ ngàng khi lần đầu tiên được khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của chính dân tộc mình. Thậm chí, có dân tộc lên sân khấu với trang phục quần bò, áo sơmi kèm lời giải thích: chưa tìm lại và khôi phục được trang phục truyền thống. Phát biểu tại đêm tôn vinh, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng bày tỏ sự lo ngại khi trang phục dân tộc, đặc biệt là trang phục của một số dân tộc thiểu số đang có nguy cơ bị mai một, pha trộn, lai căng, thậm chí không còn giữ được bản sắc và dần vắng bóng trong đời sống hàng ngày. Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nhấn mạnh rằng, trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam thực sự là di sản văn hóa có giá trị cần phải được coi trọng bảo tồn...

Trang phục người Chăm
Trang phục người Chăm

Cuộc trình diễn văn hóa đa sắc màu của 54 dân tộc anh em đã khép lại với nhiều dư âm đẹp, vừa đạt được mục đích tôn vinh vẻ đẹp của trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam, vừa khích lệ người dân tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng qua sự kiện này, các cơ quan chức năng có cái nhìn toàn diện về thực trạng trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam hiện nay, từ đó có sớm giải pháp để bảo tồn, khôi phục, bởi trang phục là một yếu tố làm nên bản sắc của mỗi dân tộc.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Trình diễn - tôn vinh - bảo vệ trang phục các dân tộc Việt Nam
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO