Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm ô nhiễm tiếng ồn

Thanh Điểu 11/10/2022 06:37

Là đô thị đông dân nhất cả nước, tình trạng ô nhiễm tiếng ồn tại khu dân cư, nơi công cộng ở TP. Hồ Chí Minh đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của một bộ phận người dân. Trước thực trạng đó, thành phố đã rốt ráo, quyết liệt triển khai nhiều giải pháp, trên cơ sở nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu tại mỗi địa phương.

Quyết liệt xử lý ngay từ năm 2020

Tại Kỳ họp thứ 20 của HĐND TP. Hồ Chí Minh Khóa IX (tháng 7.2020), đại diện Ủy ban MTTQ thành phố cho biết, cử tri bất bình với tình trạng karaoke, ca nhạc trong các buổi liên hoan, tiệc tùng ở các khu dân cư với dàn âm thanh công suất lớn. Một trong những nguyên nhân là ý thức công dân, thái độ ứng xứ kém; sai phạm này phải có người giám sát, nhắc nhở và có các hình thức xử phạt thỏa đáng.

Nhận định ô nhiễm tiếng ồn là một trong những vấn nạn cần sớm khắc phục, ngày 19.3.2021, UBND thành phố đã ban hành Công văn 787 yêu cầu các sở ngành, UBND các quận, huyện, TP. Thủ Đức tăng cường công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, thực hiện Công văn 787, sau hơn 1 năm, đã có trên 3.500 trường hợp vi phạm về tiếng ồn; 22/22 quận, huyện, TP. Thủ Đức đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn. Đặc biệt, các quận, huyện và TP. Thủ Đức đã tổ chức tiếp nhận kịp thời các phản ánh về tiếng ồn thông qua ứng dụng trực tuyến, các kênh thông tin trực tuyến, các đường dây nóng của quận, huyện, phường, xã, thị trấn...

Công tác tuyên truyền cũng được chú trọng và đẩy mạnh; 100% Ban Công tác Mặt trận thực hiện tuyên truyền, phát thông báo về việc chấp hành các quy định của pháp luật về tiếng ồn đến các khu phố, tổ dân phố, để mỗi người dân, tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ… trên địa bàn được biết và chấp hành theo quy định. Toàn thành phố đã tổ chức hơn 8.000 buổi truyền thông, tọa đàm, tập huấn, hội nghị tuyên truyền, 1.989 quy ước liên quan đến việc thực hiện công tác tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn được ban hành.

TP. Hồ Chí Minh quyết liệt xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn. Nguồn: ITN
TP. Hồ Chí Minh quyết liệt xử lý triệt để vấn nạn ô nhiễm tiếng ồn
 Nguồn: ITN

Thêm chế tài, thêm trách nhiệm

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, từ ngày 25.8, Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (thay thế cho Nghị định 55 năm 2021) có hiệu lực. Điểm mới của Nghị định này là quy định mức vi phạm và mức phạt tương ứng căn cứ vào mức độ tiếng ồn. Mức chế tài đối với vi phạm về tiếng ồn có thể lên đến 160 - 320 triệu đồng (cá nhân - tổ chức) nếu vượt quá 40 dBA. Mức xử phạt thấp nhất từ 1 - 5 triệu đồng với hành vi tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA.

Bên cạnh đó, Nghị định 45 cũng xác định cụ thể người có trách nhiệm và thẩm quyền xử phạt. Với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 2 dBA đến dưới 5 dBA, Chủ tịch UBND phường, xã có thẩm quyền xử phạt. Để xử phạt, cơ quan chức năng sẽ thực hiện trưng cầu giám định, đo đạc, phân tích tiếng ồn. Người bị xử phạt có trách nhiệm chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Nghị định 45/2022/NĐ-CP với chế tài cụ thể sẽ phần nào giảm bớt hành vi vi phạm. Tuy nhiên, để có thể kiểm soát hiệu quả tiếng ồn trong khu dân cư, phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp từ nhiều lĩnh vực; cần sự chung sức của cả hệ thống chính trị, trong đó xác định trách nhiệm quan trọng của người đứng đầu tại mỗi địa phương. Ở địa phương cấp huyện, cấp xã nào để xảy ra vi phạm về tiếng ồn do buông lỏng quản lý, ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự thì tiến hành xem xét trách nhiệm, xử lý người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, cần tiếp tục tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư và doanh nghiệp trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tiếng ồn gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm và quyết liệt các hành vi vi phạm về tiếng ồn trong điều kiện bình thường mới. Bên cạnh đó, trước vi phạm tiếng ồn, mỗi người dân cần xóa bỏ tâm lý nể nang, ngại va chạm, chủ động nhắc nhở, góp ý với người gây ra tiếng ồn; phản ánh tới chính quyền địa phương, các cơ quan báo chí. Mỗi phản ánh của người dân cần được tiếp nhận và xử lý ngay, “đến nơi đến chốn” để tạo sức răn đe cho những người có ý định vi phạm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giảm ô nhiễm tiếng ồn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO