Cử tri lo lắng trước hiện tượng “thổi giá”, “tạo sóng”
Dành sự quan tâm đến giá đất bất sản tăng cao tại một số thành phố lớn, ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nêu rõ, trong thời gian vừa qua, giá nhà đất tại một số thành phố lớn tăng rất cao, nhất là TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Điều này đã khiến cho thị trường bất động sản vừa mới phục hồi thì lại xuất hiện những dấu hiệu bất ổn. Cử tri lo lắng trước các hiện tượng “thổi giá”, “tạo sóng” gây nhiễu loạn thông tin thị trường.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cho biết, giá nhà đất tại một số khu vực đang tăng phi thực tế. Tại họp báo ngày 7.10 vừa qua, lãnh đạo Bộ Xây dựng nhận định, "giá nhà đất tăng cao như thời gian vừa qua là vô lý và bất thường". Tại một số thành phố lớn từ đầu năm đến nay, giá bất động sản, giá nhà đất liên tục tăng cao ở nhiều phân khúc, từ chung cư đến nhà liền kề, đến biệt thự… Không chỉ ở các khu vực trung tâm mà sức nóng đang lan dần sang các thị trường, quận, huyện ven đô.
“Nhiều người dân ở Hà Nội chia sẻ với báo chí rằng, sau một thời gian vất vả tìm mua nhà thì đến nay đã phải tạm gác lại ý định này bởi sự tăng giá đột biến của bất động sản, nhất là chung cư. Không chỉ các chung cư cao cấp, chung cư mới, kể cả chung cư cũ giá cũng tăng vọt. Nhiều căn hộ chung cư đã được đưa vào sử dụng vài thập kỷ nhưng đã tăng giá gấp đôi, gấp ba so với trước đây. Với sự tăng giá cao như vậy, cho nên hàng nghìn hộ dân đang sở hữu chung cư hiện nay thường xuyên nhận được các cuộc gọi hỏi bán nhà”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy chỉ rõ.
Các cuộc đấu giá đất ở các huyện ven đô Hà Nội cũng nóng hơn bao giờ hết. Nhiều cuộc đấu giá được tổ chức xuyên đêm, ghi nhận hàng trăm, thậm chí cả nghìn người chấp nhận “ăn trực, nằm chờ” để đấu được suất đất và giá trúng cũng cao kỷ lục. Giá đất ở huyện ven đô cũng lên tới hơn một trăm triệu một mét vuông, tương đương với đất dự án đã được đầu tư hạ tầng. Giá đất tại một số thành phố liên tục thiết lập các mặt bằng mới và đang vượt xa so với thu nhập của một số người dân.
Đại biểu cũng lưu ý, tình trạng “đầu cơ, thổi giá, đẩy giá”, theo nhận định của các chuyên gia bất động sản, trong bối cảnh thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, nhiều dự án bất động sản, dự án nhà ở đang còn ách tắc, người dân, doanh nghiệp đang còn gặp nhiều khó khăn, mà giá nhà ở lại tăng đột biến như thời gian qua và tăng ở các khu vực không có dự án mới là bất bình thường. Và cũng theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, tình trạng “đầu cơ, thổi giá, đẩy giá” đang là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá nhà đất tăng cao như thời gian qua.
"Trên thực tế, có tình trạng một số hội nhóm đầu cơ, một số nhà đầu tư đã thực hiện việc thổi giá, gây nhiễu loạn thông tin thị trường nhằm thao túng tâm lý người dân để trục lợi. Thủ đoạn nhóm người này thường sử dụng là đẩy giá đất lên cao chót vót tại các phiên đấu giá đất, sau đó đến thời gian nộp tiền thì sẵn sàng bỏ cọc với mục đích nhằm thiết lập mặt bằng giá mới cho mảnh đất trong khu vực mà họ đã mua gom trước đó và thu được siêu lợi nhuận”, đại biểu Nguyễn Thị Thủy nói.
Quyết liệt chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc của các dự án nhà ở
Bên cạnh đó, còn tồn tại tâm lý của người dân mua nhà đất để chờ tăng giá. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, mỗi khi vào đợt “sốt đất, sốt nhà” có tâm lý mua nhà đất chờ tăng giá trong một số bộ phận người dân càng có xu hướng tăng cao. Có không ít người dân “đứng ngồi không yên” trước thông tin giá nhà đất tăng phi mã và cố gắng sắp xếp tiền nong, thậm chí vay mượn các khoản còn thiếu để mua bằng được mảnh đất để đó chờ tăng giá rồi bán, chính tâm lý này khiến giá nhà đất đã tăng cao lại càng tăng mạnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy cũng lưu ý, còn tồn tại sự mất cân đối trong phân khúc các căn hộ. Có thể nói, thị trường đang thiếu trầm trọng nguồn cung nhà ở, căn hộ cho những người có thu nhập trung bình, nhưng đang dư thừa nguồn cung với loại hình căn hộ cao cấp. Sự lệch pha cung cầu này không chỉ dẫn tới khan hiếm thị trường căn hộ bình dân dành cho phần đông người lao động, mà còn tiềm ẩn nguy cơ bị thao túng rất cao, bởi vì không có nhiều căn hộ bình dân để tạo sự cạnh tranh. Khi không có sự cạnh tranh không tạo được áp lực từ thị trường để các nhà cung cấp sản phẩm phải giảm giá đối với loại hình này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh, tình trạng đầu cơ, thổi giá, đẩy giá đang dẫn tới nhiều hệ lụy, nhiều người dân cần nhà ở thực sự thì rất khó mua được trong giai đoạn hiện nay, trong khi đó không ít người có tiền đang găm vào đất với hy vọng tìm kiếm lợi nhuận và doanh nghiệp càng khó khăn hơn trong công tác giải phóng mặt bằng cũng như chi phí sản xuất kinh doanh đang bị đội lên nhiều lần đi theo kết quả đấu giá đất.
Trước tình hình này, đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách ưu đãi, đủ sức hấp dẫn để khuyến khích doanh nghiệp phát triển phân khúc nhà ở thương mại phù hợp với túi tiền của phần đông người lao động. Chính phủ quyết liệt chỉ đạo để tháo gỡ vướng mắc của các dự án nhà ở hiện nay và nếu thuộc thẩm quyền của cấp cao hơn thì báo cáo cấp có thẩm quyền để tháo gỡ vướng mắc trong các dự án này, qua nghiên cứu của các chuyên gia cho thấy, nếu như tháo gỡ được sẽ đưa vào thị trường thêm vài nghìn căn hộ, làm giảm giá của bất động sản hiện nay.
Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu triển khai các biện pháp mạnh để kiểm soát tình trạng đầu cơ nhà đất trong thời gian qua.