Tại Quyết định số 2320/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, "Tri thức may, mặc áo dài Huế, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế" được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo Quyết định, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Dấu mốc quan trọng của trang phục áo dài Huế là vào năm 1744, sau khi chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi ở Phú Xuân đã ban hành nhiều chính sách và đề cập đến việc sửa đổi y phục. Sang Triều Nguyễn, triều đình đã ban bố lệnh, tạo cơ hội cho phụ nữ Huế nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung mặc áo dài thường xuyên. Truyền thống mang áo dài dần đi vào nếp sống hằng ngày của người dân. Đến nay, áo dài đã là một phần của bản sắc văn hóa và vẻ đẹp riêng có của con người xứ Huế.
Trước đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt Đề án “Huế - Kinh đô áo dài”, nhằm khẳng định giá trị, vị trí của áo dài trong dòng chảy văn hóa vùng đất Cố đô Huế và văn hóa Việt Nam.
Theo đề án, mục tiêu đến năm 2025 sẽ hình thành bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ; tổ chức định kỳ “Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế” trong các kỳ lễ hội ở Huế, đặc biệt là dịp Festival Huế; tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”; hình thành một sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế. Đến năm 2030, sẽ hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài phục vụ khách du lịch...
Tri thức may, mặc áo dài Huế trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là điều kiện, cơ sở quan trọng để Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế tiếp tục hoàn thiện hồ sơ nhằm đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia xem xét trình Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng hồ sơ “Tri thức may và mặc áo dài Huế” đệ trình UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.