Những chấn thương đầu lặp lại, chẳng hạn như chấn thương của các cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, có thể là một yếu tố gây ra bệnh thoái hóa thần kinh.
Va đập mạnh ở vùng đầu trong thể thao có thể dẫn đến một tình trạng bệnh lý gọi là bệnh chấn thương não mãn tính (CTE), có thể gây mất trí nhớ, lú lẫn, trầm cảm và thay đổi tính cách.
Nhưng bạn hoàn toàn không cần phải trải qua một chấn thương đầu nghiêm trọng mới có nguy cơ bị mắc biến chứng trên.
Trung bình, các cầu thủ bóng đá ở trường đại học nhận 21 cú va chạm vào vùng đầu mỗi tuần, thêm 41 cú va chạm nếu có mục đích phòng thủ. Và các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu những tác động này có thể gây ảnh hưởng gì đối với tương lai của họ.
Một nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Y tế Đại học Georgetown trước đây đã phát hiện ra một cơ chế thích ứng trong não làm thay đổi cách thức hoạt động của các khớp thần kinh để bảo vệ chính bản thân chúng trước các tác động. Tuy nhiên, điều này lại có thể gây khó khăn cho việc ghi nhớ những ký ức mới hoặc nhớ lại những ký ức cũ.
Sử dụng khái niệm này, nhóm nghiên cứu và cộng tác viên của họ tại Trường Cao đẳng Trinity Dublin đã tìm ra cách khiến một số cá thể chuột nhớ lại điều gì đó mà chúng đã quên sau một chấn thương nhẹ ở đầu.
Tiến sĩ Mark Burns cho biết: “Hầu hết các nghiên cứu trong lĩnh vực này đều thực hiện trên não người mắc CTE, một bệnh thoái hóa não được tìm thấy ở những người có tiền sử bị những tác động vào đầu lặp lại nhiều lần. Mục tiêu của chúng tôi là hiểu được bộ não thay đổi như thế nào để phản ứng với những tác động ở đầu ở mức độ thấp mà nhiều cầu thủ bóng đá trẻ thường xuyên trải qua”.
Họ đưa hai nhóm chuột vào một tình huống có thể tạo phản ứng sợ hãi. Sau khi đã học được phản ứng đó và ghi nhớ nó, một nhóm chuột sẽ phải chịu nhiều tác động nhẹ vào đầu trong suốt một tuần, mô phỏng một tuần của một cầu thủ bóng đá bình thường ở trường đại học.
Nhóm chuột còn lại không chịu tác động nào sẽ đóng vai trò đối chứng.
Sau một tuần, những con chuột bị chấn thương đầu nhiều lần không thể nhớ lại phản ứng sợ hãi mà chúng đã trải qua. Nhưng đây không phải là những con chuột bình thường. Chúng đã được biến đổi gen để các nhà khoa học có thể hình dung được cách các tế bào thần kinh tham gia vào việc tạo ra ký ức mới - các vết ký ức - trong não bộ của chúng.
Ngay cả sau khi chịu những tác động vào đầu, các vùng nhớ của chuột vẫn còn nguyên vẹn và trông giống hệt như ở những con chuột đối chứng. Sự khác biệt duy nhất là những con chuột bị thương không thể kích hoạt các vết ký ức này lên lại nữa.
Tiến sĩ Daniel P Chapman giải thích: “Chúng ta rất giỏi liên kết ký ức với các địa điểm vì việc nhìn thấy một địa điểm hoặc một bức ảnh về một địa điểm sẽ kích hoạt lại các vết ký ức của chúng ta”.
“Khi những con chuột nhìn thấy căn phòng nơi chúng lần đầu tiên học được ký ức, những con chuột đối chứng có thể kích hoạt các vết ký ức của chúng, nhưng những con chuột bị tác động vào đầu thì không. Đây chính là nguyên nhân gây ra chứng mất trí nhớ”, tiến sĩ nói thêm.
May mắn cho những con chuột, các nhà khoa học có thể kích hoạt lại các vùng nhớ một cách thủ công bằng cách sử dụng tia laser.
Không may cho chúng ta, kỹ thuật này quá rủi ro để có thể sử dụng ở người - nhưng nó chứng minh rằng về mặt lý thuyết, việc “đánh thức” lại một ký ức được cho là đã mất là có thể thực hiện được.
Burns cho biết: “Chúng tôi đang nghiên cứu một số kỹ thuật ít “xâm lấn” hơn để cố gắng truyền đạt đến não bộ rằng nó không còn gặp nguy hiểm nữa và mở ra một cánh cửa có thể đưa nó về trạng thái ban đầu”.
Mặc dù những phát hiện này sẽ không sớm dẫn đến việc điều trị ở người, nhưng chúng là một bước tiến quan trọng trong hiểu biết của chúng ta về việc chấn thương đầu có thể dẫn đến chứng mất trí nhớ như thế nào ngay cả trong thời gian ngắn và cách khắc phục nó.
Burns cho biết: “Bài nghiên cứu đem lại cho chúng tôi hy vọng rằng chúng tôi có thể thiết kế các phương pháp điều trị để đưa bộ não sau chấn thương trở lại trạng thái bình thường và phục hồi chức năng nhận thức ở những người có trí nhớ kém do các va chạm lặp lại ở vùng đầu”.