Dự và chủ trì Hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội, Chủ tịch Phân ban Việt Nam trong APF Nguyễn Thúy Anh.
Cùng dự có: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản; đại diện Thường trực Ủy ban Đối ngoại và một số cơ quan của Quốc hội; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội và các bộ, ngành liên quan.
Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà nêu rõ, thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8.8.2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; nhằm thúc đẩy kênh ngoại giao nghị viện góp phần nâng cao vị thế, quảng bá hình ảnh đất nước ta trong thời kỳ hội nhập, thu hút các nguồn lực để phát triển; được sự đồng ý của Lãnh đạo Quốc hội, Quốc hội Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Liên minh Nghị viện Pháp ngữ vào tháng 1.2025 tại TP. Cần Thơ.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cho biết, APF là tổ chức liên nghị viện quy tụ nghị viện/cơ quan lập pháp các quốc gia và các vùng lãnh thổ có sử dụng tiếng Pháp, hiện có 90 thành viên. APF được thành lập năm 1967 với mục tiêu đại diện ý chí và nguyện vọng của Nhân dân các quốc gia trong Cộng đồng Pháp ngữ. Song hành với Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF), APF là cơ quan nghị viện tham vấn của OIF với mục tiêu hướng tới thúc đẩy hòa bình, dân chủ, nhà nước pháp quyền, hợp tác vì sự phát triển bền vững, đoàn kết, đa dạng văn hóa và ngôn ngữ.
Với tư cách là quan sát viên từ năm 1974 và thành viên chính thức của APF từ năm 1991, Quốc hội Việt Nam đã có những hoạt động hết sức tích cực thông qua Phân ban Việt Nam trong APF; khẳng định được vị thế, vai trò đầu tàu của Việt Nam, tiên phong và dẫn dắt các hoạt động tại châu Á - Thái Bình Dương trong Cộng đồng Pháp ngữ. “Hội nghị được tổ chức sẽ là một trong những hoạt động đối ngoại quan trọng của Quốc hội năm 2025”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại khẳng định.
Tại cuộc họp, các đại biểu nhất trí địa điểm tổ chức Hội nghị là TP. Cần Thơ, bởi thời gian qua chưa có hoạt động đối ngoại đa phương của Quốc hội diễn ra tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do đó, việc tổ chức tại Cần Thơ cũng là cơ hội để Việt Nam giới thiệu với các nghị sĩ quốc tế nói chung và trong cộng đồng Pháp ngữ nói riêng về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, bảo tồn và phát triển đa dạng văn hóa giữa các địa phương.
Các đại biểu cũng thông tin, trao đổi về tình hình hợp tác của Việt Nam với các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ; công tác phối hợp của các Ủy ban, bộ, ngành trong việc chuẩn bị tổ chức hội nghị; khả năng tổ chức hội thảo/diễn đàn hợp tác giữa Việt Nam và các nước trong Cộng đồng Pháp ngữ về lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực và phòng, chống biến đổi khí hậu. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với việc tổ chức Diễn đàn bên lề các cuộc họp của Ban Chấp hành APF; nội dung diễn đàn dự kiến tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, an ninh lương thực, phòng chống biến đổi khí hậu vì đây là những vấn đề rất thiết thực đối với Việt Nam nói riêng, các quốc gia nói chung.
Cũng tại cuộc họp, các đại biểu thảo luận, cho ý kiến cụ thể về kinh phí và hình thức tổ chức hội nghị, thành phần khách mời tham dự hội nghị, dự kiến chương trình nghị sự, công tác hậu cần và các nội dung trọng tâm liên quan.