Giới thiệu tác phẩm, kết nối khán giả
Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là thực tế ảo, việc tham quan một không gian triển lãm đã không còn giới hạn trong không gian vật lý. Chỉ cần một thiết bị kết nối internet, công chúng có thể dễ dàng tiếp cận các tác phẩm nghệ thuật và hiểu sâu hơn về lịch sử, các phong cách và trường phái nghệ thuật khác nhau.
Tại Việt Nam đã có một số đơn vị, cá nhân tổ chức triển lãm trên không gian mạng. Cuối năm 2023, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ra mắt Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến (VAES), gồm 2 hạng mục lớn. Đó là kiến trúc tòa hình hoa sen cách điệu từ hoa sen trong mỹ thuật cổ mô phỏng không gian vật lý sang trọng, bề thế, giàu tính nghệ thuật; và các không gian triển lãm số bên trong, được xây dựng với lộ trình và thiết kế phù hợp với từng nội dung trưng bày.
Không gian số này được dựng 3D mô phỏng không gian thực tế. Ở đó, nghệ sĩ có thể tìm cách trưng bày các tác phẩm phù hợp với nhu cầu, tính sáng tạo; còn khách tham quan có thể tiếp cận với các triển lãm và tác phẩm nghệ thuật mọi lúc, mọi nơi chỉ với thiết bị kết nối internet.
Đến nay, Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến đã giới thiệu 15 triển lãm, trưng bày các tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam; Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Mỹ thuật Huế và các triển lãm của cá nhân họa sĩ. 15 không gian triển lãm trên được thiết kế và mô phỏng khác nhau, dựa trên các mô hình triển lãm ở các bảo tàng lớn trên thế giới, đáp ứng đa dạng sự lựa chọn cho họa sĩ.
Theo Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam Nguyễn Anh Minh, việc xây dựng nội dung và vận hành thử nghiệm Không gian triển lãm mỹ thuật trực tuyến là bước đi đầu tiên, mạnh mẽ, sáng tạo của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam để giới thiệu và phát huy giá trị di sản mỹ thuật, sức sống mới của nền mỹ thuật nước nhà đến với đông đảo công chúng trên toàn cầu. Với mong muốn xóa đi giới hạn về khoảng cách, kết nối không gian, VAES còn mang tính chia sẻ thông tin về các tác phẩm nghệ thuật giá trị của Việt Nam đang được lưu giữ tại các bảo tàng mỹ thuật và sức sáng tạo không ngừng nghỉ của đội ngũ họa sĩ đương đại.
Những bước đi đầu tiên này được kỳ vọng sẽ là nền tảng để triển lãm mỹ thuật trực tuyến tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Hoàn thiện khung pháp lý
Sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng triển lãm mỹ thuật trực tuyến cũng đặt ra những thách thức lớn đối với khung pháp lý hiện hành. Việc thiếu quy định cụ thể về sở hữu trí tuệ, bản quyền số và các vấn đề liên quan khác đang tạo ra rào cản lớn cho sự phát triển của lĩnh vực này.
Trong bối cảnh đó, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đang xây dựng dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 113/2013/NĐ-CP ngày 2.10.2013 của Chính phủ về hoạt động mỹ thuật. Trong đó, nghiên cứu có các quy định về quản lý, tổ chức triển lãm mỹ thuật trực tuyến trên không gian mạng internet.
Theo đánh giá của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin, việc quản lý nội dung công bố tác phẩm mỹ thuật trên không gian mạng là nhu cầu cấp thiết. Hiện nay, việc quản lý, cấp phép triển lãm trên không gian mạng đã được quy định tại Nghị định 72/2016/NĐ-CP về hoạt động nhiếp ảnh và Nghị định số 23/2019/NĐ-CP về hoạt động triển lãm. Vì vậy, cần thiết bổ sung nội dung quản lý, tổ chức triển lãm trên không gian mạng vào quy định tại Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2013/NĐ-CP. Theo đó, “triển lãm mỹ thuật” là việc trưng bày, công bố, giới thiệu tác phẩm mỹ thuật đến công chúng tại không gian nhất định hoặc không gian mạng…
Triển lãm mỹ thuật trực tuyến mở ra cơ hội để khán giả toàn cầu tiếp cận và khám phá mỹ thuật Việt Nam. Theo các chuyên gia, bản quyền là một trong những thách thức lớn nhất đặt ra khi phát triển triển lãm mỹ thuật trực tuyến. Mặc dù công nghệ mang đến nhiều cơ hội mới, nhưng việc đưa hình ảnh tác phẩm nghệ thuật trên môi trường số đòi hỏi phải có những quy định pháp lý cụ thể để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Bên cạnh đó, cần có các quy định tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động hợp tác công tư, có cơ chế khuyến khích đầu tư vào công nghệ để nâng cao chất lượng các triển lãm trên không gian số.
(Bài viết có sự phối hợp của Vụ Pháp chế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)