Triển khai “mobilemoney” gặp nhiều khó khăn
Sau gần nửa năm thí điểm cung ứng dịch vụ tiền di động (mobile money) đã có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng; trong đó hơn 60% sống ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa... Tuy vậy, tại hội thảo “Đẩy mạnh phát triển mobile money” ngày 11.5, các doanh nghiệp cho biết quá trình triển khai đang gặp một số khó khăn.
Đã có hơn 8,5 triệu giao dịch
Cuối tháng 11.2021, Ngân hàng Nhà nước cho phép VNPT, MobiFone và Viettel thí điểm cung ứng dịch vụ tiền di động tới khách hàng. ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán cho biết, đến cuối tháng 3.2022 đã có hơn 1,1 triệu khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ tiền di động. Hơn 60% khách hàng là người ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Số lượng đơn vị chấp nhận thanh toán đạt hơn 12.800 điểm, chủ yếu cung ứng dịch vụ thiết yếu như điện, nước, giáo dục… Tổng số giao dịch đạt hơn 8,5 triệu với giá trị hơn 370 tỷ đồng.
Cũng theo ông Dũng, chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp thực hiện thí điểm nhìn chung được bảo đảm, chưa phát sinh các rủi ro, sự cố lớn trong quá trình cung cấp dịch vụ. Điều này góp phần tạo niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ và mở rộng tiếp cận dịch vụ này tới nhóm khách hàng mới chưa có tài khoản ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa khó tiếp cận hạ tầng thanh toán, mạng lưới ngân hàng.
Theo ông Trương Quang Việt, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel, trong bối cảnh 40% người dân chưa có tài khoản ngân hàng, việc triển khai dịch vụ tiền di động tạo thêm điều kiện thuận lợi để Chính phủ hỗ trợ các đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu vùng xa như giải ngân các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội, cấp vốn, cho vay để phát triển kinh tế. Theo đó, chỉ với 1 số điện thoại, người dân có thể thực hiện mọi giao dịch chuyển, nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng trên hệ sinh thái.
Dù lợi ích của tiền di động là không thể phủ nhận nhưng ông Việt cho biết, tiến trình triển khai gặp bài toán khó về thay đổi hành vi chi tiêu và sử dụng tiền của người dân. “Làm sao người dân có đủ nhận thức và tin tưởng để sử dụng mobile money, chuyển đổi dần từ sử dụng tiền giấy sang cuộc sống không tiền mặt, thay đổi toàn diện thói quen và hưởng lợi trực tiếp từ nền kinh tế số…”.

Ảnh: Quang Khánh
“An toàn quá sẽ gây khó khăn!”
Bên cạnh đó, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT VinaPhone Nguyễn Văn Tấn cho biết, thực tế triển khai có một số vướng mắc. Ví dụ vấn đề xác thực khách hàng phải đơn giản hơn. Nếu nhà mạng được tiếp cận Cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, ở đó có thông tin đầy đủ và chính xác gần như tuyệt đối về họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ… của khách hàng thì họ không cần nhiều bước phức tạp mà có thể sử dụng dịch vụ tiền di động ngay, miễn là số điện thoại trùng với thông tin đăng ký.
Quy định thuê bao phải có “tuổi đời” ít nhất 3 tháng mới được sử dụng mobile money theo ông Tấn là không hợp lý. “Khi đã đúng thông tin khách hàng, đúng số điện thoại thì tại sao cần phải chờ một khoảng thời gian như vậy. Phải chăng là an toàn sẽ quá gây khó khăn?”. Về hạn mức rút, chuyển tiền 10 triệu đồng/tháng hiện nay hết giai đoạn thử nghiệm có thể xem xét nâng lên. Trường hợp hạn mức giao dịch cao hơn thì có thể cho phép và xác thực ở mức độ nhất định.
Ông Tấn cũng cho rằng, các nhà mạng hiện nay vẫn chỉ là “tay mơ” so với các ngân hàng về vấn đề bảo mật, do vậy phải quan tâm hơn nữa đến phòng chống rủi ro. Về phía Nhà nước cần đưa ra những quy chuẩn về bảo mật an toàn với hệ thống này.
Đại diện VNPT VinaPhone cũng đề xuất cho phép khách hàng sử dụng dịch vụ tiền di động của các nhà mạng chuyển/nhận tiền với nhau. Đối với hoạt động phát triển điểm kinh doanh, cơ quan quản lý Nhà nước cần cho phép doanh nghiệp thí điểm mobile money mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp (ngoài các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông ủy quyền) có tiềm lực về kinh doanh dịch vụ và đáp ứng được các quy định quản trị để nhanh chóng mở rộng mạng lưới phục vụ khách hàng. Đối với hoạt động phát triển điểm chấp nhận thanh toán, cần cho phép các doanh nghiệp thí điểm ký kết hợp tác trực tiếp với các đơn vị/tổ chức trung gian khác trên thị trường như các ngân hàng, trung gian thanh toán… để tận dụng được lợi thế về sẵn mạng lưới của các đơn vị này trên thị trường, nhanh chóng tạo được môi trường thuận tiện cho khách hàng khi sử dụng dịch vụ mobile money.
Để phát triển dịch vụ tiền di động, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel Trương Quang Việt cho rằng, cần đẩy mạnh các hoạt động giải ngân, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho nhóm đối tượng yếu thế, người dân ở vùng sâu, vùng xa thông qua tài khoản tiền di động. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước đưa ra các định hướng, chính sách hỗ trợ để xây dựng và nhân rộng nhiều hơn nữa các mô hình thanh toán không tiền mặt trên khắp cả nước. Từ đó hướng tới mọi người dân đều sớm được tiếp cận và chấp nhận thanh toán số như một hình thức chi tiêu quen thuộc, tiện ích.