Đây là một trong những điểm nhấn trong chuỗi hoạt động về nghiệp vụ quan trọng của hội báo, nhằm giúp các cơ quan báo chí nhận diện những thách thức trí tuệ nhân tạo đang đặt ra, từ đó định hướng ứng dụng AI trong báo chí-truyền thông ở Việt Nam. Hội thảo thu hút sự quan tâm lớn của giới báo chí và công chúng, nhất là trong bối cảnh thời gian qua chuyển đổi số báo chí đang diễn ra mạnh mẽ, kèm theo đó là sự bùng nổ của công nghệ trí tuệ nhân tạo, cụ thể là ứng dụng chatbot AI ChatGPT.
Phát biểu đề dẫn, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh khẳng định: Chuyển đổi số đã, đang là xu thế tất yếu diễn ra mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội hiện nay. Là lĩnh vực phản ứng nhạy bén với mọi biến động của đời sống kinh tế - xã hội, báo chí truyền thông cần đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới phương thức chuyển tải, mang đến những trải nghiệm mới cho bạn đọc thông qua các ứng dụng công nghệ số. Việc đối diện với sự bùng nổ về cả tốc độ, số lượng và quy mô tiêu thụ thông tin hiện nay, các tổ chức báo chí – truyền thông đang dần quá tải nếu vẫn duy trì cách truyền thống. Để giải quyết vấn đề này, nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau, từ đó từng bước thay đổi trải nghiệm người dùng về nội dung và cả hình thức theo hướng thông minh hơn. Tuy nhiên, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT hiện nay đã và đang đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức, nhất là đối với các nhà báo và các nhà quản lý báo chí.
Cơ hội của việc sử dụng Chat GPT, trí tuệ nhân tạo trong báo chí truyền thông bao gồm: ChatGPT có thể tạo ra những nội dung văn bản rất phức tạp chỉ từ những câu lệnh đơn giản của người dùng. Trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là ChatGPT giúp tăng tương tác với độc giả, giúp cải thiện trải nghiệm người dùng bằng cách trả lời các câu hỏi và giải đáp thắc mắc của khách hàng; Sử dụng ChatGPT và ứng dụng AI trong báo chí truyền thông đã thúc đẩy hoạt động báo chí truyền thông phải đổi mới sáng tạo và phát triển các giải pháp kỹ thuật sử dụng AI và tạo công nghệ mới để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho cộng đồng, nâng cao chất lượng, công khai minh bạch trong truyền thông, nghiên cứu và sáng tạo nhiều tác phẩm báo chí phù hợp. Song bên cạnh cơ hội, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thông tin sai lệch, xuyên tạc, tin giả, thách thức lớn từ góc nhìn pháp lý, an ninh truyền thông, từ góc nhìn văn hóa và đạo đức nghề nghiệp. Sử dụng ứng dụng AI cũng đang tiềm ẩn việc có thể thay thế một số công việc của nhân lực, gây ra mất việc làm cho một số nhân viên…
Với hai phiên làm việc, các chuyên gia, nhà báo, nhà nghiên cứu và quản lý báo chí thảo luận những định hướng ứng dụng công cụ AI tại Việt Nam hiện nay và sử dụng ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng.
Phiên 1 gồm các tham luận của diễn giả là nhà báo, nhà quản lý báo chí, nhà nghiên cứu báo chí truyền thông, như: "Hiện tượng ChatGPT: Cú huých chuyển đổi mô hình kinh tế báo chí số trên cơ sở giá trị cốt lõi của mình" của nhóm nghiên cứu Bộ Thông tin và Truyền thông; "Thử nghiệm ứng dụng trợ lý ảo AI trong sáng tạo nội dung và quản trị tòa soạn" của Thạc sỹ Trần Lệ Thùy, học giả nghiên cứu báo chí Đại học Oxford, Giám đốc Công ty sáng kiến truyền thông và phát triển mới; "Báo cáo kết quả thử nghiệm ChatGPT trong sáng tạo nội dung tác phẩm báo chí truyền hình ở HTV" của nhà báo Ngô Trần Thịnh, nhóm nghiên cứu ứng dụng ChatGPT, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, cùng những chia sẻ thảo luận về Ứng dụng AI trong sáng tạo nội dung báo chí đa nền tảng.
Phiên thứ 2 mở đầu với thuyết trình "Ứng dụng chatbot ở báo điện tử VietnamPlus từ góc nhìn quản trị tòa soạn" của nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam; qua đó các đại biểu thảo luận về các gợi ý ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các bước, các khâu trong quản trị sáng tạo nội dung tại tòa soạn, như: Làm thế nào để tăng tốc sản xuất nội dung, quản trị được các hoạt động sáng tạo nội dung trong toà soạn; khi ứng dụng AI, quản trị toà soạn đối mặt với những vấn đề gì, từ góc nhìn pháp lý, đạo đức, văn hoá...