Thách thức về suy giảm và thiếu hụt nguồn nhân lực
Theo Cục Dân số, công tác dân số Việt Nam thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, đặc biệt là việc khống chế thành công tốc độ gia tăng nhanh dân số, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Việt Nam chính thức đạt mức sinh thay thế từ năm 2006 khi tổng tỷ suất sinh (TFR) = 2,09 con/phụ nữ và đã rất thành công trong việc duy trì mức sinh xung quanh mức sinh thay thế trong suốt thời gian qua.
Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu dân số theo hướng tích cực, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007, tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh; chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, cơ hội mà thành tựu giảm sinh trong thời gian qua mang lại, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh như việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ, mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển; theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2023, có 27/63 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1 con/phụ nữ, quy mô dân số là 53.873.500 người, chiếm 53,7% dân số cả nước, cho thấy xu hướng tăng các tỉnh có mức sinh thấp và quy mô dân số chiếm tỷ trọng lớn hơn, hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh. Điều tra biến động dân số vào năm 2021 cũng cảnh báo, xuất hiện tình trạng nam, nữ Việt Nam không muốn kết hôn, mô hình sinh con muộn ngày càng phổ biến, mức sinh chênh lệch giữa các vùng miền...
Nhiều hệ lụy từ mức sinh thay thế thấp
Nằm trong nhóm 21 tỉnh, thành có mức sinh thấp nhất cả nước, năm 2023, tổng tỷ suất sinh tại TP. Hồ Chí Minh là 1,32 con/phụ nữ; năm 2022 là 1,39/phụ nữ; năm 2021 là 1,48 con/phụ nữ. Những con số này thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ - tỷ lệ trung bình để duy trì ổn định quy mô dân số.
Theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP. Hồ Chí Minh, mức sinh giảm đặt ra những thách thức lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thách thức lớn nhất chính là tỷ lệ người cao tuổi tăng, trong khi tỷ lệ người trong độ tuổi lao động giảm, làm cho nguồn lao động bị thiếu hụt, ảnh hưởng đến năng suất làm việc và sự phát triển kinh tế. Mức sinh giảm, tốc độ già hóa dân số nhanh còn tạo áp lực lớn cho hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi, nhân lực và chi phí lớn để chăm sóc người cao tuổi.
Theo các chuyên gia, với điều kiện kinh tế tiếp tục tăng trưởng, đô thị hóa ngày càng nhanh, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng lan rộng. Nếu mức sinh giảm thấp và kéo dài sẽ tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô, cơ cấu dân và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số nhanh và suy giảm quy mô dân số… tác động lớn đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Cục trưởng Lê Thanh Dũng cho biết, mục tiêu của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 do BCH Trung ương Đảng Khóa XII ban hành đặt ra yêu cầu phải duy trì vững chắc mức sinh thay thế, quy mô 104 triệu dân; giảm 50% chênh lệch mức sinh giữa nông thôn và thành thị, miền núi và đồng bằng; 50% số tỉnh đạt mức sinh thay thế; mọi phụ nữ 15 - 49 tuổi đều được tiếp cận thuận tiện với các biện pháp tránh thai hiện đại; giảm 2/3 số vị thành niên/thành niên có thai ngoài ý muốn.
Ông Matt Jackson, Trưởng Đại diện UNFPA cho biết, hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Việt Nam đang chứng kiến xu hướng mức sinh giảm. Theo báo cáo gần đây của UNFPA, 2/3 dân số thế giới hiện đang sống ở các quốc gia có tỷ suất sinh dưới mức thay thế.
Những thay đổi về mức sinh chịu ảnh hưởng lớn từ sự lựa chọn sinh sản và điều này lại bị chi phối bởi các yếu tố kinh tế - xã hội như vai trò giới, chi phí sinh hoạt, cơ hội việc làm, chi phí chăm sóc trẻ em, cũng như gánh nặng công việc không được trả lương mà chủ yếu đè nặng lên đôi vai người phụ nữ. Giải quyết các vấn đề dân số cần vượt ra ngoài con số; có nghĩa cần cân nhắc ưu tiên đầu tư hiệu quả vào con người và nền kinh tế, cũng như xây dựng một xã hội bao trùm hơn.
"Việt Nam đang ở trong thời khắc quan trọng khi chuẩn bị xây dựng Luật Dân số. Đây là cơ hội để tái khẳng định cam kết của mình về thúc đẩy quyền và sự lựa chọn cho tất cả mọi người. UNFPA sẵn sàng hợp tác với Cục Dân số và các đối tác khác để tận dụng các cơ hội từ quá trình thay đổi nhân khẩu học, tăng cường khả năng thích ứng và xây dựng một tương lai bao trùm cho tất cả mọi người, để không ai bị bỏ lại phía sau", ông Matt Jackson nói.