Triệt để hay nửa vời?
Một nội dung quan trọng sẽ được đặt lên bàn nghị sự của QH tại Kỳ họp thứ 2 tới đang được giới chuyên gia kinh tế đặt nhiều kỳ vọng là Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 - 2020.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã gửi đến Ủy ban Kinh tế một bản Đề án tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020, với mục tiêu được xác định là: Thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thay đổi cấu trúc và trình độ, trên nền tảng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập quốc tế và việc nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực xã hội để hiện đại hóa từng bước các ngành kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng suất các yếu tố tổng hợp và năng lực cạnh tranh; qua đó, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiềm năng tăng trưởng lớn hơn và bảo đảm tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.
Mục tiêu này, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, là đúng đắn và cần thiết trong bối cảnh hiện nay của nước ta. Tuy nhiên, đây cũng là mục tiêu quá tham vọng nếu xét từ góc độ những kết quả tái cơ cấu nền kinh tế lần 1 được thực hiện vừa qua.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, 5 năm qua là khoảng thời gian vật lộn với tái cơ cấu. Vào thời điểm khởi động, cả xã hội đều lạc quan tin rằng, quá trình này sẽ thành công, cũng nhanh chóng và ngoạn mục như Đổi mới năm 1986, chỉ cần 2 - 3 năm là sẽ cơ bản giải quyết được 3 tuyến đột phá là: Nợ xấu ngân hàng; doanh nghiệp nhà nước (trọng tâm là cổ phần hóa) và thay đổi cơ chế đầu tư công. Dù có thể chưa giải quyết xong hoàn toàn các vấn đề này nhưng phần còn lại “sẽ không còn là vấn đề”. Tuy nhiên, thực tế tái cơ cấu lại khác xa so với kỳ vọng. Tiến độ chậm chạp, có lúc dường như bế tắc; nợ xấu về cơ bản chưa được xử lý mà chỉ là “nhốt vào một rọ”, thậm chí “cục máu đông” này còn phình to hơn; hệ thống ngân hàng dù đang nỗ lực thanh lọc nhưng nhìn chung vẫn vận hành trên một nền tảng thiếu vững chắc; cơ chế đầu tư công vẫn chủ yếu dựa trên trụ cột xin - cho, trong khi khó khăn ngân sách đang có xu hướng trầm trọng hơn, nợ công tăng nhanh hơn; hệ thống doanh nghiệp cả khu vực Nhà nước và tư nhân vẫn trong tình trạng thấp về đẳng cấp, yếu về thực lực và sức cạnh tranh…
Và đến thời điểm này, khi tái cơ cấu nền kinh tế đã đi hết chặng đường đầu tiên thì câu hỏi lớn nhất vẫn đang được đặt ra một cách cấp bách là phải tái cơ cấu một cách triệt để để hướng tới mô hình tăng trưởng mới hay nỗ lực tái cơ cấu nhưng vẫn giữ lại mô hình cũ trên thực tế? Ngay bản thân cơ quan tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này dường như cũng đang “nửa muốn, nửa không” khi đưa ra hai kịch bản tái cơ cấu, một kịch bản “quyết liệt” và một kịch bản “đẩy mạnh”. Nhưng rồi cuối cùng, các mục tiêu cụ thể của Kế hoạch tái cơ cấu kinh tế 2016-2020 lại chủ yếu được đặt ra một cách thận trọng theo kịch bản “đẩy mạnh” và có tiếp cận kịch bản “quyết liệt” ở những nội dung có khả năng đẩy nhanh tiến độ.
Một ĐBQH Khóa XIII từng nhấn mạnh trên diễn đàn của QH rằng, lực cản lớn nhất của tái cơ cấu nền kinh tế không phải là phương pháp, không phải là lộ trình, không phải là nguồn lực… mà chính là sự chi phối của cái gọi là “lợi ích nhóm”, bao gồm cả lợi ích của bộ, ngành, địa phương. Mô hình tăng trưởng, sự vận hành của thể chế kinh tế và cách thức phân bổ các nguồn lực quốc gia hiện nay vẫn đang đem lại lợi ích cho các bộ, ngành, địa phương nên tất nhiên, sẽ không ai muốn thay đổi, không ai muốn xóa bỏ.
Vậy thì, nên tái cơ cấu một cách triệt để hay tiếp tục nửa vời như vừa qua? Tái cơ cấu để có thể tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể là mục tiêu đầy tham vọng so với thực lực hiện nay của nước ta. Nhưng trên hết, đó còn là mục tiêu sống còn nếu chúng ta muốn tận dụng tối đa các lợi thế và cơ hội mà hội nhập quốc tế mang lại để phát triển bền vững. Nếu các ĐBQH không đưa ra một lựa chọn dứt khoát cho vấn đề này thì mọi nỗ lực tái cơ cấu trong giai đoạn tới sẽ lại vẫn “dùng dằng” ở đâu đó và thiếu động lực ở khâu nào đó mà thôi.