Môi trường kinh doanh sẽ được cải thiện
Theo VIS Rating, các chính sách hỗ trợ nhằm đạt được mục tiêu theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 sẽ cải thiện môi trường kinh doanh trong nước. Tỷ lệ chậm trả trái phiếu doanh nghiệp sẽ tiếp tục giảm khi dòng tiền doanh nghiệp tốt lên giúp tăng khả năng thanh toán nợ và niềm tin thị trường mạnh mẽ hơn giúp các nhà phát hành dễ dàng tái cấp vốn. Tuy nhiên doanh nghiệp vẫn có tỷ lệ vay nợ ở mức cao và cần nhiều thời gian phục hồi dòng tiền qua đó lành mạnh hóa các chỉ tiêu đòn bẩy.
Cụ thể, VIS Rating cho rằng, việc tập trung chính sách và các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế sẽ thúc đẩy hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nước. Chính sách chi tiêu công, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và xuất khẩu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, giúp Việt Nam tăng trưởng 7 - 7,5%. Tuy nhiên, với dự trữ ngoại hối cuối năm 2024 ở mức thấp nhất trong 5 năm qua, Ngân hàng Nhà nước có ít dư địa để quản lý biến động tỷ giá. Nếu dòng tiền ngoại tệ bị rút ra tăng lên và làm VNĐ mất giá hơn nữa, lãi suất sẽ tăng và ảnh hưởng tới tăng trưởng của các doanh nghiệp trong nước.
Bên cạnh đó, điều kiện kinh doanh trong nước sẽ dần cải thiện nhờ vào các biện pháp hỗ trợ như chi tiêu công gia tăng và tâm lý thị trường bất động sản phục hồi. Theo đó, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng công cộng sẽ kích thích sự phát triển trong các ngành xây dựng, vật liệu và vận tải. Các chính sách mới được triển khai nhằm tháo gỡ các rào cản pháp lý và hoàn thiện quy hoạch đất đai cũng sẽ góp phần thúc đẩy các dự án bất động sản mới, đồng thời gia tăng niềm tin của người mua nhà.
VIS Rating cũng kỳ vọng doanh số bán lẻ năm 2025 tăng 10 - 12% so với 2024 khi lương công chức tăng và thu nhập của hộ gia đình phục hồi. Niềm tin kinh doanh và tiêu dùng cải thiện sẽ thúc đẩy nhu cầu vay vốn. Yếu tố bất định chính trong kịch bản cơ sở của VIS Rating là định hướng chính sách của Hoa Kỳ dưới chính quyền mới của Tổng thống Trump có thể tác động tiêu cực tới các quốc gia xuất khẩu, trong đó có Việt Nam.
Dòng tiền của doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi
Đáng chú ý, điều kiện huy động vốn, theo VIS Rating, sẽ duy trì ổn định trong năm 2025. Bởi lẽ, các ngân hàng đang có nguồn vốn huy động và thanh khoản vững chắc để tăng cho vay mới các doanh nghiệp và cá nhân trong nước. Sau một loạt cải cách quy định và triển khai Luật Chứng khoán mới, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang trở lại đúng hướng, được đánh dấu bằng giá trị phát hành mới tăng trưởng ổn định đối với cả phát hành ra công chúng và riêng lẻ.
“Chúng tôi kỳ vọng niềm tin của nhà đầu tư sẽ tiếp tục cải thiện nhờ quy định về phát hành trái phiếu chặt chẽ hơn và yêu cầu minh bạch thông tin cao hơn. Việc phát hành trái phiếu với mục đích trả nợ cũ sẽ ít gặp khó khăn hơn so với những năm trước, ngay cả khi mặt bằng lãi suất điều chỉnh tăng do cạnh tranh huy động tiền gửi của các ngân hàng”, chuyên gia của VIS Rating cho biết.
Dòng tiền của doanh nghiệp cũng sẽ tiếp tục phục hồi, nhưng đòn bẩy cao và thanh khoản yếu vẫn là những điểm yếu lớn trong khả năng trả nợ. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA) trong 9 tháng năm 2024 của các doanh nghiệp niêm yết tăng 2% so với cùng kỳ năm trước, cải thiện so với mức giảm 9% trong năm 2023. Dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng vẫn có đòn bẩy nợ vay cao. Nợ vay/EBITDA trung bình của các doanh nghiệp niêm yết thuộc các nhóm ngành này là gần 9 lần, cao hơn mức bình quân chung là 3,6 lần. Ngay cả khi có dòng tiền tốt lên, đòn bẩy sẽ vẫn cao vì doanh nghiệp thường vay thêm để khởi động lại các dự án mở rộng kinh doanh. Cho đến khi nào các doanh nghiệp cải thiện chính sách quản lý vay nợ, rủi ro thanh khoản sẽ vẫn là một rủi ro chính cần theo dõi, VIS Rating lưu ý.
Ngoài ra, tỷ lệ trái phiếu chậm trả được cho là sẽ ổn định dần về mức bình thường mới trong năm 2025, phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô và môi trường kinh doanh mạnh mẽ, khuôn khổ pháp lý và hạ tầng thị trường dần hoàn thiện để quản lý rủi ro vỡ nợ. Nền kinh tế vững mạnh sẽ giúp cải thiện dòng tiền, khả năng trả nợ, và nhu cầu tái cấp vốn. Các quy định chặt chẽ hơn về phát hành và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, việc minh bạch thông tin và sử dụng xếp hạng tín nhiệm để cảnh báo rủi ro đầu tư sẽ giúp làm cải thiện chiều sâu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong giai đoạn phát triển mới. Các đơn vị phát hành và nhà đầu tư sẽ tự tin hơn trong việc ứng dụng các công cụ tài chính mới để tái cấu trúc nợ và/hoặc tránh chậm trả trái phiếu.