Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên

- Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:09 - Chia sẻ
UBND TP. Hà Nội mới đây đã ban hành Quyết định về việc cắt giảm, tiết kiệm thêm chi thường xuyên ngân sách cấp thành phố năm 2021. Theo đó, TP. Hà Nội quyết định cắt giảm, tiết kiệm thêm gần 830,4 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên để bổ sung dự phòng ngân sách cấp TP. Hà Nội năm 2021 và gần 3,9 tỷ đồng dự toán chi thường xuyên từ nguồn thu phí được để lại nhằm tạo nguồn lực phục vụ phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ tài chính, ngân sách TP. Hà Nội những tháng cuối năm 2021.

Trong điều kiện ngân sách eo hẹp như hiện nay, việc cắt giảm chi thường xuyên được coi là yêu cầu quan trọng nhằm tái cơ cấu chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn. Và điều quan trọng là, việc cắt giảm chi thường xuyên sẽ giúp tăng nguồn chi cho đầu tư phát triển - yếu tố quan trọng để bảo đảm phát triển bền vững. Đặc biệt, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hiện nay, khi chúng ta phải dành một khoản kinh phí không nhỏ ưu tiên cho công tác phòng, chống dịch, thì cắt giảm chi thường xuyên càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Ngay trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.2021, Chính phủ đã thống nhất cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, xác định tăng đầu tư phát triển và nhiệm vụ an ninh, quốc phòng cần thiết.

Trong cơ cấu chi thường xuyên hiện nay, tỷ trọng chi tiền lương, chi cho con người chiếm khoảng 61 - 62%. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, để giảm thêm chi thường xuyên cần tập trung tinh giản biên chế. Nhấn mạnh quan điểm này, tại phiên họp tổ, Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội Đồng Ngọc Ba (Bình Định) cho rằng: sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế để giảm chi thường xuyên là giải pháp rất quan trọng hiện nay.

Xác định tiết kiệm chi thường xuyên là yêu cầu rất quan trọng, trong Nghị quyết số: 23/2021/QH15 về kế hoạch tài chính quốc gia vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ Nhất vừa qua, Quốc hội xác định rõ: triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển. Theo đó, tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn này khoảng 10,26 triệu tỷ đồng, trong đó tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân khoảng 28%, tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62 - 63% tổng chi ngân sách nhà nước. Trong tổ chức thực hiện, phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%.

Mục tiêu giảm tỷ trọng chi thường xuyên của Quốc hội, của Chính phủ đã có và được lượng hóa bởi những con số rất cụ thể. Vấn đề là các bộ, ngành, địa phương cần sớm quyết tâm triển khai để hiện thực hóa mục tiêu này. Trước mắt, cần giảm thiểu các cuộc hội họp, học tập kinh nghiệm nước ngoài không thực sự cần thiết, áp dụng triệt để công nghệ trong quản lý hành chính. Đặc biệt, cần tập trung giảm chi ở lĩnh vực quản lý và các đơn vị sự nghiệp công lập có khả năng xã hội hóa cao. Cắt giảm chi thường xuyên cần có lộ trình tương ứng với việc thực hiện tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy, điều chỉnh giá, phí dịch vụ sự nghiệp công. Trong thực hiện nhiệm vụ giảm chi thường xuyên phải gắn chặt với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu. Việc thực hiện chi ngân sách phải minh bạch, giám sát chặt chẽ. Bởi mỗi đồng ngân sách, xét đến cùng đều có sự đóng góp của người dân.

Hà An