Sự hoài nghi đối với "nhà báo AI"
Báo cáo Tin tức kỹ thuật số (Digital News Report) hàng năm của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, dựa trên khảo sát ở 47 quốc gia, đưa ra bức tranh đáng lo ngại cho các phương tiện truyền thông đang tìm cách tăng doanh thu và duy trì hoạt động kinh doanh của mình. Các hãng tin trên toàn thế giới hiện phải nỗ lực giải quyết thách thức mới với sự phát triển của các công cụ AI tổng hợp được những ông lớn công nghệ như Google và các công ty khởi nghiệp như OpenAI phát triển. Các công cụ này có khả năng tóm tắt thông tin và thu hút lưu lượng truy cập từ các trang web tin tức.
Một phát hiện quan trọng trong báo cáo là mức độ nghi ngờ ngày càng cao của độc giả đối với tin tức do AI tạo ra, đặc biệt là về các chủ đề nhạy cảm như chính trị. Tại Mỹ, 52% số người được hỏi bày tỏ không tin tưởng những tin tức loại này, trong khi tỷ lệ đó tăng lên 63% ở Anh. Báo cáo đã khảo sát 2.000 người ở mỗi quốc gia, cho thấy độc giả cảm thấy "yên tâm" hơn với việc sử dụng AI trong các khâu kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả làm việc của các nhà báo hơn là sử dụng AI để thay thế họ.
Ông Nic Newman, cộng tác viên nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu báo chí Reuters, đồng thời là tác giả chính của báo cáo, cho biết: “Thật ngạc nhiên khi chứng kiến mức độ nghi ngờ của độc giả trên toàn thế giới. Phần lớn mọi người lo ngại về độ tin cậy của nội dung báo chí”.
Báo cáo cũng nhấn mạnh đến mối lo ngại gia tăng về nội dung tin tức sai sự thật trên các nền tảng mạng xã hội, tăng 3 điểm phần trăm so với năm trước, với 59% số người được hỏi bày tỏ lo lắng. Điều này đặc biệt rõ rệt ở các quốc gia như Nam Phi và Mỹ, nơi tỷ lệ trên lần lượt ở mức 81% và 72% trong bối cảnh cả hai đều tổ chức bầu cử trong năm nay.
Thêm vào thách thức, báo cáo nhấn mạnh những khó khăn mà các hãng thông tấn, tin tức và tòa soạn báo trên thế giới phải đối mặt trong việc chuyển đổi từ các sản phẩm "miễn phí" sang các sản phẩm báo chí phải đăng ký và trả phí. Bất chấp sự gia tăng tạm thời trong thời kỳ đại dịch, chỉ có 17% số người được hỏi ở 20 quốc gia cho biết họ sẵn sàng trả tiền cho tin tức trực tuyến, con số không thay đổi trong 3 năm qua.
Báo cáo còn cho thấy, những người có ảnh hưởng đến tin tức đang đóng vai trò lớn hơn các tổ chức truyền thông chính thống trong việc cung cấp tin tức cho người dùng trên các nền tảng trực tuyến phổ biến như TikTok. Trong số hơn 5.600 người dùng TikTok được khảo sát xem tin tức qua ứng dụng, 57% cho biết họ chủ yếu theo dõi những người ảnh hưởng có cá tính riêng, so với 34% theo dõi các nhà báo hoặc thương hiệu tin tức.
Chính vì thế, ông Newman nhấn mạnh rằng, các hãng tin và tòa soạn báo cần phải xây dựng mối quan hệ trực tiếp với độc giả của mình và sử dụng các nền tảng trực tuyến một cách chiến lược để tiếp cận những nhóm độc giả khó tương tác hơn, nhất là độc giả trẻ. Ông lưu ý: “Chúng tôi thấy rằng những người có ảnh hưởng đang ngày càng đóng vai trò lớn hơn trên các nền tảng số”.
Một ví dụ đáng chú ý là nhà sáng tạo nội dung trên TikTok Vitus "V" Spehar, người đã thu hút được 3,1 triệu người theo dõi nhờ cách tiếp cận tin tức độc đáo. Nổi tiếng với việc trình bày các tin tức hàng đầu trong ngày khi nằm trên sàn dưới bàn làm việc, Spehar đưa ra góc nhìn nhẹ nhàng hơn về các sự kiện hiện tại, tương phản rõ rệt với hình thức của người đưa tin truyền thống luôn ngồi trên bàn.
Con người vẫn là nhân tố quan trọng
Bất chấp những tiến bộ trong công nghệ AI, có nhiều lý do quan trọng khiến AI không thể thay thế các nhà báo là con người. Trước hết, mặc dù các thuật toán AI vượt trội trong việc xử lý lượng lớn dữ liệu một cách nhanh chóng, nhưng chúng thường thiếu sự hiểu biết sâu sắc cần thiết để diễn giải các bối cảnh xã hội, chính trị và văn hóa phức tạp. Các nhà báo mang đến kiến thức chuyên sâu và nhận thức về bối cảnh cho phép họ đưa ra những báo cáo chính xác và sâu sắc hơn.
Bên cạnh đó, báo chí liên quan đến việc đưa ra các quyết định mang tính đạo đức về những thông tin cần đưa tin, cách xây dựng câu chuyện và những nguồn tin nào đáng tin cậy. Những quyết định này chịu tác động của sự kết hợp giữa kinh nghiệm, trải nghiệm cá nhân, các tiêu chuẩn chuyên môn và giá trị con người, vốn là các yếu tố khó lập trình vào hệ thống AI.
Ngoài ra, phần lớn tác động của báo chí đến từ việc đưa tin điều tra, đòi hỏi sự kiên trì, sáng tạo và khả năng khai thác các nguồn tin mật. AI thiếu những đặc điểm con người cần thiết để xây dựng mối quan hệ và niềm tin với các nguồn tin, thực hiện các cuộc phỏng vấn và khám phá sự thật thông qua công việc điều tra. Chưa hết, các bài báo liên quan đến các vấn đề như nhân quyền, thiên tai hay bi kịch cá nhân đòi hỏi sự đồng cảm, trí tuệ và cảm xúc. Các nhà báo thường đưa ra quan điểm nhân ái, tác động đến tình cảm của độc giả, điều mà nội dung do AI tạo ra thường thiếu.
Các nhà báo mang đến sự độc đáo và sáng tạo trong cách kể chuyện, tạo ra những câu chuyện thu hút và truyền cảm hứng cho người đọc. Mặc dù AI có thể tạo nội dung dựa trên dữ liệu hiện có, nhưng nó khó có thể trình bày theo cách hấp dẫn, “có hồn” để thu hút sự quan tâm của độc giả. Đặc biệt là các nhà báo phải chịu trách nhiệm về công việc của mình. Thực tế, các hãng tin, tòa soạn báo uy tín luôn áp dụng các tiêu chuẩn biên tập và quy trình đánh giá để bảo đảm tính chính xác và công bằng của tin tức. Trong khi đó, hệ thống AI có thể mắc lỗi hoặc tạo ra nội dung sai lệch mà không có trách nhiệm giải trình rõ ràng, dẫn đến tiềm ẩn thông tin sai lệch.
Chính vì vậy, báo cáo của Viện Nghiên cứu báo chí Reuters cho rằng, các hãng tin tức toàn cầu cần nhấn mạnh tính minh bạch trong việc sử dụng AI, bảo đảm sự giám sát của con người vẫn là nhân tố quan trọng trong quá trình sản xuất tin tức.