Giáo dục

Triển khai dạy 2 buổi/ngày miễn phí cho học sinh: Cần sự đầu tư mạnh mẽ từ ngân sách Nhà nước

Nguyễn Liên - Trang Nhung 10/05/2025 08:28

Chủ trương dạy học 2 buổi/ngày không thu phí là bước tiến quan trọng giúp cải thiện chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội nhìn nhận, việc triển khai tại các địa phương thuộc diện khó khăn vẫn là thách thức lớn, không chỉ bởi cơ sở vật chất còn hạn chế, mà còn vì “bài toán” thiếu hụt nguồn nhân lực.

Văn phòng Trung ương Đảng đã có thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Đảng ủy Chính phủ, các ban, bộ, ngành về chuẩn bị Nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học hôm 18.4.

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư kết luận bối cảnh mới của đất nước đang đặt ra yêu cầu đào tạo lớp người mới phát triển toàn diện, có đủ bản lĩnh, trí tuệ, sức khỏe thể chất và tinh thần tương xứng với việc thực hiện 2 mục tiêu 100 năm của đất nước.

Do đó, cần phải có các quyết sách mạnh mẽ về thể chế, chính sách để tháo gỡ những điểm nghẽn, tập trung nguồn lực đầu tư nhanh chóng hiện đại hóa, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo nhằm mục tiêu phát triển toàn diện người học và tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Tổng Bí thư kết luận: các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương. Có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, việc dạy học 2 buổi/ngày không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật bảo đảm cho học sinh phát triển toàn diện. Thời gian thực hiện từ năm 2025 - 2026.

Bước đi đúng đắn, nhân văn, phù hợp yêu cầu phát triển toàn diện học sinh

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân bên lề nghị trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, chủ trương dạy học 2 buổi/ngày không thu phí là bước đi đúng đắn, nhân văn, phù hợp yêu cầu phát triển toàn diện học sinh, giảm áp lực học tập và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

20226214267.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh

Việc dạy 2 buổi/ngày tạo điều kiện để học sinh không chỉ học văn hóa mà còn được tiếp cận nghệ thuật, thể chất, kỹ năng sống… hướng đến sự phát triển toàn diện cho người học. Khi không còn phải dồn ép kiến thức trong một buổi, học sinh cũng sẽ học tập nhẹ nhàng hơn, có thời gian củng cố kiến thức. Chủ trương miễn phí cũng đảm bảo trẻ em ở các vùng miền, điều kiện kinh tế khác nhau đều được hưởng quyền lợi giáo dục như nhau, thúc đẩy công bằng trong tiếp cận giáo dục.

Về phía ngành giáo dục, việc dạy 2 buổi/ngày giúp nâng cao chất lượng dạy học, giảm áp lực cho học sinh và từng bước hạn chế tình trạng học thêm tràn lan. Về phía xã hội, đây là bước đi chiến lược, tạo tiền đề để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà nhìn nhận, để triển khai hiệu quả chủ trương này từ năm 2025 - 2026, cần chuẩn bị tốt về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, bảo đảm tính khả thi và công bằng giữa các vùng miền.

Cơ sở vật chất cần được đầu tư đồng bộ, bảo đảm đủ phòng học, trang thiết bị phục vụ dạy - học 2 buổi/ngày. Đồng thời, phải chú trọng nâng cao chất lượng và số lượng đội ngũ giáo viên, có chính sách hỗ trợ hợp lý để giáo viên yên tâm công tác.

“Đặc biệt, cần ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước, xây dựng cơ chế khuyến khích xã hội hóa phù hợp, minh bạch, hiệu quả”, đại biểu Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Bà cũng cho rằng, cần xây dựng chương trình dạy 2 buổi/ngày một cách linh hoạt, phù hợp với từng độ tuổi và vùng miền. Buổi học thứ hai nên chú trọng rèn luyện kỹ năng sống, nghệ thuật, thể thao, thay vì chỉ tăng cường hoạt động củng cố kiến thức.

“Chúng ta cũng cần lắng nghe ý kiến từ cơ sở - giáo viên, phụ huynh để điều chỉnh chính sách sát thực tiễn. Việc giám sát quá trình thực hiện rất quan trọng để bảo đảm đúng mục tiêu, tránh hình thức hoặc gây quá tải cho giáo viên, học sinh”, đại biểu Nguyễn Thị Hà cho hay.

Thách thức lớn đối với nhiều địa phương

Đại biểu Trần Văn Thức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đánh giá, chủ trương các trường tiểu học, THCS tổ chức dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí là bước tiến quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục và hỗ trợ học sinh.

Chủ trương này không chỉ giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, mà còn tạo điều kiện để học sinh phát triển toàn diện, tiếp cận giáo dục chất lượng hơn.

150d2122208t672l0-150d3113733t2271l8-2.jpg
Đại biểu Trần Văn Thức, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa

Tuy nhiên, Đại biểu Trần Văn Thức cũng nhìn nhận, việc triển khai tại các địa phương thuộc diện khó khăn vẫn là thách thức lớn, không chỉ bởi cơ sở vật chất còn hạn chế, mà còn vì “bài toán” thiếu hụt nguồn nhân lực.

Theo Đại biểu Trần Văn Thức, để chính sách dạy học 2 buổi/ngày thực thi đồng bộ tại các địa phương, cần sự đầu tư mạnh mẽ từ ngân sách Nhà nước, sự tham gia của cộng đồng và các giải pháp quy hoạch, quản lý hiệu quả.

Đại biểu Trần Văn Thức kiến nghị, cần rà soát, sắp xếp Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục; điều chỉnh hợp lý quy mô trường, lớp. Thu gọn các điểm trường lẻ, phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em, học sinh và người dân.

Đồng thời, sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách đầu tư cho giáo dục và đào tạo, mà Nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục, huy động sự tham gia của toàn xã hội vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Nghiên cứu cơ chế phân bổ nguồn lực, chuyển từ hỗ trợ theo cơ chế cấp phát bình quân sang cơ chế Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ giáo dục theo kết quả đầu ra.

“Việc xây dựng xã hội học tập được xem là yếu tố then chốt hỗ trợ triển khai chính sách này. Điều này giúp nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đảm bảo mỗi người dân có cơ hội để tiếp cận giáo dục. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục đào tạo cũng giúp tối ưu hóa phương pháp giảng dạy, mở rộng phạm vi tiếp cận tri thức”, Đại biểu Trần Văn Thức nhấn mạnh.

Cần đánh giá kỹ các tác động, căn cứ và mục tiêu cụ thể

Đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng về mặt nguyên tắc, khi đưa các Nghị quyết, chính sách vào cuộc sống, cần đánh giá kỹ các tác động, căn cứ và mục tiêu cụ thể.

z6586045553741_8dc5f90037b5dfafa88d746691476185.jpg
Đại biểu Bế Trung Anh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh

Với chủ trương tổ chức dạy học 2 buổi/ngày không thu phí ở các trường tiểu học, THCS, ông Trung Anh nhìn nhận có thể xét đến 2 trường hợp. Ở mặt tích cực, nếu học 2 buổi/ngày, việc quản lý học sinh sẽ hiệu quả hơn, các em không phải ở nhà một mình mà không có ai trông nom.

Tuy nhiên mặt khác, cần nghĩ đến việc nếu học sinh không đồng ý lịch học 2 buổi/ngày mà thích tự do vui chơi, không vướng bận áp lực học tập, nhà trường sẽ xử lý như thế nào?

Đại biểu Bế Trung Anh đề xuất, để chủ trương nhận được sự đồng thuận cao khi triển khai, trước hết cần mở cuộc điều tra dư luận xã hội về việc học 2 buổi/ngày. Không nên tự đánh giá, mà cần các đơn vị độc lập vào cuộc để có góc nhìn toàn diện và thực chất. Tránh trường hợp không trung thực, làm đánh giá theo mục đích cá nhân.

Ông cho rằng, việc triển khai học 2 buổi/ngày phải đặt trong bối cảnh toàn diện, gắn với thực tế xã hội, nguồn lực và con người.

“Đặc biệt, Tổng Bí thư Tô Lâm đã góp ý: “Có lộ trình thực hiện từng bước chủ trương này, trong đó cần kết hợp Nhà nước đầu tư là chính với khuyến khích xã hội hóa”. Do đó, càng cần góc nhìn khách quan, thận trọng và không hình thức. Không nên vội vàng triển khai chính sách mà quên đi cách thức, kinh phí, tâm tư của thầy cô, phụ huynh và học sinh”, ông nói.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Triển khai dạy 2 buổi/ngày miễn phí cho học sinh: Cần sự đầu tư mạnh mẽ từ ngân sách Nhà nước
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO